Tránh nắng nóng cho tôm nuôi
Tác động của nắng nóng
Nhiệt độ nước tăng cao làm cho quá trình phân hủy vật chất hữu cơ cũng tăng, sinh ra nhiều khí độc dưới tầng đáy, làm tăng nguy cơ nhiễm độc của tôm khi di chuyển xuống đáy tránh nắng. Đồng thời, khi trời nắng nóng, hàm lượng dinh dưỡng trong ao nhiều, tạo điều kiện cho các loài tảo phát triển; nhất là các loài tảo lam, tảo giáp khi phát triển mạnh sẽ tiết ra độc tố và khi tàn lụi đồng loạt gây thiếu ôxy, ô nhiễm nước ao, làm chết tôm hàng loạt.
Thân nhiệt của tôm thay đổi theo nhiệt độ nước. Thêm nữa, tôm là loài giáp xác tiến hóa thấp, sinh trưởng và phát triển qua các lần lột xác, vậy nên sức đề kháng của tôm đối với sự thay đổi của nhiệt độ rất kém và dễ bị dịch bệnh tấn công ở giai đoạn lột xác. Theo kết quả nghiên cứu, chỉ cần nhiệt độ nước tăng từ 10C trở lên, sẽ kích thích dây thần kinh trên cơ thể tôm, làm mất khả năng điều tiết hoạt động của các cơ quan, phát sinh bệnh và gây chết tôm.
Sức đề kháng kém cộng với mật độ thả nuôi cao thì vấn đề mẫn cảm của tôm đối với nhiệt độ càng nhạy cảm hơn. Tôm sinh trưởng và phát triển phù hợp ở nhiệt độ 26 - 320C. Trong giới hạn cho phép, khi nhiệt độ tăng sẽ thúc đẩy quá trình trao đổi chất của tôm tăng. Tuy nhiên, khi nhiệt độ nước tăng quá giới hạn thì tôm sẽ tiêu tốn nhiều năng lượng cho quá trình hô hấp; nếu việc cung cấp ôxy không đủ thì tôm sẽ yếu dần, tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập gây bệnh.
Kỹ thuật chống nóng
Chuẩn bị ao, đầm
Đối với những ao đầm nuôi quảng canh diện tích rộng, cần gia cố bờ, cống chắc chắn, nhằm giảm lượng nước rò rỉ. Cần đào các mương trong đầm, dọc theo cống, sâu 0,5 - 0,8 m; rộng 2 - 3 m và cứ cách 5 m đào một mương; khi trời nắng nóng tôm sẽ di chuyển xuống tránh nóng.
Ao đầm nên được tẩy dọn sạch sẽ, rải vôi (tập trung nhiều ở các mương); nếu có thể thì nên trồng một số cây như sú vẹt, bần, đước… (1 cây/3 - 4 m2) trên mặt trảng đầm để tạo tán cho tôm tránh nắng nóng. Nước lấy vào đầm được duy trì độ sâu 0,5 m trở lên, ở mương từ 1 m trở lên.
Đối với ao nuôi tôm bán thâm canh hoặc thâm canh, cần nạo vét hết lớp mùn bã hữu cơ (bùn đen) lắng đọng từ vụ trước trong ao, san đáy bằng phẳng hoặc lót bạt đáy và gia cố bờ ao, cống bọng chắc chắn. Nên thiết kế ao lắng có độ sâu lớn (2 - 3 m) trữ nước mát cấp cho ao tôm trong những ngày nắng nóng. Dùng vôi tẩy ao và phơi đáy, sau đó xử lý nước và cấp vào ao đạt độ sâu 1,2 - 1,4 m. Bố trí hệ thống quạt khí phù hợp và nên sử dụng dàn quạt lông nhím để có thể cung cấp đủ lượng ôxy hòa tan xuống tầng đáy và tránh phân tầng nhiệt độ trong ao.
Thả giống
Để tăng sức chống chịu của tôm, nên chọn thả tôm cỡ lớn (Pl12 trở lên) hoặc thiết kế vèo ương tôm có mái che, thả giống nuôi ở mật độ cao (200 - 300 con/m3), sau một tháng mới chuyển tôm ra ngoài nuôi tiếp. Tôm nên thả nuôi trong ao với mật độ vừa phải để giảm stress cho tôm khi trời nóng (tôm sú 15 - 20 con/m2; tôm TCT 50 - 60 con/m2). Nếu mua giống ở xa, cần vận chuyển tôm trong bao nilon bơm ôxy đóng kín trong thùng xốp, duy trì nhiệt độ 20 - 240C; nên chọn thời điểm nhiệt độ hạ (như buổi sáng sớm hoặc chiều tối) để thả giống.
Trước khi thả giống cần gây màu nước cho ao, hạn chế ánh sáng mặt trời chiếu xuyên xuống đáy vừa tăng nhiệt độ nước vừa làm cho tảo đáy phát triển.
Chăm sóc, quản lý
Ở nhiệt độ bình thường nên cho tôm ăn đúng quy trình phù hợp sức ăn, tránh dư thừa thức ăn; khi trời nắng nóng tôm sẽ giảm ăn, do vậy chỉ cho tôm ăn lượng thức ăn bằng 70 - 80% lượng thức ăn hằng ngày và tăng lượng thức ăn vào cữ ăn trời mát. Sau khi thả tôm 10 ngày nên dùng chế phẩm sinh học té xuống ao để tạo hệ vi khuẩn có lợi, chế át vi khuẩn có hại, đồng thời tiêu thụ bớt dinh dưỡng trong nước ao, giảm tảo phát triển, ổn định pH và độ kiềm trong nước.
Khi trời nắng nóng nên mua màn lưới đen, chống nắng căng phía trên mặt ao để hạn chế bức xạ của ánh sáng mặt trời, giảm tăng nhiệt nước ao, tránh gây sốc cho tôm. Cần tăng cường sục khí trong ao để hàm lượng ôxy được cung cấp đủ ở mọi tầng nước. Hạn chế dùng chài, nhá vó lội mò bắt kiểm tra tôm vào ngày nắng nóng để hạn chế hiện tượng đục cơ trên tôm.
Định kỳ xiphông nền đáy ao (3 ngày/lần) nhằm giảm lượng mùn bã hữu cơ trong ao, hạn chế sinh ra các chất độc ảnh hưởng đến tôm. Vào mùa nắng nóng, trời ít mưa, nước bốc hơi, bờ ao rò rỉ làm ao cạn nước, độ mặn tăng và độ trong thấp, tôm dễ bị bệnh khó lột xác, đóng rong chậm lớn. Do vậy cần bổ sung nước mát (ở tầng đáy) của ao lắng vào ao nuôi để duy trì độ sâu và giảm độ mặn nước ao.
Thu hoạch
Khi tôm đạt kích cỡ thương phẩm cần thu hoạch tôm vào buổi sáng bằng lưới vét; nên thu hoạch tôm trong thời gian ngắn (1 - 2 ngày/ao) để giảm hao hụt.
Tags: tranh nang nong cho tom nuoi, nuoi tom, nuoi trong thuy san
Related news
Hải sâm cát (Holothuria scabra) là loài thân mềm, sống ở vùng nước nông ven biển, có giá trị dinh dưỡng cao, được sử dụng nhiều trong y học. Do thức ăn chủ yếu của hải sâm là mùn bã hữu cơ nên hải sâm được nuôi ghép với các loài tôm, cá khác, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Những năm gần đây, dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ diễn biến phức tạp dẫn đến rủi ro trong nuôi tôm cao, chi phí nuôi tôm ngày càng tăng. Trước tình hình này, mô hình nuôi tôm an toàn sinh học bằng cách tận dụng bã mía được xem là giải pháp nuôi tôm mới, bước đầu mang lại hiệu quả.
Google đã tham gia chống khai thác thủy sản bất hợp pháp bằng công cụ mới, cho phép công chúng biết địa điểm các tàu khai thác hoạt động trên toàn cầu thông qua mạng internet, Wall Street Journal cho biết.
Cá tầm đã được nuôi ở nhiều nơi trong cả nước, nhưng với tỉnh Quảng Ngãi thì đây là mô hình đầu tiên được nuôi tại huyện miền núi Sơn Tây. Mô hình do Trạm Khuyến nông huyện Sơn Tây thực hiện và được kỳ vọng sẽ mở ra triển vọng về một giống vật nuôi mới mang lại nhiều thay đổi hữu ích cho cuộc sống người dân.
Nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát đã mở ra một hướng đi mới trong nuôi trồng thủy sản đối với các tỉnh nghèo ở miền trung có tiềm năng đất đai. Tuy nhiên, để phương thức sản xuất này phát triển an toàn, bền vững, đòi hỏi các tỉnh phải có quy hoạch vùng nuôi và sớm giải quyết những vướng mắc.