Trồng cà chua VietGAP lãi gấp 30 lần trồng lúa
Từ việc chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng cà chua ghép trên gốc cà tím theo quy trình VietGAP, hàng chục hộ dân ở xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) đã có thu nhập cao gấp nhiều lần, bình quân lãi từ 25 - 40 triệu đồng/sào.
Nông dân Bùi Mạnh Hùng
Mô hình trên nằm trong khuôn khổ dự án nâng cao chất lượng sản phẩm rau an toàn và khí sinh học, được Chi cục BVTV tỉnh Vĩnh Phúc triển khai tại xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường từ tháng 9.2013 trên tổng diện tích hơn 20ha, với 439 hộ dân tham gia. Đến tháng 8.2014, dự án đã triển khai được hơn 10ha, khoảng 200 hộ tham gia.
Đầu tư ít, lãi cao
Đang bón phân cho ruộng cà chua mới trồng, ông Bùi Mạnh Hùng ở thôn 7 (xã Đại Đồng) nghỉ tay cho biết, tham gia dự án trồng cà chua VietGAP từ tháng 9.2013, vụ đầu gia đình ông trồng thử nghiệm 2,5 sào cà chua ghép trên gốc cà tím theo quy trình VietGAP, tổng chi phí hết 5 – 7 triệu đồng/sào, song lãi thu được trên 30 triệu đồng, gấp gần 30 lần so với trồng lúa, thậm chí có vụ lúa bị mất mùa, sâu bệnh còn lỗ nặng. “Vụ đông năm nay, tôi tiếp tục trồng 2 sào cà chua ghép theo hướng VietGAP, hiện cây đang phát triển tốt. Nếu thời tiết thuận lợi, cà chua sẽ đậu rất nhiều quả, năng suất cao hơn vụ trước” - ông Hùng phấn khởi nói thêm.
Cùng được hưởng lợi từ dự án, gia đình ông Trần Văn Sáng ở thôn 7 cho biết: “Thời gian đầu khi được cán bộ dự án đến nhà vận động chuyển đổi hơn 2 sào đất trồng lúa sang mô hình cà chua ghép theo quy trình VietGAP, tôi cũng phân vân lắm. Nhưng sau khi bàn bạc, vợ chồng tôi quyết định thử làm, không ngờ ngay lứa đầu đã thắng ngay, thu về gần 100 triệu đồng. Vì vậy năm nay gia đình tôi tự tin đầu tư tiếp”.
Nông dân khỏe
Nhà tôi trồng thử nghiệm 2,5 sào cà chua ghép trên gốc cà tím theo quy trình VietGAP, tổng chi phí hết 5 - 7 triệu đồng/sào, song lãi thu được trên 30 triệu đồng, gấp gần 30 lần so với trồng lúa.
Trò chuyện với phóng viên, ông Trần Văn Sáng cho biết thêm: Tham gia dự án trồng cà chua theo quy trình VietGAP, nông dân ở Đại Đồng không chỉ có thu nhập cao hơn trồng lúa, mà còn đảm bảo sức khỏe. Theo đó, khi tham gia dự án, ND được tập huấn kiến thức về cách chăm sóc, trị bệnh cho cà chua bằng phương pháp an toàn sinh học, vì thế không ai còn sử dụng thuốc BVTV độc hại để phun như trước, lượng phân bón hóa học cũng giảm dần nên việc chăm bón cà chua bớt vất vả, sản phẩm làm ra đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Ông Chu Văn Liệu - cán bộ nông nghiệp xã Đại Đồng cho hay: “Ngoài việc đưa cây cà chua ghép trên gốc cà tím vào trồng thử nghiệm thành công, thời gian qua dự án cũng xây dựng thêm nhiều mô hình khác như trồng ớt xuất khẩu, thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng/sào/vụ; trồng dưa leo thu nhập 5 - 7 triệu đồng/sào/vụ… “Dự án đang tiếp tục triển khai xây dựng khu nhà sơ chế, hệ thống điện, kênh mương tưới tiêu…, dự kiến sẽ hoàn thành cuối năm 2014 để tạo điều kiện cho dự án phát triển bền vững, giúp bà con được hưởng lợi nhiều hơn” - ông Liệu nói.
Cũng theo ông Liệu, khó khăn của dự án hiện nay vẫn là đầu ra cho sản phẩm. Do đó, về lâu dài, dự án sẽ liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tìm đầu ra ổn định cho bà con.
Related news
Ông Phan Nguyễn Văn Trinh, Chủ nhiệm HTX Rau an toàn Văn Hải, T.p Phan Rang-Tháp Chàm cho biết: Cà chua là loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với các rau màu khác.
Vụ đông-xuân có thể trồng từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau. Vụ hè-thu trồng từ tháng 4 đến tháng 7. Kinh nghiệm của nhiều nhà vườn cho thấy các tỉnh Nam bộ không nên trồng vào các tháng mùa mưa (tháng 5, tháng 6), các tỉnh phía Bắc không nên trồng vào các tháng 12, tháng 1 vì rất dễ bị sâu đục quả gây hại vào thời gian cây cho thu hoạch.
Vụ cà chua thu đông trồng vào tháng 7-8, thu hoạch tháng 9-11 ở các tỉnh đồng bằng, trung du, miền núi phía Bắc cho thu nhập rất cao. Thâm canh 1 sào Bắc bộ 360m2 cà chua thu đông đạt sản lượng 1-2 tấn cho thu 8-10 triệu đồng.