Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Tỉ phú 9X một năm đào ra 2 tỉ đồng trên cánh rừng hoang

Tỉ phú 9X một năm đào ra 2 tỉ đồng trên cánh rừng hoang
Author: Phan Hậu
Publish date: Thursday. September 22nd, 2016

Trang trại của Nguyễn Văn Hảo (24 tuổi), hội viên Hội LHTN VN xã Tam Dị (H.Lục Nam, Bắc Giang) đặc biệt ấn tượng bởi đồi cây cam vinh sai trĩu quả, được quy hoạch theo hàng lối gọn gàng. Chỉ cách đồi cam một lối đi là khu chuồng nuôi lợn rộng lớn, bên trong công nhân đang nhộn nhịp rót thức ăn vào máng.

Càng bất ngờ hơn khi biết địa điểm Hảo chọn lập nghiệp là cánh rừng hoang nghèo kiệt chỉ có lau lách và cỏ dại, tách biệt, cô lập với khu dân cư. “Khi mình vào đây mở trang trại, nhiều người xung quanh gọi mình là kẻ khùng điên, con đường xuất ngoại rộng mở không đi, nhà cao cửa rộng không màng lại “chui” vào chốn rừng hoang này”, Hảo kể.

“Nhưng mình mê cây từ nhỏ nên không mặn mà đi Nhật Bản dù biết gia đình đã tốn kém số tiền không nhỏ làm thủ tục chuẩn bị. Bây giờ nhìn lại, mình thấy ở lại quê nhà là đúng khi hằng ngày được làm công việc yêu thích”, Hảo hào hứng.

Trong gần 6 năm, Nguyễn Văn Hảo là tỉ phú trẻ nhất xã Tam Dị khi có trang trại rộng gần 10 ha, doanh thu đạt gần 2 tỉ đồng/năm và trực tiếp giúp đỡ 18 lao động có việc làm ổn định. Trang trại sừng sững trên vùng đất từng là rừng hoang. Thành quả của quyết tâm chiến thắng quy luật khắc nghiệt của thiên nhiên, vươn lên làm giàu.

Trang trại của Hảo nằm sát bìa rừng, cạnh hồ rộng lớn với hàng trăm héc ta mặt nước, vừa thuận lợi vừa thử thách ý chí chàng trai. Mùa mưa nước dâng kín đường, mấp mé đồi trồng cam. Còn mùa cạn, nước tụt xuống thung lũng, lòng hồ trơ đáy, phải đi bộ hơn nửa cây số mới đến điểm gần nhất có nước ngọt. Không hiểu quy luật này, Hảo từng trả giá đắt khi nhìn đồi cây đầu tư hàng trăm triệu đồng khô héo vì thiếu nước.

Nước ngọt là vấn đề sống còn của trang trại, Hảo nghiên cứu và tính toán triển khai phương án táo bạo, dẫn nước chảy ngược lên đồi núi để tưới cho vườn cây ăn quả. Qua nhiều lần tham quan học hỏi các trang trại ở miền núi, Hảo tự mày mò thiết kế và thi công hệ thống đường ống cỡ lớn chôn dọc khắp triền đồi, xen kẽ giữa các lô đất trồng cây ăn quả, đồng thời đào ao trên đồi, vừa thả cá vừa trữ nước.

Mùa khô, Hảo cho đặt các hệ thống trạm bơm di động công suất đủ lớn để đẩy nước từ dưới thung lũng chảy ngược lên núi, tiếp vào ao trữ nước và hệ thống đường ống ngầm. Bằng cách làm này, trạm bơm di động chỉ cần vận hành một lần nhưng đủ nước cho 2 - 3 lần tưới cây. Cây ăn quả trên các đồi cao không còn sợ khô khát.

Mỗi năm Hảo cho xuất chuồng ít nhất 3 lứa lợn, mỗi lứa doanh thu từ 400 - 500 triệu đồng. Còn lại các ao cá, cây ăn quả cũng cho doanh thu vài trăm triệu đồng mỗi năm. Trong tương lai, Hảo đầu tư đưa vườn cây ăn quả trở thành thế mạnh.

Hảo cũng tính toán đầu tư hệ thống tưới nước nhỏ giọt tự động cho khu trang trại này để thay thế đường ống hiện có và xây dựng quy trình cam vinh sạch, chất lượng cao hướng đến xuất khẩu. Ngoài trang trại ở thôn Bãi Lời, Hảo đang cùng người thân mở doanh nghiệp đầu tư thuê 200 ha đất ở H.Sơn Động (tỉnh Bắc Giang) và Hải Dương trồng các loại rau quả như: lá ngải, bí đỏ, ớt xanh... xuất đi Đài Loan, Trung Quốc, kiếm lời mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

Một thanh niên chịu thương, chịu khó

Ông Đào Văn Quảng, Phó chủ tịch UBND xã Tam Dị, cho biết khu trang trại của Hảo trước đây là đất hoang hóa lâu đời, chỉ trồng keo, bạch đàn nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Người dân thử nghiệm trồng vải nhưng không phát triển được vì đất khô cằn thiếu nước. Thực tế thành công của Hảo khiến nhiều người dân khâm phục.

Hảo có thuận lợi khi khởi nghiệp là có sự hỗ trợ vốn từ gia đình, nhưng nếu không phải là một thanh niên chịu thương chịu khó, lao động cần cù, sáng tạo và chỉ thích hưởng thụ cuộc sống an nhàn trong điều kiện kinh tế gia đình ổn định thì Hảo không thể có được cơ ngơi cho doanh thu tiền tỉ như bây giờ.

Mô hình khởi nghiệp này đóng góp đáng kể cho địa phương khi người dân được hưởng lợi từ đường giao thông, điện lưới thắp sáng và có thêm bài học kinh nghiệm cho các quyết định khai thác, phát triển kinh tế trên các triền đất đồi rừng tại địa phương.


Related news

Điện Biên Hiệu quả mô hình cá rô đầu vuông Điện Biên Hiệu quả mô hình cá rô đầu vuông

Thực hiện chương trình hỗ trợ nông nghiệp năm 2016, Trung tâm Thủy sản tỉnh Điện Biên xây dựng và triển khai mô hình nuôi thương phẩm cá rô đầu vuông trong ao cho các hộ nông dân địa bàn các xã: Thanh Nưa, Thanh Hưng, Thanh Chăn, Thanh Xương (huyện Điện Biên). Qua một thời gian thí điểm, mô hình đã thu được những kết quả khả quan, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho nông dân

Wednesday. September 21st, 2016
Hiệu quả mô hình “nuôi bò rẻ” ở Phước Hòa Hiệu quả mô hình “nuôi bò rẻ” ở Phước Hòa

Ông Katơr Thơm, Chủ tịch Hội CCB xã Phước Hòa, cho biết: Hiện nay, toàn Hội có 75 hội viên. Để tạo nguồn vốn cho hội viên phát triển kinh tế gia đình, Hội CCB xã đã vận động các hội viên kinh tế khá giả, có đàn bò nhiều giúp đỡ cho từng hội viên nghèo và cận nghèo thông qua mô hình “Nuôi bò rẻ”. Hội viên có bò cho hội viên kinh tế gia đình còn khó khăn nhận nuôi từ 1-2 con bò cái, sau thời gian bò đẻ, con lứa đầu sẽ được cho gia đình nuôi hưởng, con lứa thứ hai trả cho chủ hộ. Cứ như thế xoay vòng từ 2-4 năm. Với cách làm này, từ năm 2009 đến nay, 8 hội viên có bò đã cho 18 hội viên và bà con nghèo nhận 37 bò cái sinh sản về nuôi rẻ.

Thursday. September 22nd, 2016
Nuôi vịt chạy đồng một vốn, bốn lời Nuôi vịt chạy đồng một vốn, bốn lời

Đã nhiều năm nay, nông dân huyện Yên Thành phát triển nghề nuôi vịt chạy đồng, theo các vụ lúa trong năm. Nghề này không những giảm được chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả kinh tế mà còn cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho thị trường.

Thursday. September 22nd, 2016