Triển Vọng Từ Những Mô Hình Khuyến Ngư
Những năm gần đây, nghề nuôi thủy sản ở tỉnh Nam Định tiếp tục phát triển mạnh. Diện tích, năng suất, sản lượng đều tăng nhanh ở các đối tượng và vùng nuôi nước ngọt, nuôi mặn, lợ mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Để đa dạng hóa các đối tượng con nuôi có khả năng thích nghi cao với biến động của môi trường, đáp ứng nhu cầu thị trường, việc triển khai các mô hình sản xuất khảo nghiệm để lựa chọn, bổ sung các con nuôi được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư (KN-KN) (Sở NN và PTNT) tiến hành thường xuyên.
Được sự giúp đỡ của Trung tâm KN Quốc gia, Sở NN và PTNT đã chỉ đạo Trung tâm KN-KN tỉnh thực hiện nhiều mô hình con nuôi mới tại các vùng nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh. Nổi bật là mô hình nuôi cá hồng mỹ và cá sủ đất. Cuối năm 2012, Trung tâm KN-KN tỉnh đã tiến hành khảo sát và chọn 1 ha ao nuôi tại xã Giao Phong (Giao Thuỷ) để xây dựng mô hình.
Tham gia mô hình có 3 hộ là các ông: Cao Văn Ba, Đinh Thanh Thịnh và bà Nguyễn Thị Lương. Bà Lương cho biết, gia đình có 2ha ao mặn lợ đang nuôi các loại thuỷ sản theo phương thức quảng canh nên sản lượng và hiệu quả kinh tế không cao. Sau khi được tham dự lớp tập huấn kỹ thuật nuôi cá hồng mỹ do Trung tâm KN-KN tỉnh tổ chức, bà nhận thấy đối tượng này dễ nuôi, ít bệnh, giá trị kinh tế cao, thuận lợi nguồn thức ăn tại địa phương nên năm 2012 đã tham gia thực hiện mô hình.
Cán bộ kỹ thuật của Trung tâm đã hướng dẫn các hộ nuôi cải tạo ao đầm, cày xới đáy ao bóc bỏ lớp bùn đen từ vụ trước, kiểm tra độ pH trước khi bón vôi toàn bộ bờ và đáy ao, phơi đáy ao 10 ngày rồi mới lấy nước vào. Nước lấy vào ao được lọc qua lưới, khi đạt mức 1-1,2m dùng thuốc Saponin ngâm 1 ngày rồi té đều khắp ao để diệt cá tạp.
Kiểm tra kỹ đăng cống và vây lưới quanh bờ tránh cá thoát ra ngoài. Bên cạnh đó, Trung tâm còn chuẩn bị 15 nghìn con giống/3 ao. Cá giống có độ đồng đều, kích cỡ từ 10-12cm, khoẻ, không bị mắc các triệu chứng về bệnh lý, không sây sát. Cá được tắm thuốc tím để phòng bệnh trước khi thả.
Chế độ ăn đúng hướng dẫn từng tháng theo quá trình sinh trưởng; định kỳ thay nước 1-2 lần/tháng theo thuỷ triều tạo môi trường sống mới, kích thích sự tăng trưởng của cá, giúp cá khoẻ mạnh, ít bị nhiễm bệnh; mỗi lần thay nước cần theo dõi hoạt động của cá nếu có phản ứng khác lạ bất lợi cần tìm nguyên nhân và có biện pháp xử lý phù hợp. Hằng ngày, các hộ nuôi thường xuyên kiểm tra cống tưới tiêu nước, bờ, tu bổ bờ vùng, bờ thửa, đắp lại những vị trí bị rò rỉ, hạn chế sự thất thoát nước. Duy trì độ sâu trong ao nuôi theo thời gian nuôi 1,1-1,2m để ổn định nhiệt độ nước, ổn định môi trường nuôi.
Định kỳ kiểm tra tốc độ tăng trưởng, mật độ cá để có biện pháp chăm sóc thích hợp; bón vôi, sử dụng chế phẩm VICATO để làm sạch môi trường tiêu diệt mầm bệnh và làm lắng đọng các chất hữu cơ lơ lửng làm kiềm hoá môi trường, ức chế sự phát triển của các sinh vật gây bệnh. Khi thời tiết thay đổi, kết hợp thay nước và cho ăn tăng cường chất khoáng và vitamin để tăng sức đề kháng, đồng thời giảm lượng thức ăn, tránh dư thừa gây ô nhiễm môi trường.
Các biện pháp kỹ thuật được cán bộ KN hướng dẫn chỉ đạo, theo dõi thường xuyên. Kết quả, hộ ông Cao Văn Ba đạt 2,86 tấn; ông Đinh Thanh Thịnh 2,46 tấn và bà Nguyễn Thị Lương 2,875 tấn. Bình quân năng suất cá hồng mỹ của mô hình đạt gần 8,2 tấn/ha.
Tại thời điểm thu hoạch, cá hồng mỹ có giá 75 nghìn đồng/kg. Trừ chi phí mỗi ha nuôi cá hồng mỹ cho thu lãi 236 triệu đồng. Đầu năm 2013, Trung tâm KN-KN tỉnh tiếp tục tổ chức xây dựng mô hình nuôi cá hồng mỹ tại 3 hộ ông: Lê Văn Bản, Lê Thế Nhật và Phạm Đức Cảm tại vùng nuôi thủy sản của xã Xuân Hòa (Xuân Trường). Qua kiểm tra cho thấy, hiện nay, cá hồng mỹ sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt trên 75%, cá đạt được kích cỡ bình quân 0,7 kg/con.
Những năm gần đây, cá sủ đất đã được người dân một số địa phương trong nước nuôi với số lượng lớn, cho hiệu quả kinh tế cao. Trên địa bàn tỉnh, hiện nay Trung tâm Giống hải sản Nam Định đã làm chủ được công nghệ sinh sản nhân tạo giống cá sủ đất. Mô hình nuôi cá sủ đất được Trung tâm KN-KN tỉnh triển khai thực hiện từ tháng 4-2013 tại hộ ông Phạm Văn Sinh, xã Bạch Long (Giao Thủy), với tổng diện tích nuôi là 1.000m2. Số con giống thả nuôi do Trung tâm Giống hải sản cung cấp đều khoẻ mạnh, kích cỡ đồng đều và được kiểm dịch chặt chẽ.
Đồng chí Trần Ngọc Sỹ, Phó Giám đốc Trung tâm KN-KN tỉnh cho biết: Cá sủ đất là loài sống gần bờ và trên các vùng đáy bùn, cá có thể phân bố đến độ sâu 60m, là loài cá nhiệt đới, cận ôn đới. Chính vì vậy, loài cá này ưa nhiệt tương đối rộng, có thể sống được ở nhiệt độ từ 5-34 độ C, nhiệt độ thích hợp từ 20-30 độ C.
Cá có thể chịu được độ mặn từ 5 - 32 phần nghìn, ưa môi trường nước sạch thường xuyên. Là loài cá ăn tạp, tốc độ sinh trưởng nhanh, sau 7 tháng nuôi cá có thể đạt kích cỡ bình quân từ 0,8 kg/con, sau 1 năm đạt 1,2-1,5 kg/con. Năng suất cá sủ đất có thể đạt trên 9 tấn/ha. Chất lượng thịt cá thơm ngon, hàm lượng dinh dưỡng cao, được thị trường rất ưa chuộng, dễ tiêu thụ.
Với giá bán cá thương phẩm trên thị trường từ 100-120 nghìn đồng/kg, cá sủ đất thương phẩm hứa hẹn cho hiệu quả kinh tế cao và mở ra hướng đi mới cho người nuôi thuỷ sản. Đến thời điểm này, tỷ lệ cá sống đạt trên 80%, kích cỡ bình quân đạt 0,5 kg/con.
Hiện, Trung tâm KN-KN tỉnh đang hoàn thiện quy trình nuôi cá sủ đất thương phẩm để từng bước triển khai nhân rộng mô hình. Ngoài 2 mô hình nuôi thử nghiệm cá hồng mỹ và cá sủ đất, Trung tâm KN-KN tỉnh còn đang thực hiện các mô hình nuôi cá rô phi đơn tính đực theo quy trình VietGAP, mô hình nuôi tôm càng xanh, mô hình nuôi ghép chạch đồng và cua đồng...
Cuối tháng 7 vừa qua, Vụ Khoa học và Công nghệ và Trung tâm KN quốc gia đã tổ chức kiểm tra các mô hình khuyến ngư ở tỉnh. Theo đánh giá, các mô hình khuyến ngư triển khai ở tỉnh đều đạt các yêu cầu về môi trường, kỹ thuật, đào tạo tập huấn, cấp phát vật tư, thức ăn... theo đúng kế hoạch và quy trình.
Những mô hình trên có triển vọng mang lại hiệu quả kinh tế cao, bổ sung đa dạng hóa cơ cấu đối tượng nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại các vùng nuôi ở tỉnh. Hai đối tượng con nuôi cá hồng mỹ và cá sủ đất có thể nuôi với quy mô lớn theo quy trình nuôi thâm canh và sản xuất hàng hóa, sản phẩm đạt chất lượng VSATTP thú y, thủy sản.
Các mô hình trên đã cho các hộ nuôi tiếp cận với nền sản xuất hàng hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích và nâng cao đời sống của người sản xuất. Đây là cơ sở để tỉnh tiếp tục nhân rộng các mô hình con nuôi mới, góp phần làm tăng sản lượng thủy sản, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và phục vụ chế biến xuất khẩu.
Related news
Sau hơn 15 năm có mặt và phát triển trên vùng đất Thượng Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh), cây cam chanh đã khẳng định được vị trí của mình, bởi sự thích nghi với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng, có hương vị đậm đà không thua kém gì các sản phẩm cam nổi tiếng trong tỉnh như: Cam bù Hương Sơn, cam Khe Mây, cam chanh Cẩm Yên...
Mặn xâm nhập sâu vào hạ lưu sông Thu Bồn. Để cứu 600ha lúa chính vụ, ngành thủy lợi và các đơn vị liên quan đang dốc sức thi công tuyến đập bổi ngăn mặn tại khu vực cầu Gò Nổi nhằm đảm bảo cung ứng nguồn nước ngọt cho trạm bơm điện Xuyên Đông (Duy Xuyên) hoạt động ổn định.
Để đạt được mức tăng trưởng như trên thì chi phí bán hàng và chi phí quản lý cũng tăng hơn 45% lên 758 tỷ đồng. Trong đó, chi phí bán hàng đạt 629 tỷ đồng, tăng 40%.
Hiện mặt hàng cá tra đã xuất khẩu sang 150 quốc gia trên thế giới (Hoa Kỳ và EU chiếm gần 40%), giá trị xuất khẩu khoảng 1,8 tỷ USD/năm, trong đó tỷ trọng xuất khẩu cá tra phi lê chiếm khoảng 90%.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, năm 2013, cả nước có gần 320 triệu con gia cầm, trong đó vùng có đàn gia cầm lớn nhất là ĐBSH với hơn 85 triệu con; tiếp đến là ĐBSCL 58,7 triệu con. Tuy nhiên, chăn nuôi gia cầm hiện nay chủ yếu theo quy mô nông hộ, nhỏ lẻ, thiếu liên kết và định hướng thị trường.