Trồng Chuối Trên Đất Muối Tro
Vùng gò đồi rộng lớn xã An Lĩnh (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) mỗi mùa mưa, bề mặt đất được “tráng” một lớp đất từ lá cây ủ mục ở đỉnh núi trôi xuống có màu xám tro nên người dân quanh vùng gọi là đất muối tro. Trên vùng đất này, nông dân trồng chuối, nhiều người thu gần 100 triệu đồng mỗi năm.
Ông Phạm Nguyễn Nhạt ở thôn Vĩnh Xuân, trồng 3ha chuối với đủ loại giống, từ chuối mốc địa phương đến chuối nu, chuối dạ hương. Ông Nhạt cho hay, đất vùng này “chịu” cây chuối, trồng chuối 100 cây sống 100 cây”. Giá chuối ngày thường dao động từ 10.000 đến 12.000 đồng/kg, một nải chuối trồng trên vùng đất muối tro thường gần 2kg, còn một buồng chuối trung bình 10 nải bán từ 180.000 đến 200.000 đồng. Như vậy hàng năm, trung bình với 3ha chuối hiện có, ông thu 90 triệu đồng.
Còn theo ông Nguyễn Quang Vinh ở thôn Quang Thuận, cách đây 10 năm, ông lập gia đình nên cố gắng khai hoang trồng chuối rồi mua thêm đất của những người xung quanh. Đến nay, anh có 3ha chuối trồng trên đất muối tro. “Chuối là cây mang lại thu nhập chính cho gia đình, từ thân, bắp đến buồng chuối đều được tận thu để bán. Gia đình tôi thu nhập gần 70 triệu đồng/năm” từ trồng chuối, ông Vinh nói.
Cũng theo ông Vinh, việc trồng chuối sợ nhất là gặp mưa bão lớn, cây chuối cao lớn gặp gió mau gãy, chỉ một số ít chuối đẹt là thoát. Mùa mưa bão năm 2009, cả vườn chuối của ông ngã hàng loạt, gần tết không có chuối bán. Năm ấy ông mất tiền triệu đầu tư trồng chuối từ thuê công, mua phân bón, chăm sóc nhưng cuối vụ không thu được đồng nào. Còn mấy năm nay chuối phát triển tốt, hàng năm, nhờ chuối mà ông có tiền trang trải cuộc sống gia đình, nuôi con ăn học.
Xã An Lĩnh có nhiều nhà nằm rải rác lưng chừng đồi. Những ngôi nhà dựa lưng vào vách núi, vườn chuối bao quanh, trải một màu xanh ra tận rẫy. Người dân ở xã An Lĩnh chủ yếu thu nhập cao từ cây chuối, nhà ít nhất cũng có gần trăm cây chuối. Người dân ở đây chủ yếu trồng chuối bán dịp tết.
Theo kinh nghiệm, để chuối ra buồng chín trúng dịp tết thì cứ tháng 4, ta bứng chuối con trồng, chăm sóc đến tháng Chạp thì thu hoạch. Gần đây, nhiều người đầu tư trồng chuối để tăng thu nhập. Ông Nguyễn Văn Đa ở thôn Phong Thái có 3ha chuối.
Khác với cách trồng truyền thống là đào hố rồi trồng chuối con, ông Đa thuê xe gầu (xe múc), moi hố trồng. Cách trồng này theo ông Đa, từ khi trồng chuối con đến khi bén rễ ra lá non chỉ trong 7 đến 10 ngày, còn trồng bình thường thì cây chuối “mình nước” (thân mềm) nên gần cả tháng sau chuối, mới phát triển.
Không những thế, khi trồng chuối ta cần moi hố sâu rộng đất xốp, từ cây chuối mẹ đẻ ra nhiều cây chuối con, vả lại lớp chuối con sau này lâu lồi gốc (vì trồng sâu, hằng năm lấp gốc cao dần) nên “ăn” được mấy mùa sau, buồng chuối lại sai nải, trái to. Vì vậy, trên 1ha chuối, ông Đa thu 35 triệu đồng/năm.
Theo UBND xã An Lĩnh, toàn xã có 490ha chuối, trong đó thôn Vĩnh Xuân là nơi trồng chuối nhiều nhất xã. Mỗi năm, người dân nơi đây thu nhập từ 30 đến 40 triệu đồng từ chuối. Ông Đỗ Sơn, Chủ tịch UBND xã An Lĩnh, cho hay: Người dân ở đây thu nhập chính từ chuối, hầu hết trồng bán dịp tết. Đầu tháng Chạp, việc mua bán chuối diễn ra tấp nập, xóm làng vui hẳn lên.
Đất sản xuất ở đây chủ yếu là đất đá pha sạn cốm nên người dân tập trung trồng chuối. Mấy năm nay chuối được giá, đắt hàng nên nông dân phấn khởi. Đối với những người trồng nhiều, chỉ riêng thân chuối sau khi tách thành bẹ phơi khô bán đã có tiền triệu.
Nguồn bài viết: http://www.baophuyen.com.vn/Home/Error?aspxerrorpath=/82/124140/trong-chuoi-tren-dat-muoi-tro.html
Related news
Hầu hết các loại thức ăn chăn nuôi đều phải nhập khẩu, khiến cho giá đầu vào của Việt Nam luôn cao hơn 10 - 20% so với các nước khác. Để giảm chi phí đầu vào, các trang trại chăn nuôi lớn đang áp dụng biện pháp tự phối trộn thức ăn, song trong quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn…
Nhắc đến người thành công với mô hình nuôi ong ở vùng ven biển Kim Sơn (Ninh Bình), không ai quên nhắc đến cái tên Bùi Duy Hiển, xóm 5, xã Kim Tân. “Bén duyên” với nghề nuôi ong gần 10 năm nay, hiện giờ trong vườn nhà ông lúc nào cũng có trên 100 đàn ong khỏe mạnh, sản lượng mật hàng năm xấp xỉ 1,5 tấn với thu nhập gần 140 triệu đồng/năm.
Đó là anh Nguyễn Xuân Long, ở thôn Xuân Mỹ, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Anh cho biết: Trước năm 2001 anh làm nghề sản xuất bay, bàn chà bán cho cánh thợ nề. Thấy đất vườn nhà rộng nên anh mua 200 gà ta giống về nuôi chơi, không ngờ “làm giỡn, ăn thiệt”, sau gần 3 tháng xuất chuồng lãi 4 triệu đồng.
Từ cuối tháng 9 đến nay, nông dân các xã trên địa bàn huyện Thanh Oai như Thanh Mai, Bích Hòa, Cao Dương, Hồng Dương... hối hả bước vào vụ gặt. Theo các hộ nông dân, thời tiết nắng ráo như hiện nay rất thuận lợi cho việc thu hoạch và bảo quản thóc. Vụ mùa năm 2014, toàn huyện Thanh Oai gieo cấy 6.666 ha, trong đó, diện tích cấy các giống lúa lai có năng suất và chất lượng cao như: Bắc thơm số 7, BC15, lúa lai Thái Xuyên 111... chiếm khá lớn.
Những năm qua, tốc độ tăng trưởng ngành sản xuất lúa gạo của Đồng Tháp liên tục tăng mạnh. Diện tích gieo trồng hằng năm ước đạt 500 nghìn ha, sản xuất 2 - 3 vụ/năm. Năm 2013, diện tích trồng lúa của tỉnh tăng 514.803 ha, sản lượng 3,3 triệu tấn, đạt cao nhất từ trước đến nay.