Tôm Thẻ Chân Trắng Vào Mùa
Sau khi thất thu ở vụ đầu năm, đây là thời điểm người dân nuôi tôm thẻ chân trắng ở huyện Tuy Phong (Bình Thuận) phấn khởi vì tôm thu hoạch được mùa lẫn được giá.
Từ đầu năm đến nay tình hình nuôi tôm thịt ở huyện Tuy Phong gặp nhiều khó khăn. Tuy đã bước vào vụ chính nhưng diện tích thả nuôi mới không đáng kể (125,8ha). Nếu sau tết, người dân nuôi tôm lo lắng thậm chí có người mất hết vốn vì tôm chết hàng loạt và tôm chết liên tục nhiều đợt, thì đây là thời điểm họ thu lãi để bù lỗ cho vụ đầu năm. Mấy năm gần đây, cứ đến thời điểm giao mùa từ tháng 12 đến tháng 2, tôm thẻ chân trắng lại có dấu hiệu chết hàng loạt.
Sau khi thả post một thời gian ngắn, tôm bỗng chậm lớn, có dấu hiệu nổi đầu và chết dần. Theo các kỹ sư nuôi trồng thủy sản quản lý khu vực tỉnh Bình Thuận, thì tôm thẻ gặp phải hội chứng tôm chết sớm hoặc hội chứng hoại tử gan tụy cấp; có thể tôm không thích nghi với thời điểm thời tiết chuyển mùa. Do đó, những ai nuôi tôm luân canh sẽ gặp thiệt hại lớn ở thời điểm này.
Sau một thời gian “đánh vật” với bệnh trên tôm thẻ chân trắng, thì đây là thời điểm người nuôi tôm có thể thở phào nhẹ nhõm để chuẩn bị cho vụ mùa. Chuẩn bị thu hoạch 4 sào tôm thẻ chân trắng, anh Nguyễn Văn Lai (xã Vĩnh Hảo) không giấu được niềm vui: “Đợt này gia đình tôi nuôi đạt lắm, kích cỡ tôm lớn, giá tôm đang nhích dần hi vọng sẽ có lãi nhiều. Với giá tôm hiện nay khoảng 100 nghìn đồng/kg (loại 100 con), trừ chi phí có thể thu lãi vài chục triệu đồng”. Hòa cùng với niềm vui ấy, hộ anh Minh Trí (xã Vĩnh Tân) với hơn 1ha nuôi tôm đã thu về hàng trăm triệu đồng.
Sau nhiều năm “sống chung” với con tôm thẻ, người nuôi tôm ở Tuy Phong không còn nôn nóng thu lãi nuôi thâm canh liên tục 3 vụ/năm. Thay vào đó, họ biết nương theo thời tiết, thả nuôi theo khuyến cáo của cơ quan chức năng để tránh thất bại. Ông Nguyễn Văn Long (xã Chí Công) cho biết: “Sau 2 năm thất bại liên tiếp vào vụ đầu năm do thời tiết chuyển mùa nắng nóng kéo dài. Năm nay tôi không nuôi trái vụ, chỉ nuôi 2 vụ/năm, lời ít nhưng nắm phần chắc trong tay. Đây là thời điểm tôm phát triển khá tốt, ít bệnh nên hầu như hộ nào nuôi cũng đạt”.
Theo khuyến cáo của ngành chức năng, các hộ nuôi không nên thả nuôi trước tháng 3, vì đây là thời điểm giao mùa rất dễ xảy ra dịch bệnh trên diện rộng và không nên thả dày. Tuy nhiên, vẫn còn không ít hộ nuôi đã thả tôm post dày làm dịch bệnh dễ phát sinh. Phòng Nông nghiệp huyện Tuy Phong đã phối hợp với Chi cục Thủy sản, Trạm Khuyến ngư huyện và Công ty Hải Nam mở nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi tôm VietGAP cho nhiều hộ nuôi, để việc sản xuất tôm thịt thời gian tới đạt hiệu quả, tránh tổn thất cho người nuôi tôm.
Related news
Hơn 12 năm gắn bó với nghề nuôi heo nhân giống, bà Võ Thị Nành, khóm 7, thị trấn Thới Bình gặp không ít thất bại, nhưng nhờ kiên trì, đến nay, nghề này đã mang lại thu nhập khá cho gia đình.
Ông Đặng Chiến Thuật sinh năm 1951, quê gốc ở tỉnh Nam Định. Ông nhập ngũ năm 1975, đơn vị Cục Hậu cần Quân khu 7, đến năm 1977 tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Ông xuất ngũ năm 1981 với thương tật một bên chân (thương binh 4/4).
Với việc mạnh dạn đầu tư, mở rộng diện tích, áp dụng nhiều biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thời gian qua, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở xã Đắk N’Drót (Đắk Mil) đã nỗ lực vươn lên làm giàu và có cuộc sống ổn định.
Với tâm huyết và nỗ lực để đưa sản phẩm rau đảm bảo an toàn đến bàn ăn của người dân tại địa phương, năm 2011, xã Tâm Thắng đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Chư Jút chọn 10 hộ dân chuyên sản xuất rau xanh tại thôn 4 để triển khai mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn Viet GAP.
Trong những ngày này, về xã Nam Đà, ở các thôn, xóm, sân nhà nào cũng ngập một mùa vàng của lúa. Còn ngoài cánh đồng, không khí ngày mùa càng rộn rã hơn bởi tiếng máy nổ, tiếng guồng quay của máy gặt lúa.