Home / Cây công nghiệp / Cây tiêu

Một số sâu, bệnh hại cây tiêu: Bệnh chết nhanh

Một số sâu, bệnh hại cây tiêu: Bệnh chết nhanh
Author: Th.S Huỳnh Kim Ngọc
Publish date: Friday. September 30th, 2016

Cây tiêu bị bệnh chết nhanh, gốc cây đã bị thối, mặc dù phía trên lá một số vẫn còn xanh

Sau đó cây chết trong vòng vài tuần. Nhổ lên thấy toàn bộ rễ bị thối đen, nhất là phần cổ rễ, thân sát mặt đất bị thối rã, vỏ bong ra, có mùi hôi nhẹ.

Bệnh xuất hiện sẽ làm chết hàng loạt nọc tiêu, việc phòng trị sẽ khó khăn, tốn kém và ít hiệu quả, vì khi triệu chứng thể hiện ra bên ngoài thì có nghĩa là bộ rễ tiêu đã bị nấm tấn công từ 1 - 2 tháng trước.

Bệnh thối gốc - chết dây do một loại nấm sống dưới đất, thích ẩm gọi là Phytophthora parasitica var. piperana. Bệnh xảy ra và lây lan chủ yếu trong mùa mưa, nhất là giai đoạn giữa và cuối mùa mưa, thông thường nấm Phytophthora kết hợp với các loại nấm sống trong đất khác như Pythium, Fusarium, Rhizoctonia… cùng tấn công nên tiêu càng chết nhanh.

Nấm bệnh có thể xâm nhập hầu như tất cả các bộ phận của cây tiêu như lá, rễ, thân, nhánh… nhất là các bộ phận nằm trong và sát mặt đất. Thông thường trong mùa mưa, các lá dưới thấp bị bệnh trước do nước mưa mang mầm bệnh dưới đất bắn toé lên dính vào các lá bên dưới, lá bệnh rụng xuống, mang theo mầm bệnh và lây lan nhanh nhờ nước.

Kinh nghiệm cho thấy bệnh xuất hiện trên các vườn tiêu 3, 4 năm tuổi trở lên và khi thấy trong vườn có 5 - 7% cây chết thì phần lớn cây trong vườn đều đã bị nấm tấn công.

Để phòng trừ bệnh thối gốc - chết dây, cần chú ý các biện pháp tổng hợp sau:

Trồng cây với mật số vừa phải, không trồng dầy, nên xén tỉa nhánh sát mặt đất (cách mặt đất 20 - 30cm), có thể quét dung dịch Bordeaux 10%, vôi vào phân thân tiêu sát mặt đất để hạn chế sự xâm nhập của mầm bệnh.

Xen canh: Theo kinh nghiệm các nước Ấn Độ, Philipinnes cho thấy trồng xen tiêu với cà phê, dừa… sẽ giảm bệnh chết nhanh.

Sử dụng cây con sạch bệnh: Không lấy hom trong vườn đã bị bệnh chết nhanh, đất trong bầu phải được xử lý bằng nhiệt độ, formol… để trừ tuyến trùng, mầm bệnh…

Giống kháng: Các giống tiêu khác nhau có tính chống chịu khác nhau đối với bệnh chết nhanh, kinh nghiệm cho thấy giống tiêu Lada Belangtoen có tính chống chịu bệnh cao.

Thoát nước triệt để: Để hạn chế bệnh chết nhanh, cần phải hạ mức thuỷ cấp xuống càng sâu, càng tốt, tối thiểu cũng phải bảo đảm 6 tấc (60cm) tính từ mặt đất trở xuống không được đọng nước, nếu cần phải lên mô để trồng. Trung bình cứ hai hàng tiêu, có một mương, mương vừa giúp thoát thuỷ vừa hạn chế tuyến trùng và mầm bệnh lây lan qua nước.

Bón phân: Cần bón đầy đủ và hợp lý sẽ giúp tiêu chống chịu bệnh tốt hơn, chú ý bổ sung ma nhê và vôi. Phân hữu cơ hoai mục cũng tốt cho tiêu do ngoài việc cung cấp thêm ít vi lượng cho cây, trong phân hữu cơ có hệ vi sinh vật đối kháng với mầm bệnh và tuyến trùng.

Vệ sinh đồng ruộng: Thường xuyên thu nhặt tàn dư thực vật như lá, cành, rễ… cây bệnh trong vườn, mang đi tiêu hủy. Vườn tiêu bị bệnh không nên trồng lại ngay, cần chờ ít nhất 6 tháng đến 1 năm, mới nên trồng lại sau khi đã xử lý mầm bệnh.

Xử lý bằng hóa chất: Vườn tiêu 2, 3 năm đã bắt đầu nhiễm bệnh, do đó từ năm thứ ba để phòng trừ có thể phun hay đổ gốc các loại thuốc đặc hiệu như Alpine 800 WG (Fosetyl aluminium), Mexyl MZ 72 WP (Metalaxyl) hay Treppach Bul 607SL (Propamocarb). Nếu vườn kế bên bị bệnh thì có thể xử lý xen kẽ các loại thuốc này với thuốc gốc đồng mỗi tháng một lần, nếu trồng tiêu lại trên vườn vụ trước đã bị bệnh chết nhanh cần phải phòng trừ ngay năm đầu tiên.


Related news

Nâng Cao Năng Suất, Chất Lượng Hồ Tiêu Bằng Phân Bón Lâm Thao Nâng Cao Năng Suất, Chất Lượng Hồ Tiêu Bằng Phân Bón Lâm Thao

Cây tiêu có tên khoa học là: Piper nigrum L, họ hồ tiêu (Piperaceae), bộ Piperales. Ở nước ta, cây tiêu được đưa vào trồng trước hết tại vùng Hà Tiên, sau đó nhanh chóng được nhân rộng ra ở Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và duyên hải Trung Bộ.

Wednesday. May 14th, 2014
Kỹ thuật làm bông cho trái hồ tiêu đạt năng suất cao Kỹ thuật làm bông cho trái hồ tiêu đạt năng suất cao

Đối với cây hồ tiêu, yếu tố quan trọng nhất trong việc xử lý ra hoa chính là nước. Trong điều kiện bình thường, người dân thường xử lý ra hoa bằng cách hạn chế (hoặc không) tưới nước để vườn tiêu bị héo nhẹ, làm cho cây chuyển sang trạng thái sinh sản tạo mầm, rồi sau đó lợi dụng đặc tính mưa lớn đầu mùa vào tháng 5 – 6 cho tiêu ra hoa.

Friday. September 30th, 2016
Giải cứu vườn hồ tiêu khỏi bệnh chết nhanh trong mùa mưa Giải cứu vườn hồ tiêu khỏi bệnh chết nhanh trong mùa mưa

Trong những năm gần đây, trên cây hồ tiêu đã xuất hiện nhiều loại sâu bệnh, đặc biệt là bệnh chết nhanh do nấm Phytophthora sp. gây ra đã làm ảnh hưởng nghiệm trọng tới sản xuất cây hồ tiêu. Nhiều hộ trồng tiêu phải bó tay nhìn những trụ tiêu được vun trồng hàng chục năm bỗng chốc héo rũ rồi chết, có hộ trồng nhiều diện tích phải điêu đứng vì nhiều cây tiêu trên vườn bị chết.

Friday. September 30th, 2016