Tôm Hùm Chết Chưa Rõ Nguyên Nhân

Gần một tuần nay, tôm hùm ươm nuôi tại khu vực Hòn Yến, xã An Hòa (Tuy An - Phú Yên) bị chết hàng loạt, gây thiệt hại lớn cho người nuôi. Trước tình hình này, sáng 11/4, Sở NN-PTNT đã cử đoàn công tác đến kiểm tra thực tế…
Khoảng một tuần nay, những người ươm nuôi tôm hùm tại khu vực Hòn Yến, thuộc thôn Nhơn Hội, xã An Hòa đứng ngồi không yên bởi tôm nuôi bị chết hàng loạt. Ông Võ Thê ở thôn Nhơn Hội, xã An Hòa, cho biết: “Gia đình tôi thả ươm 6 lồng tôm hùm, mỗi lồng khoảng 300 con.
Đến nay, tôm ươm khoảng hơn 1 tháng, nhưng mấy ngày qua tôm nuôi bị chết với số lượng nhiều, tôm chết nhiều nhất là từ ngày 7 đến ngày 9/4. Trong đợt này, riêng gia đình tôi có trên 200 con tôm hùm ươm cỡ bằng ngón tay cái người lớn bị chết, tổng thiệt hại hơn 60 triệu đồng. Hiện tình hình tôm chết đã giảm, nhưng mỗi ngày tôi lặn kiểm tra cũng có từ 1 đến 3 con bị chết”.
Ông Nguyễn Văn Bích cũng là một người ươm nuôi tôm hùm ở thôn Nhơn Hội, cho biết: “Trong đợt xảy ra tôm chết, nước biển tại khu vực nuôi có màu đục và đen sẫm, đặc biệt có mùi tanh rất khó chịu, người nuôi tôm chúng tôi nghi ngờ đây có khả năng là một loài tảo độc. Đa số tôm bị chết trong lúc lột vỏ, có con chết vớt lên mới lột xác nửa chừng…”.
Theo ông Dương Thái Tận, một người ươm nuôi tôm hùm ở khu vực Hòn Yến, người dân ở đây mua tôm hùm giống giá từ 200.000 đến 350.000 đồng/con. Đa số các hộ nuôi ở đây vay tiền ngân hàng để mua giống về ươm đến khoảng 3 tháng thì xuất bán cho các hộ nuôi tôm hùm thịt ở trong và ngoài tỉnh, chủ yếu bán cho người nuôi tỉnh Khánh Hòa.
Qua đợt tôm bị chết vừa rồi, nhiều hộ ươm tôm hùm ở khu vực Hòn Yến bị thiệt hại nặng, có hộ lỗ vốn đến hàng trăm triệu đồng.
Ông Trần Sáu, Phó chủ tịch UBND xã An Hòa cho biết: “Toàn xã có khoảng 115 hộ ươm nuôi tôm hùm, 1.200 lồng nuôi với khoảng 240.000 con. Qua thống kê ban đầu, có từ 6.000 đến 7.000 con bị chết, có hộ nuôi, tôm bị chết trên 600 con như hộ ông Lê Nguột.
Tôm ươm bị chết nằm trong khoảng từ 10 đến 80 ngày tuổi”. Theo Trạm Thú y huyện Tuy An, nguyên nhân ban đầu được xác định, tôm nuôi bị chết hàng loạt là do nguồn nước bị ô nhiễm, nước tại khu vực vùng nuôi có màu đen sẫm, có khả năng do một loại tảo độc gây ra. Tôm bị chết đa phần trong giai đoạn lột xác nên sức đề kháng yếu. Một nguyên nhân khác là do thời tiết chuyển từ gió đông bắc sang đông nam nên gây ra tình trạng thiếu ô xy tầng đáy tại khu vực nuôi.
Kỹ sư Nguyễn Văn Nhì, cán bộ Trạm Thú y huyện Tuy An, cho biết: “Trước tình hình tôm hùm nuôi bị chết hàng loạt tại xã An Hòa, Trạm Thú y huyện đã cử cán bộ xuống nắm tình hình và hướng dẫn người nuôi di chuyển lồng nuôi ra khỏi khu vực có luồng nước bị ô nhiễm, đồng thời hạ lồng nuôi xuống độ sâu nhất định để tránh luồng nước ô nhiễm nêu trên.
Ngoài ra, Trạm Thú y huyện còn hướng dẫn người nuôi tăng cường thức ăn giàu dinh dưỡng để tôm dễ lột xác, bổ sung các loại khoáng chất như can xi, phốt pho và vitamin C tăng sức đề kháng cho tôm nuôi. Trạm cũng khuyến cáo bà con nuôi tôm ở khu vực này nên thường xuyên dọn sạch thức ăn thừa, đáy lồng tránh gây ô nhiễm tại khu vực nuôi và tiếp tục theo dõi tình hình sức khỏe của tôm”.
Trước tình hình tôm hùm ươm nuôi tại xã An Hòa bị chết hàng loạt, sáng 11/4, Sở NN-PTNT đã cử một đoàn công tác đến khu vực có tôm hùm nuôi bị chết để kiểm tra thực tế.
Bà Trịnh Thị Ái Linh, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, cho biết: “Nguyên nhân ban đầu được xác định tôm chết là do nguồn nước chứ không phải dịch bệnh. Tuy nhiên, hiện nay vùng nuôi này đang dần ổn định trở lại, số lượng tôm chết không đáng kể nên không thể lấy mẫu bệnh phẩm đưa đi xét nghiệm, vì tôm chết không phải nguyên nhân do bệnh.
Nếu bà con phát hiện có luồng nước tương tự xuất hiện tại vùng nuôi thì báo ngay cho Sở NN-PTNT để sở cử cán bộ Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản trực tiếp lấy mẫu đưa đi xét nghiệm, tìm ra nguyên nhân…”.
Related news

Hiện con cá tra chiếm 26% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước, chỉ sau con tôm. Tuy nhiên, nhiều năm qua, ngành hàng này vẫn đối mặt với tình trạng liên kết chuỗi lỏng lẻo; sản xuất nhỏ lẻ, tự phát; sản phẩm đơn điệu; thị trường xuất khẩu thường xuyên biến động theo chiều hướng bất lợi...

Thời gian gần đây, mô hình ương nuôi cá lóc giống và cá lóc thương phẩm phát triển mạnh nên nông dân thi nhau đào ao nuôi cá. Việc ương nuôi theo phong trào nên khó tránh khỏi khó khăn ở đầu ra….

Nếu như trước đây, huyện Con Cuông (Nghệ An) rộ lên phong trào làm đường giao thông nông thôn thì năm 2013, mũi nhọn được xác định là thực hiện các mô hình kinh tế hộ. Hiện nay, nuôi bò sinh sản ở xã Chi Khê và nuôi vịt bầu Quỳ ở xã Mậu Đức là những mô hình đem lại hiệu quả...

Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp, toàn tỉnh Quảng Bình hiện có 7 cơ sở sản xuất, dịch vụ tôm giống. Hàng năm các cơ sở này sản xuất khoảng 872,9 triệu và dịch vụ 202,3 triệu con tôm giống phục vụ cho nhu cầu thả nuôi trên địa bàn tỉnh.

Giá nghêu thương phẩm ở vùng nuôi nghêu xuất khẩu ven biển thuộc các xã Tân Thành, Tân Điền, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) đang có giá cao, nông dân nuôi nghêu rất phấn khởi.