Triển vọng từ mô hình nuôi dê
Theo ông Nguyễn Hồng Sáng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Bình, để giúp hội viên, nông dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, kéo giảm hộ nghèo, Hội Nông dân xã đã tích cực vận động nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp.
Ông Nguyễn Quốc Thắng, ở ấp Bình Lợi, xã Long Bình, cho biết: “Được cán bộ chi hội, Hội Nông dân xã động viên chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn để cải thiện thu nhập nên tôi làm theo. Nhiều người khuyên tôi nên nuôi dê vì dễ chăm sóc, thu nhập khá, vì thế tôi không ngại khó lặn lội nhiều nơi để tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm thử nuôi dê”.
Theo ông Thắng, gia đình chủ yếu làm nông, ngoài trồng lúa ông cũng đã từng trồng cây ăn trái, chăn nuôi cá, gà… nhưng dê là vật nuôi mới. Để biết chắc dê có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao, ông đã tự tìm đến các mô hình nuôi dê sẵn có trong và ngoài tỉnh. Qua nhiều chuyến đi, tích góp mỗi nơi một ít kinh nghiệm đã giúp cho ông rút ra được vốn kiến thức kha khá, đủ để xây dựng mô hình cho gia đình mình. Và qua nhiều tháng tìm hiểu trên sách vở, tham quan thực tế, cách đây nửa năm, ông Thắng mạnh dạn đầu tư trên 100 triệu đồng để làm chuồng trại và mua dê về nuôi.
Tham quan chuồng dê của gia đình ông Thắng chúng tôi mới thấy hết tâm huyết của lão nông này với… dê. Chuồng nuôi được xây dựng bằng gỗ, diện tích gần 50m2, nền chuồng cách mặt đất khoảng 1m, đảm bảo không gian cho đàn dê sinh trưởng tốt. Để khâu vệ sinh chuồng trại dễ dàng, ông làm nền chuồng làm bằng gỗ có kẽ hở, bên dưới mặt gỗ ông lót thêm cao su và khoét lỗ trống để khi dội nước lên đệm cao su để vệ sinh chuồng chất thải sẽ gom về lỗ trống dẫn xuống hố gas. Do chất thải trong quá trình nuôi không vương vãi khắp nền đất bên dưới nên chuồng trại lúc nào cũng sạch sẽ, thông thoáng, không ô nhiễm môi trường.
“Khâu làm chuồng là yếu tố rất quan trọng đến chất lượng nuôi. Ngoài việc đảm bảo các kỹ thuật về mật độ nuôi, cách bố trí máng cỏ phù hợp thì tôi rất quan tâm đến yếu tố vệ sinh môi trường. Qua quan sát nhiều chuồng nuôi tôi thấy một số nơi không làm tốt khâu xử lý chất thải nên tự tôi nghĩ ra việc đào hố gas thu gom nước thải về một nơi và trên hố gas có lót cần xé để thu gom phân rồi xử lý riêng. Cách làm này không những mình dễ vệ sinh chuồng trại giúp dê ít bị bệnh mà còn giữ vệ sinh môi trường, không gây mùi hôi, ảnh hưởng đến môi trường sống chung quanh”, ông Thắng thật thà chia sẻ.
Hiện tại, chuồng dê gia đình ông Thắng có khoảng 50 con, trong đó có hơn 40 dê bố mẹ. Sau 5 tháng nuôi, hiện đã có 5 dê cái sinh con, bình quân mỗi con dê mẹ sinh ra 3 dê con. Ngoài ra, trong đàn hiện còn 19 con dê đang mang thai. “Để nuôi đạt chất lượng thì tôi chỉ chọn mua giống dê lớn con, đẻ nhiều. Thực tế, nhiều chuồng dê mà tôi biết được dê thường chỉ đẻ được từ 1-2 con, nhưng giống dê tôi đang nuôi hầu hết những con đã sinh con rồi đều đẻ được 3. Thấy được kết quả ban đầu như vầy tôi phấn khởi lắm”, ông Thắng vui mừng cho biết.
Theo ông Thắng, đàn dê gia đình ông bước đầu mang lại hiệu quả tốt, dê lớn nhanh, sinh sản chất lượng. Gia đình ông đang có ý định mở rộng quy mô chăn nuôi và tập trung đầu tư dê sinh sản để tạo ra nhiều dê giống chất lượng phục vụ cho nhu cầu chuyển đổi vật nuôi của người dân trên địa bàn. Qua ước tính, trung bình mỗi năm mỗi dê cái sinh sản 2 lần, mỗi lần bình quân từ 2-3 con. Sau 4-5 tháng nuôi thì dê con đạt trọng lượng 30kg, với giá bán dê thịt hiện tại 100.000 đồng/kg, mỗi năm với 1 cặp dê bố mẹ, người nuôi sẽ thu về trên 10 triệu đồng. Do nguồn thức ăn của dê là cỏ các loại, với mức thu nhập này người dân thu lãi gần như hoàn toàn.
Ông Nguyễn Hồng Sáng cho biết, trên địa bàn xã hiện nguồn cây cỏ tạp, rơm rạ còn rất nhiều nên Hội Nông dân định hướng người dân phát triển các mô hình chăn nuôi mà chủ yếu là nuôi dê và bò để tận dụng nguồn thức ăn có sẵn, đỡ tốn chi phí nhằm nâng cao lợi nhuận cho người nuôi. Để tạo điều kiện cho người dân thấy được hiệu quả thực tế, Hội Nông dân đã vận động một số hội viên sản xuất giỏi, có tư duy sản xuất nhạy bén tiếp tục xây dựng thêm mô hình nuôi dê để người dân có nhu cầu chuyển đổi vật nuôi đến tham quan học tập. Qua theo dõi đến nay, chúng tôi nhận thấy mô hình của ông Thắng bước đầu đạt kết quả khả quan, đàn dê phát triển tốt và đây là vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương, có thể nhân rộng được.
Related news
Trên cánh rừng hoang nghèo kiệt chỉ có lau lách và cỏ dại, cô lập với khu dân cư, trong gần 6 năm khởi nghiệp, Nguyễn Văn Hảo trở thành tỉ phú trẻ nhất xã Tam Dị, doanh thu đạt gần 2 tỉ đồng/năm.
“Thất bại không phải là vấn đề, quan trọng nhất là biết mình thất bại ở đâu. Trong nuôi tôm công nghiệp, ai thành công đều phải nếm trải nhiều lần thất bại mới rút ra được kinh nghiệm xương máu cho mình” – ông Trần Quang Hiên, ngụ ấp 5, xã Tân Thành, thành phố Cà Mau (tỉnh Cà Mau) bộc bạch.
Nhờ vào sự linh hoạt và mạnh dạn chuyển đổi hình thức sản xuất, ông Đinh Văn Sơn (xã Yên Thắng, Yên Mô) đã xây dựng thành công mô hình trang trại tổng hợp có thu nhập đạt trên 150 triệu đồng/năm.