Triệu Phú Tôm Càng Xanh
Những năm gần đây, nhờ phát triển ngành nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm càng xanh, nên nhiều nông dân ở huyện Tam Nông (Đồng Tháp) đã thoát được cảnh nghèo khó, vươn lên làm giàu.
Ông Hứa Văn Điển (SN 1958) ngụ ấp Long Thành, xã Phú Thành A, huyện Tam Nông là một trong những nông dân điển hình, dám nghĩ dám làm và thành công với mô hình nuôi tôm càng xanh. Lần đầu tiếp xúc, nhiều người rất dễ lầm tưởng ông Điển là người đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành thủy sản bởi kiến thức và sự am tường về kỹ thuật nuôi tôm của ông. Tuy nhiên, ông Điển vốn là một nông dân có ý chí cầu tiến và lòng đam mê đối với con tôm càng xanh.
Ông Điển tâm sự, cái duyên để ông gắn bó với tôm càng xanh hơn 10 năm nay là năm 2003, tình cờ trong 1 bản tin thời sự, ông thấy ở huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang có mô hình nuôi tôm càng xanh mùa nước nổi cho hiệu quả kinh tế cao. Thế là ông có suy nghĩ: “Ở An Giang mùa lũ cũng không khác ở quê mình, sao người ta có thể tận dụng để làm giàu, còn mình thì cứ bỏ đất trống”.
Nghĩ là làm, ông khăn gói qua An Giang học tập kinh nghiệm. Năm đầu tiên ông về nuôi thử nghiệm trên 2ha, dù chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng sau mùa nước lũ năm 2004 ông thu lãi trên 150 triệu đồng. Ở thời điểm này, đưa ra quyết định nuôi tôm vào mùa lũ của ông Điển được xem là một trong những quyết định mạo hiểm và táo bạo.
Cũng từ đó, nhiều nông dân ở huyện Tam Nông mạnh dạn phát triển mô hình nuôi tôm càng xanh mùa nước nổi, góp phần cải thiện thu nhập cho nhiều nông hộ.
Không dừng lại với những thành công ban đầu, với ý chí không ngừng học tập kinh nghiệm nuôi tôm. Hơn 10 năm qua, ông Điển đã đi nhiều nơi học tập kỹ thuật sản xuất mới và đúc kết được nhiều kinh nghiệm quý báu cho nghề nuôi tôm càng xanh.
Theo tính toán của ông Điển, nuôi thủy sản nói chung và nuôi tôm càng xanh nói riêng cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với độc canh cây lúa. Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực này khá cao và mô hình dễ thất bại nếu người nuôi không nắm vững kỹ thuật.
Với kinh nghiệm 10 năm trong nghề ông Điển đúc kết: “Con giống và môi trường nước là hai yếu tố vô cùng quan trọng mà người nuôi tôm cần phải nắm. Tôm càng xanh dễ nuôi, song những năm gần đây do chất lượng tôm giống không tốt, thêm vào đó nguồn nước sông bị nhiễm các loại thuốc hóa học từ ruộng lúa thải ra, nên đã gây không ít khó khăn cho người chăn nuôi”.
Nhờ đức tính cần cù, chịu thương chịu khó, đến nay gia đình ông Hứa Văn Điển vươn lên thoát khỏi cảnh nghèo, trở thành một trong những nông dân điển hình của huyện Tam Nông. Ông được UBND tỉnh phong tặng danh hiệu Nông dân sản xuất giỏi nhiều năm liền.
Hiện nay, bằng kỹ thuật cho tôm rã vụ quanh năm nên thu nhập từ sản xuất tôm của gia đình ông Điển rất cao. Trung bình với 7ha đất mặt nước, ông có thể cung cấp cho thị trường 13 - 14 tấn tôm thương phẩm/năm, thu nhập bình quân trên 500 triệu đồng mỗi năm. Nhờ làm ăn hiệu quả nên gia đình ông mua thêm được 3ha đất chuyên canh tác lúa, góp phần tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình.
Không những là một nông dân làm kinh tế giỏi, ông Điển còn được đông đảo bà con nông dân quý mến bởi sự chân chất, nhiệt tình giúp đỡ bà con lối xóm cùng nhau phát triển kinh tế. Ông Huỳnh Thanh Hùng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Thành A cho biết: “Dù là người có công rất lớn trong phát triển và nhân rộng mô hình nuôi tôm càng xanh ở xã, song anh Điển lại là một người rất hòa đồng và nhiệt tình với bà con lối xóm. Đáng quý hơn, đối với công tác xã hội anh rất nhiệt huyết, góp phần rất lớn trong công tác xã hội cho địa phương”.
Related news
Từ đầu năm đến nay, diện tích tôm nuôi trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu bị thiệt hại 13.732ha. Trong đó, tôm nuôi bị thiệt hại từ 30 - 70% trên 10.660ha, thiệt hại trên 70% là trên 3.000ha.
Sở NN-PTNT cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu có hơn 2.150 hộ và 41 doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư nuôi trồng và sản xuất giống thủy sản các loại.
Từ giữa tháng 5.2015 đến nay, các hộ nuôi cá lồng trên biển tại Hải Minh (thuộc tổ 46, khu vực 9, phường Hải Cảng - TP Quy Nhơn - tỉnh Bình Định) gặp nhiều khó khăn do cá nuôi bị dịch bệnh chết và giá cá duy trì ở mức thấp. Theo thống kê của UBND phường Hải Cảng, hiện ở Hải Minh có 86 hộ nuôi cá lồng biển, gồm 176 bè với 1.013 lồng nuôi (nhiều nhất là cá chẽm, cá hồng, cá bớp, cá mú…), tăng 5 hộ và 57 bè so với cuối năm 2014.
Mới đây, Sở NN&PTNT Sóc Trăng, Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 đã khảo sát và trao đổi với xã viên hợp tác xã nuôi tôm Hòa Nghĩa – xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu về hiện tượng tôm chết sớm xảy ra vào đầu tháng 8, khiến bà con rất lo lắng.
Trong khi đó, bệnh thủy sản phát sinh nhiều do thời tiết trong mùa mưa, nước từ thượng nguồn đổ về làm giảm chất lượng nước trên sông. Bệnh trên cá tra nuôi thương phẩm chủ yếu là bệnh xuất huyết, gan thận mủ và trắng gan trắng mang với tỷ lệ nhiễm từ 10 - 20%; trên cá nuôi lồng bè chủ yếu là bệnh xuất huyết, phù đầu, nổ mắt, thối mang với tỷ lệ nhiễm từ 10 - 15%.