Trăn Trở Từ Vựa Lúa Quốc Gia
Danh xưng “Vựa lúa quốc gia” dành cho ĐBSCL đã có từ lâu đời, nhưng đã đến lúc cần nhận thức lại.
Mặc dù an ninh lương thực vẫn đang là vấn đề toàn cầu, nhưng thời “tích cốc, phòng cơ” đã qua. Vựa lúa không phải là mục tiêu ưu tiên mà phải chuyển từ trồng lúa để ăn sang trồng lúa để bán, từ “chén cơm đầy” sang “chén cơm ngon”, thương mại hóa ngành lúa gạo, cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập cư dân nông thôn.
Thực tế là, mỗi nông dân ĐBSCL đang phải gồng mình gánh hàng chục tấn lúa hàng hóa cần tiêu thụ mỗi vụ, trong khi chính sách tạm trữ lúa gạo đến hẹn lại lên, năm nào cũng được bàn tới bàn lui, để rồi những nỗ lực hỗ trợ đáng ghi nhận của Nhà nước vẫn chưa thực sự vào được nhà người nông dân. Đã đến lúc người miền Tây không cần tự hào về mỹ từ "vựa lúa".
Sản xuất lúa hàng hóa của người nông dân hiện nay như “cây đòn gánh”. Một đầu gánh nặng nguyên liệu, vật tư, phân bón, chi phí ngày càng cao; đầu kia là tiêu thụ bấp bênh, giá thấp. Người trồng lúa vừa gánh, vừa bị lắc lư trong thế dễ ngã.
Nông dân ĐBSCL phải vượt qua (hay vướng lại) trong “4 bước đi”: Bước lên, bước xuống, bước vào, bước ra. Vào làm ăn và đi lên hợp tác hóa nông nghiệp theo cách làm mới hay bước ra riêng lẻ, tụt hậu trước thách thức, cạnh tranh toàn cầu? Đó là những bức xúc nổi lên, nếu chậm được khắc phục, thì kỳ tích lúa gạo - thành tựu to lớn trong 30 năm đổi mới sẽ chỉ là quá khứ. Thành tích đã qua không phải là một đảm bảo chắc chắn cho thành công tới.
“Vựa lúa gạo quốc gia” đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới. Yêu cầu khắc nghiệt của thương trường vượt khỏi không gian ruộng đồng, đòi hỏi họ phải chuyển đổi tư duy “làm ra nhiều nông sản” sang tư duy “làm ra nhiều giá trị từ nông sản”.
Gánh nặng an ninh lương thực
Thời gian qua, cơ quan tài chính công bố giá thành sản xuất lúa theo đơn vị hành chính tỉnh để làm cơ sở “hạch toán lãi 30%” cho người trồng lúa. Trong khi ranh giới hành chính tỉnh không phải là “cơ sở thị trường” để tính toán. Ai cũng biết, giá thành sản phẩm bao gồm cả khấu hao tài sản cố định, những hao mòn vô hình.
Để tạo ra giá trị sản phẩm như lúa gạo, phải bao gồm cả hao mòn đất đai, công cụ sản xuất, sức khỏe - sức lao động của nông dân trong môi trường sản xuất nông nghiệp hiện tại. Chắc chắn còn nhiều chi phí đầu vào đang bị bỏ sót trong hạch toán giá thành hạt lúa như chi phí đầu tư và vận hành hạ tầng nguồn nước, chi phí về sức khỏe và các chi phí khác do ô nhiễm nguồn nước... nên mức lãi 30% cho người trồng lúa cũng chỉ để “nói mà chơi”.
Quyết tâm chính trị tốt đẹp này còn bộc lộ điểm bất hợp lý khi nó được đặt thành bài toán kinh tế. 30% chắc chắn là mức lãi hấp dẫn trong kinh doanh, nhưng đã là kinh doanh thì có lãi, có lỗ. Ngành trồng lúa chỉ được đảm bảo lãi khi có sự tách biệt rõ ràng giữa 2 mục tiêu làm an ninh lương thực – phải được bù lỗ và thương mại hóa ngành lúa gạo – cần được khuyến khích, hỗ trợ.
Do tính chất nhạy cảm của vấn đề an ninh lương thực nên doanh nghiệp đang bị đặt vào tình thế ngày càng khó khăn khi phải theo đuổi cả 2 mục tiêu thương mại và xã hội, mà họ lại chưa được chuẩn bị tốt để làm tốt những mục tiêu này.
Thương mại hóa ngành sản xuất lúa gạo, đặc biệt là hiện đại hóa chuỗi giá trị hạt gạo, bao gồm đổi mới thể chế, cải tiến công nghệ, ứng dụng ngày càng nhiều hơn các tiến bộ khoa học kỹ thuật, hướng đến sản xuất bền vững hơn, với môi trường, chất lượng sản phẩm và dịch vụ tốt hơn. Khả năng cạnh tranh của ngành sẽ được xây dựng trên cơ sở hiệu quả và đổi mới, chứ không phải trên thù lao giá rẻ cho nông dân.
“Hệ điều hành mới” cho ngành lúa gạo
Trong điều kiện hiện nay và chắc chắn sẽ còn lâu hơn nữa, an ninh lương thực vẫn là vấn đề mang tính toàn cầu và VN vẫn là quốc gia đóng góp có trách nhiệm cho thế giới. Chúng ta xác định lúa gạo là vấn đề chiến lược và đã có nhiều chính sách tốt.
Song khi mà nhiều quốc gia dùng gạo đã có những điều chỉnh quan trọng về chính sách, thì VN cũng phải nghĩ đến một “hệ điều hành” mới, sao cho vẫn giữ vững nguyên tắc “2 bảo đảm” - an ninh lương thực quốc gia và nâng cao thu nhập cho người trồng lúa.
Giá lúa ở ĐBSCL nhích lên chút ít sau khi Thủ tướng yêu cầu doanh nghiệp mua tạm trữ đang quay đầu giảm giá. Một lần nữa “hệ điều hành” lúa gạo cần được xem xét lại với yêu cầu hoạch định chính sách dài hạn để định hình cho những đối phó ngắn hạn thời gian qua. Thị trường lúa gạo thế giới đã và đang cạnh tranh khốc liệt. Một cách tiếp cận “làm như mọi khi” chắc chắn sẽ không hiện thực hóa được tiềm năng của ngành này.
Sản xuất nhiều gạo hơn không hẳn là giải pháp cho an ninh lương thực, giúp nông dân làm giàu mà cần cách tiếp cận đa ngành; rất cần có sự phân biệt rõ ràng giữa đáp ứng cho mục tiêu chính trị - xã hội - công cộng và kinh tế - thương mại - tạo lợi nhuận hợp lý và bền vững cho người trồng lúa.
Việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi không phải đến bây giờ mới đặt ra, nhưng cần phải thấy rõ tính bức xúc của nó trong tình hình hiện nay. “Tái cơ cấu ngành trồng lúa” bắt đầu từ đâu? Câu trả lời chắc chắn không phải là bỏ cây lúa, chọn con cá, con tôm hay cây trồng, vật nuôi nào khác theo suy nghĩ kiểu cũ - dựa vào “nguồn cung”, quên đi “hướng cầu”, mà phải bắt đầu từ đổi mới tư duy làm nông nghiệp.
Tái cơ cấu ở vùng trọng điểm lúa số 1 của cả nước cần được bắt đầu từ chính những yếu kém nội tại và tận dụng lợi thế của vùng này trước thách thức cạnh tranh nông nghiệp ngày càng gay gắt, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Hơn cả tái cơ cấu, phải là cuộc lột xác thật sự. Nó phải được tiến hành bằng tư duy, chính sách dài hạn hơn là những đối phó ngắn hạn. Nó phải là quá trình hiện đại hóa ngành sản xuất lúa gạo và xây dựng nông thôn mới, giúp hàng chục triệu nông dân ĐBSCL vượt qua thách thức, trở thành “doanh nhân nông nghiệp”, làm giàu được bằng nghề nông.
Khó có thể có cuộc chuyển đổi lớn mang tính cải cách mạnh mẽ, trong khi vẫn còn đó những cản trở về chính sách đất đai, thiếu khoa học kỹ thuật cho sản xuất hàng hóa lớn, mô hình tổ chức sản xuất - kinh doanh lương thực… Không thể lắt nhắt một ít chính sách trợ giúp tạm trữ, một ít chính sách hỗ trợ vốn, một vài dự án hỗ trợ khoa học kỹ thuật có tính đối phó ngắn hạn.
Việc chuyển đổi là cần thiết, nhưng phải trên cơ sở kết quả rà soát quy hoạch, phân công, phân vai trong liên kết vùng, tạo giống mới cạnh tranh, mô hình tổ chức sản xuất và kinh doanh phù hợp hơn hiện nay. Nó rất cần tư duy mới về hoạch định cơ chế, chính sách nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất. Cái gì Nhà nước làm, cái gì doanh nghiệp làm và thị trường điều tiết, cần chính sách tác động vào.
Thành tựu trong phát triển nông nghiệp, nông thôn là to lớn, nhưng tồn tại, yếu kém bộc lộ đang là vật cản. Đã có một sức ì trong thể chế và nội tại của sản xuất nông nghiệp cần được phá băng. Đó là do quan hệ sản xuất, cơ chế chính sách được ca tụng một thời nhờ thành tựu của Đổi Mới đã phát huy hết tác dụng mà chưa được thay đổi, bổ sung kịp thời.
Việc thực hiện phải được tiến hành theo cả 3 trụ cột phát triển bền vững: kinh tế, xã hội và môi trường; vừa đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế, nhưng phải giải quyết các vấn đề xã hội là tăng thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân.
Cần tiếp cận linh hoạt hơn đối với quy hoạch sử dụng đất trong việc thực hiện chủ trương giữ 3,81 triệu ha đất trồng lúa đã được Đảng và Nhà nước khẳng định.
Trong đó, phân biệt khu vực trồng lúa trọng yếu và không trọng yếu dựa trên sự phù hợp về sinh thái nông nghiệp, năng suất, tác động của biến đổi khí hậu.
Cần tăng cường chiến lược đa ngành, lồng ghép nhiều chương trình mục tiêu như xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, chống suy dinh dưỡng trẻ em... để cùng đảm đương nhiệm vụ an ninh lương thực và chống suy dinh dưỡng chứ không đặt hết gánh nặng lên vai người trồng lúa.
Nông dân ĐBSCL cần được giải phóng bằng kiến thức của nhà kinh doanh.
Họ phải được đào tạo nghề, tập trung vào việc nâng cao giá trị sản xuất các ngành hàng chủ lực; mở rộng các ngành nghề phi nông nghiệp. Đó là cách thức giúp nông dân không chỉ đứng vững trên đồng ruộng, mà còn có thể làm giàu từ làng quê của mình.
Tầm nhìn dài hạn và bức xúc trước mắt cho một ĐBSCL phát triển an toàn, trù phú và bền vững trước tác động xấu của thiên tai và nhân tai đang đòi hỏi phải “chọn lựa ưu tiên” và phải đảm bảo nguyên tắc “không hối tiếc”.
Một “hệ điều hành mới” cho ngành lúa gạo Việt Nam đang rất cần.
Related news
Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đăk Lăk cho biết, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh có 409,15 ha tiêu bị bệnh chết nhanh chết chậm, trong đó có 24 ha nhiễm nặng, tập trung tại các huyện Ea H’leo (134 ha), Krông Năng (46,6 ha), Krông Pắc (46 ha), thị xã Buôn Hồ (47,5 ha)…
Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam Huỳnh Thế Năng khẳng định, thị trường lúa gạo sôi động đến đầu 2016.
Theo GS Trần Đình Long, xuất khẩu gạo của Việt Nam đang chạy theo số lượng lớn, từ khâu sản xuất, chế biến, thương mại đều yếu kém: Không điều khiển được cơ cấu giống chất lượng cao, sản xuất theo kiểu mạnh ai người ấy làm.
Mặc dù luôn đứng đầu thế giới về xuất khẩu nhân điều nhưng hiện các doanh nghiệp trong nước đang đối mặt với nỗi lo thiếu nguyên liệu để chế biến.
Đến nay, nông dân trong tỉnh Phú Yên đã xuống giống 5.100ha lúa vụ mùa (vụ 10-12), cây lúa đang trong giai đoạn trên 30 ngày tuổi. Hiện nông dân đang tập trung làm cỏ, bón phân chăm sóc lúa vụ mùa.