TPP có ý nghĩa quan trọng với ngành công nghiệp bò thịt Bắc Mỹ
Phần lớn lượng mặt hàng xuất khẩu này hướng lên phía Nam, nhắm tới các khách hàng Mỹ, nhưng cũng phụ thuộc vào các thị trường chủ chốt tại châu Á.
Trước khi ngành sản xuất thịt bò của Australia giảm sản lượng, những nhà nhập khẩu Nhật Bản đã liên tục dự trữ mặt hàng này, hưởng lợi từ mức thuế nhập khẩu thấp nhờ Hiệp định Đối tác Kinh tế Nhật - Australia và đồng AUD yếu.
Vì thế, kho thịt bò đông lạnh của Nhật Bản vẫn còn nhiều.
Ngược lại, thịt bò Mỹ và Canada vào trị trường Nhật Bản đang phải chịu mức thuế cao tới 38,5%.
Vì vậy, việc hoàn tất đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có ý nghĩa rất quan trọng đối với ngành công nghiệp bò thịt của Bắc Mỹ.
Hiệp định này sẽ giúp hạ thấp mức thuế nhập khẩu thịt bò vào thị trường Nhật Bản và các thị trường thành viên khác trong vòng 15 năm.
Tuy nhiên, điều này sẽ diễn ra từ từ.
TPP cần được Quốc hội các nước phê chuẩn và ở Canada, việc phê chuẩn có vẻ dễ dàng hơn ở Mỹ.
Bởi TPP sẽ là “quả bóng chính trị” được các ứng cử viên Tổng thống của hai đảng Cộng hòa và Dân chủ tại Mỹ triệt để sử dụng nhằm thu hút phiếu của cử tri.
Bà Hillary Clinton, ứng cử viên sáng giá của đảng Dân chủ, từng ủng hộ TPP nhưng gần đây lại thay đổi quan điểm.
Sự phản đối này của bà sẽ gây khó cho nỗ lực vận động Quốc hội phê chuẩn hiệp định TPP của chính quyền Mỹ.
Điều này làm tăng khả năng Quốc hội Mỹ có thể không bỏ phiếu thông qua TPP cho tới sau kỳ bầu cử vào đầu năm 2016.
Thậm chí nếu Quốc hội Mỹ và Canada thông qua TPP, ngành nông nghiệp và sản xuất bò thịt của Mỹ cũng không thể hưởng lợi trước năm 2017.
Việc triển khai TPP ảnh hưởng rất lớn đối với ngành nông nghiệp Mỹ, khi tổng sản lượng các mặt hàng xuất khẩu nông sản tới 11 quốc gia thành viên khác trong năm 2014 là 63 tỷ USD, chiếm 42% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Mỹ.
Khu vực TPP chiếm 3,9 tỷ USD, tương đương 55% tổng lượng thịt bò xuất khẩu của Mỹ năm 2014.
Thịt bò xuất khẩu sẽ được hưởng lợi nhất từ mức thuế nhập khẩu thấp tại thị trường Nhật Bản và Việt Nam.
Nhật Bản sẽ giảm thuế nhập khẩu từ 38,5% xuống 9% trong vòng 15 năm.
Nghĩa vụ trên 74% dòng thuế sẽ được dỡ bỏ và việc giảm thuế trên các dòng thuế còn lại sẽ được giảm dần, bao gồm 77% đối với thịt bò tươi, ướp, và đông lạnh.
Tại Việt Nam, thuế nhập khẩu hiện nay cao tới 34%, sẽ được xóa bỏ trong vòng từ 3-8 năm.
Thịt bò xuất khẩu của Canada sang Nhật Bản cũng được giảm thuế tương tự.
Canada xuất khẩu 1,3 tỷ dollar Canada thịt bò tới các thị trường khối TPP giai đoạn 2012-2014.
Phần nhiều trong đó là tới các đối tác trong Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và xuất khẩu sang Nhật Bản chỉ đạt khoảng 100 triệu CAD mỗi năm.
TPP sẽ đem lại lợi ích thậm chí còn nhiều hơn cho các nhà xuất khẩu thịt lợn của Canada vì hiện tổng giá trị xuất khẩu thịt lợn của Canada sang Nhật Bản đạt khoảng 1 tỷ CAD mỗi năm.
Related news
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ trở thành hình mẫu, quy chuẩn cho thương mại trong thế kỷ 21.
Hội nhập và tự do hóa thương mại, gần đây nhiều chuyên gia kinh tế đều chung nhận định: Khi tham gia vào TPP sẽ là cơ hội cho các ngành như dệt may, da giày vốn là lợi thế nhưng lại là thách thức rất lớn cho ngành chăn nuôi vốn đã có nhiều rủi ro, kém sức cạnh tranh của chúng ta.
Việc Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà 12 nước tham gia kết thúc đàm phán đang đặt nền kinh tế Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội và thử thách.