Tôm Hùm Nhí Được Giá Ở Quảng Ngãi
Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, hàng trăm ngư dân ở các huyện ven biển trong tỉnh Quảng Ngãi đã bắt đầu vào chính vụ khai thác tôm hùm con. Năm nay, tuy lượng tôm nhí bắt được không nhiều bằng các năm trước, nhưng giá lại rất cao nên ngư dân có thu nhập khá.
Mất mùa…
Những ngày gần đây, các ngư dân chuyên hành nghề đánh bắt tôm hùm nhí ở các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Đức Phổ luôn tất bật với vụ tôm đầu năm. Đây là thời điểm chính vụ khai thác, nên các làng chài chuyên hành nghề này không khí rất rộn ràng. Nhưng theo các ngư dân có thâm niên trong nghề, năm nay là một năm mất mùa tôm nhí.
Vào bờ lúc trời chập choạng tối sau một ngày ngâm mình dưới nước lặn tìm tôm nhí, lão ngư Dương Văn Xuân ở thôn An Hải, xã Bình Châu (Bình Sơn) cùng hai người con trai của mình thu được 2 con tôm sao và 15 con tôm xanh. Số tôm này là thành quả lao động của ba cha con ông từ 4 giờ sáng đến 5 giờ chiều.
“Nếu như cùng thời điểm này các năm trước, ba cha con tôi đi từ sáng tới chiều tệ lắm cũng được hơn 50 con tôm nhí các loại, có những ngày trúng tới hơn 200 con, nhưng năm nay bắt được ít hơn hẳn. Ngày nào được gần 50 con thì đã được xem là trúng lớn. Năm nay lượng tôm nhí bắt được chỉ bằng khoảng 50% so với các năm”, ông Xuân chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Lia ở thôn Tân Thạnh, xã Nghĩa An (Tư Nghĩa), một đầu nậu chuyên thu mua tôm nhí cho biết: "Các năm trước, trung bình mỗi ngày tôi thu mua được khoảng 400 – 500 con tôm nhí các loại. Nhưng năm nay, tuy là vào chính vụ nhưng khá lắm mỗi ngày tôi chỉ mua được 100 – 150 con. Năm nay ngư dân bắt được ít hơn các năm, số người trúng lớn cũng ít hơn hẳn các năm".
...nhưng được giá
Chưa có năm nào giá tôm nhí lại cao như năm nay. Mỗi con tôm sao được tiểu thương mua với giá 340 – 400 nghìn đồng, trong khi năm ngoái giá cao nhất cũng chỉ 240 nghìn đồng/con. Còn với tôm con xanh, được xem là “hàng loại 2” nhưng đây lại là loại tôm ngư dân bắt được nhiều nhất, năm nay giá cũng lên đến 120 nghìn đồng mỗi con, trong khi năm ngoái chỉ 70 nghìn đồng.
Tất cả số tôm nhí sau khi ngư dân bắt lên đều được đầu nậu thu mua ngay. Sau đó họ bảo quản cẩn thận để cung cấp cho các trại tôm giống ở các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa. Vì năm nay mất mùa, cộng với nhu cầu tôm giống tăng cao, nên tôm nhí luôn trong tình trạng khan hàng.
Ngư dân Nguyễn Dũng ở xã Phổ Châu (Đức Phổ), cầm xấp tiền mới bán tôm nhí trên tay, anh cho biết: “Năm nay tuy tôm nhí bắt được ít hơn hẳn so với các năm, nhưng được cái giá lại rất cao nên thu nhập cũng khá, coi như lấy chất lượng bù số lượng vậy ”.
Với chiếc thuyền công suất 30 mã lực của gia đình, mỗi ngày anh Dũng cùng với 3 bạn thuyền của mình đều đặn chong điện và bủa mành trũ ở vùng biển cách bờ chừng 2 hải lý, công việc bắt đầu từ 5 giờ chiều hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau.
Theo như lời anh Dũng, nhờ giá tôm nhí ở mức cao nên mỗi ngày trung bình bắt được khoảng 20 con tôm nhí các loại sau khi trừ phí tổn khoảng 1 triệu, anh cũng kiếm được từ 1,5 – 2 triệu đồng, còn các bạn thuyền của anh thì cũng được từ 250 – 300 nghìn đồng mỗi người.
Ông Huỳnh Văn Quang - Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Châu cho biết: “Địa phương có gần 100 hộ chuyên hành nghề khai thác tôm nhí. Những năm trước ngư dân trúng mùa nhưng giá không cao. Còn năm nay, tuy không được mùa nhưng giá lại tăng cao nên đời sống của bà con cũng được cải thiện”.
Related news
Hạn chế được ô nhiễm môi trường, dễ áp dụng cho cả trang trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, tăng hiệu quả kinh tế... đó là những hiệu quả tích cực mà người chăn nuôi heo trong tỉnh Hậu Giang nhận thấy được sau khi áp dụng mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh học.
Trước tình hình khô hạn khốc liệt đang xảy ra, Trung tâm Giống thủy sản Bình Định vừa có văn bản gửi lãnh đạo Sở NN-PTNT đề nghị hỗ trợ khẩn cấp số kinh phí gần 550 triệu đồng để chống hạn cứu đàn cá giống bố mẹ gồm các loại: trắm, trôi, mè, chép, rô phi, bống tượng… đang được nuôi giữ tại Trạm Thực nghiệm nuôi trồng thủy sản xã Mỹ Châu (Phù Mỹ).
Cùng với nhiều chương trình tặng quà cho người dân, hướng về Trường Sa, Hoàng Sa, ngành ngân hàng đang triển khai nhiều chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi nhằm hỗ trợ ngư dân. Nguồn tiền khoảng 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ ngư dân bám biển, với lãi suất ưu đãi 3%/năm đã sẵn sàng và có thể giải ngân bất cứ lúc nào khi có đầy đủ cơ sở pháp lý…
Nhằm nâng cao khả năng sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) và hướng đến thị trường, dự án BĐKH, thuộc Trung tâm phát triển nông thôn miền Trung (Trường Đại học Nông lâm Huế) đã nghiên cứu và tiến hành xây dựng mô hình trồng ớt giống mới với diện tích 13 ha tại 3 xã dự án là Triệu Giang, Triệu Vân (huyện Triệu Phong) và Hải Quế (huyện Hải Lăng, Quảng Trị).
Vụ lúa Đông Xuân 2013-2014 vừa qua ở các tỉnh thành phía Bắc được coi là một trong những vụ khó khăn nhất. Thời tiết bất thuận, sâu bệnh bùng phát trên diên rộng, tuy nhiên hầu hết các địa phương đều thắng lợi lớn cả về năng suất và sản lượng.