Trồng Chôm Chôm Làm Giàu Trên Đất Cù Lao Tân Phong (Tiền Giang)

Tân Phong (Tiền Giang) là xứ cù lao sông nước, đất phù sa bồi màu mỡ thích hợp trồng nhiều loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao mà nổi bật là chôm chôm.
Cây chôm chôm trồng được nhiều nơi ở miền Nam nhưng có lẽ không nơi đâu cho trái to đẹp, chất lượng ngon ngọt bằng chôm chôm trên đất cù lao Tân Phong (xã Tân Phong, huyện Cai Lậy, Tiền Giang). Thương hiệu “chôm chôm Tân Phong” chiếm trọn niềm tin của khách hàng phía Nam nhiều năm nay bởi chất lượng vượt trội.
Nói đến trồng chôm chôm làm giàu tại đây phải kể đến ông Nguyễn Văn Giàu, cư ngụ tại ấp Tân Bường A, xã Tân Phong, đang sở hửu 4 ha đất chôm chôm đặc sản đang cho trái.
Ông Nguyễn Văn Giàu cho biết, gia đình ông trồng giống chôm chôm Java – giống chôm chôm truyền thống hiện diện từ lâu đời đã làm nên tên tuổi cho miệt vườn Tân Phong. Ưu điểm giống chôm chôm này là năng suất cao, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh và giá trị kinh tế cao. Thông thường, chôm chôm trồng khoảng 4 năm tuổi trở đi bắt đầu cho thu hoạch với năng suất ổn định.
Những năm về sau, vườn cây càng lâu năm, năng suất càng cao. Vườn chôm chôm của ông Giàu đã 6 – 7 năm tuổi và năm nào cũng thu hoạch đạt năng suất từ 25 tấn đến 30 tấn/ ha bình quân. Với 4 ha, mỗi năm gia đình ông đạt sản lượng từ 100 đến 120 tấn quả cung ứng cho thị trường.
Tháng 8 đến tháng 10 vào vụ thu hoạch, trái chín đỏ lúc lỉu trên cành. Thương lái đổ về thu mua tại chỗ với giá từ 9.000 đ – 10.000 đ/kg. Với giá trên, sau vụ thu hoạch ông thu trên 1 tỉ đồng, trừ chi phí còn lãi 300 – 400 triệu đồng.
Theo kinh nghiệm của ông Giàu, để thâm canh chôm chôm đạt hiệu quả, các khâu quan trọng cần chú ý: Tỉa cành, tạo tán, có chế độ chăm sóc phù hợp, bón nhiều phân hữu cơ hoai mục, biết xử lý để chủ động mùa vụ thu hoạch vừa trúng mùa, trúng giá và bội thu.
Cụ thể, hàng năm, sau khi thu hoạch xong ông tiến hành vệ sinh vườn cây, tỉa bỏ các cành vô hiệu. Khi cây bắt đầu ra đọt non ông xác định công thức phân bón thích hợp cho lần ra đọt non thứ 1, ra đọt non thứ 2, chuẩn bị vườn cây vào thời điểm bắt đầu xử lý ra hoa.
Thông thường, để cây ra hoa theo ý muốn, ông Giàu dùng biện pháp tháo cạn nước trong các ao mương vườn (nông dân gọi là xiết nước) kết hợp chăm sóc tích cực. Cách làm như sau: Thời điểm khoảng tháng 12 âl, sau khi cây đã ra đọt non lần thứ 2, bắt đầu siết nước.
Thời gian siết nước kéo dài trong khoảng 1 tháng rưởi đến 2 tháng thì cây bắt đầu ra hoa. Chú ý, thời gian trên không phải siết nước khô cạn triệt để toàn bộ mà cần theo dõi sức khỏe của cây để lấy nước vào, tháo nước ra trong những thời điểm thích hợp.
Mục đích kích thích để cây ra hoa theo ý muốn của chủ vườn. Sau thời gian siết nước đến thời kỳ chăm sóc hoa, tỉa và chăm sóc trái, có chế độ bón phân nuôi trái, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý để phòng trị sâu bệnh gây hại trên hoa, trên trái và sâu đục thân...
Ông Võ Minh Cường, Chủ tịch UBND xã Tân Phong đánh giá: Cái hay của ông Nguyễn Văn Giàu là với sự nhạy bén của người nông dân nhiều đời gắn bó với nghề trồng chôm chôm trên đất cù lao đã biết kết hợp nhuần nhuyễn giữa kinh nghiệm tích lũy được với kiến thức thâm canh theo khoa học, biết nắm vững kỹ thuật xử lý cho cây ra hoa theo ý muốn khắc phục tình trạng “trúng mùa, dội chợ”, giữ được giá bán chôm chôm luôn ở mức cao.
Hầu như năm nào ông cũng xử lý cho cây ra hoa thành công, thu hoạch trái vụ, tránh thời điểm mùa trái cây phía Nam vào chính vụ (khoảng tháng 5,6 âl) thường bị mất giá. Kinh nghiệm trên được ông chia sẻ cùng bà con vùng chuyên canh chôm chôm tại đây để cùng khai thác tốt tiềm năng cây trồng đặc sản này để làm giàu. Theo gương ông, nông dân Tân Phong đã mở rộng diện tích chôm chôm lên 550 ha, lớn nhất tỉnh Tiền Giang.
Riêng ông Nguyễn Văn Giàu, nhờ vậy, với 4 ha chôm chôm, ông đã tạo dựng nên cơ nghiệp vững vàng, trở thành tỉ phú đất cồn Tân Phong và là điển hình nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi của địa phương, góp thêm vào sự đa dạng của những mô hình làm ăn hiệu quả ở nông thôn Tiền Giang hôm nay.
Related news

Trong mùa mưa bão, diện tích nuôi trồng thủy sản là vùng có nguy cơ ngập úng lớn nhất, gây thiệt hại không nhỏ cho người sản xuất, nhất là các hộ nuôi trồng thủy sản ở ven đê. Tuy nhiên, các giải pháp để bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong mùa mưa bão như các hộ dân vẫn làm hiện nay dường như chưa thể khiến họ an tâm...

Nhìn những thanh niên trẻ măng sinh năm 1991-1993, khó ai có thể tin họ đang là những người “đứng mũi chịu sào” lo lắng công việc của thôn làng và nhận được tín nhiệm cao của người dân trong thôn.

Huyện Cái Bè (Tiền Giang) nổi tiếng với nhiều loại cây ăn trái đặc sản như: Bưởi lông Cổ Cò, Xoài Cát Hòa Lộc, quýt đường, cam sành, nhãn,... Diện tích cây ăn trái ngày càng tăng nhanh. Hiện toàn huyện có 16.864 ha vườn cây ăn trái (tăng 64 ha so với năm 2013).

Ông Nguyễn Văn Tân là người đầu tiên đưa ếch Thái Lan về nuôi ở xã Hải Ninh, huyện Hải Hậu, Nam Định. Từ mô hình của ông, nhiều gia đình trong xã đã làm theo và đang làm giàu bền vững.

Gừng tươi lâu nay ổn định từ 40.000 đồng – 50.000/kg nay tăng lên 80.000 đồng/kg; trứng giá cầm tăng 3.000 – 5.000 đồng/hộp (10 trứng). Theo lý giải của các tiểu thương, hiện nay các mặt hàng gia vị hàng không đáp ứng đủ nên giá tăng lên. Bên cạnh đó, hiện đang vào mùa sản xuất bánh trung thu nên nhu cầu trứng tăng cao, vì vậy giá trứng gia cầm tăng mạnh.