Tỏa Tình Phát Huy Nội Lực Làm Giàu
Xã Tỏa Tình là nơi sinh sống của cộng đồng người Mông huyện Tuần Giáo. Khi đặt chân lên vùng đất này, hình ảnh đầu tiên trong mắt chúng tôi là những nương ngô, nương lúa xen lẫn với những vườn cà phê, sa nhân, táo mèo... cho thấy sự trù phú, no đủ của bà con người Mông nơi đây.
Hiện xã Tỏa Tình có 280ha trồng lúa nương, 574ha trồng ngô, 115ha trồng cà phê, 70ha trồng táo mèo, 35ha trồng sa nhân và 170ha trồng các loại cây ngắn ngày... Đặc biệt, không có diện tích đất nông nghiệp nào bỏ trống; những mảnh vườn quanh nhà hay trên nương, nếu không trồng ngô, trồng lúa thì cũng được phủ kín bởi sa nhân, cà phê...
Ông Lầu A Dùa, Phó Chủ tịch UBND xã Tỏa Tình cho biết: Trước đây, khi các chính sách ưu đãi của Nhà nước chưa về tới xã, thì người Mông Tỏa Tình đã xác định được hướng đi trong phát triển kinh tế, biết khai thác thế mạnh về tự nhiên, bảo nhau tự gieo trồng, phủ xanh đất trống và phát triển sản xuất để làm giàu trên chính mảnh đất này.
Ví như, năm 1998, người dân ở đây đã tự bảo nhau trồng cây táo mèo, bởi không phải chăm sóc nhiều, lại thích hợp với khí hậu mát mẻ, sau vài năm trồng đã cho thu hoạch.
Khi lợi nhuận từ bán táo mèo bắt đầu tăng, mỗi vụ người dân thu về hàng chục triệu đồng, bà con tiếp tục khai hoang nhiều diện tích đất trống, đồi trọc để trồng táo, thậm chí trồng xen với các cây trồng ngắn ngày khác như: ngô, lạc... Giờ đây táo mèo đã trở thành một trong số những cây hàng hóa chính của xã Tỏa Tình.
Nhờ mạnh dạn khai hoang đất trồng cây táo mèo, mỗi vụ, người Mông xã Tỏa Tình thu hoạch trung bình 1,5 tấn/ha, với giá bán tại vườn từ 10 nghìn đồng/kg, lợi nhuận từ bán táo mèo đã giúp nhiều hộ dân làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Gia đình bà Mùa Thị Của, bản Hua Sa A là một trong những gia đình trồng táo mèo đầu tiên ở xã Tỏa Tình. Giờ đây bà Của đã có hơn 4ha trồng táo mèo cho thu hoạch hàng năm, mỗi vụ bán táo thu lãi hơn 100 triệu đồng. Bà Của cho biết, sẽ tiếp tục khai hoang đất rừng để trồng thêm cây táo mèo, hướng dẫn cho bà con trong bản cùng mở mang thêm diện tích đất trồng loại cây này và mở rộng thị trường hơn nữa.
Bằng ý thức tự lực, không trông chờ ỷ lại vào Nhà nước, năm 2009 nhiều hộ dân ở bản Hua Sa A, Hua Sa B bảo nhau mạnh dạn trồng cây cà phê.
Ban đầu mỗi nhà mấy trăm mét vuông, sau phát triển nhiều tới vài héc ta. Đến nay cả 2 bản trên đều phủ kín bởi màu xanh của cây cà phê. Mỗi vụ thu hoạch, lãi từ 70 – 100 triệu đồng/hộ. Nhiều gia đình không chỉ xóa đói giảm nghèo, mà kinh tế còn khá hơn trước.
Gia đình ông Mùa A Vàng, bản Hua Sa B là một ví dụ. Trước năm 2009, gia đình ông thuộc diện hộ nghèo trong xã, kinh tế khó khăn khi thâm canh lúa nương 1 vụ, không đủ cho 8 miệng ăn của gia đình. Từ khi bà con trong bản Hua Sa B rủ nhau trồng cà phê, ông Vàng cùng các con cháu mạnh dạn khai hoang mảnh đất đồi sau nhà, trồng 3,5ha cà phê.
Ban đầu, ông Vàng rất lo lắng, nhiều lúc nghĩ trồng cà phê lâu cho thu hoạch mà đến khi cho thu hoạch không biết đầu ra thế nào, có thoát nghèo được không? Nhưng rồi, đất không phụ công người, trên đất này không chỉ khí hậu mà cả thổ nhưỡng đều rất thích hợp với cây cà phê. Khi cà phê cho thu hoạch, quả nào cũng chín mọng, đỏ thắm, đem bán bao nhiêu là hết bấy nhiêu.
Đầu năm 2013, gia đình ông Vàng không chỉ thoát nghèo, mà còn trở thành hộ có kinh tế khá nhất trong bản Hua Sa B. Ông xây được nhà ở vững chắc, mua sắm các vật dụng sinh hoạt hiện đại, có tiền cho con cái đi học cao đẳng, đại học.
Nói về ý thức tự lực, sự chịu khó của người Mông ở xã Tỏa Tình, già làng Giàng A Tú, bản Hua Sa A tự hào cho biết: “Người Tỏa Tình chúng tôi từ xưa đã có truyền thống bảo nhau làm ăn, chăm chỉ cần cù. Không chỉ tự lực làm giàu trên vùng đất này, mà còn mang truyền thống đó đến cả những nơi khác.
Tôi nhớ năm 1998, theo chủ trương của Tỉnh đoàn Lai Châu (cũ), 15 hộ gia đình người Mông từ xã Tỏa Tình đã xuống bản Củ, xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng để xây dựng cuộc sống và đã làm giàu trên chính vùng đất mới.
Giờ đây những hộ người Mông ngày ấy đều trở thành triệu phú ở bản Củ, gia đình nào cũng có cơ ngơi khang trang, mua sắm được nhiều thiết bị hiện đại, con cháu được học hành đầy đủ...” Điển hình như: Gia đình ông Lầu Vả Mua, ông Lầu Chồng Lử...
Nhờ tinh thần chịu khó, biết phát huy nội lực của đồng bào người Mông mà Tỏa Tình từ một xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao trên 60% (năm 2007) giờ đã trở thành một trong những điểm sáng về xây dựng nông thôn mới ở Tuần Giáo. Năm 2014, toàn xã chỉ còn 13% hộ nghèo, 6/7 bản đã được công nhận bản văn hóa...
Tỏa Tình hôm nay đã thay đổi rất nhiều, ở cái nơi xưa kia được mệnh danh là “đông sương mù vây kín, hè nắng đổ như thiêu” giờ đây đã có những ngôi nhà lợp ngói, lợp tôn kiên cố, khang trang; cửa hàng, quán xá cũng mọc lên san sát dọc 2 bên đường; cơ sở hạ tầng như: điện, đường, trường, trạm... được đầu tư xây dựng đầy đủ, vững chắc và kiên cố.
Đời sống của người dân không ngừng được nâng lên, toàn xã Tỏa Tình hiện không còn người nghiện ma túy, không có nạn trộm cắp, không ai tái trồng cây thuốc phiện, bà con vui vẻ, chan hòa với nhau.
Related news
Là xã thuần nông, cuộc sống của người dân chủ yếu trông chờ vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Do đặc thù về điều kiện khí hậu, nên 96 ha đất trồng lúa của địa phương chỉ cấy được một vụ. Từ đầu năm đến nay, do hạn hán kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ sản xuất vụ Mùa của bà con xã Xín Chải (Vị Xuyên).
Vụ Xuân năm nay, toàn tỉnh gieo cấy đạt 9.570 ha diện tích lúa, trong đó diện tích lúa nhiều nhất là huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, Xín Mần. Nhìn chung hầu hết diện tích lúa đều sinh trưởng và phát triển tốt.
“Nhất nước, nhì phân...”, xác định vai trò quan trọng của việc cung cấp nguồn nước để chủ động sản xuất mùa vụ; những năm qua, huyện Bắc Mê đã tăng cường công tác quản lý, vận hành và bảo dưỡng các công trình thủy lợi (CTTL) sau đầu tư; đảm bảo sản xuất đúng thời vụ, chống hạn và tăng năng suất cho cây trồng.
Trong sản xuất nông, lâm nghiệp ở huyện Quang Bình; kinh tế tập thể và nòng cốt là các hợp tác xã (HTX) đóng vai trò hết sức quan trọng, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của nhân dân. Hiện, cấp ủy, chính quyền huyện đang tích cực vận dụng các chính sách để hỗ trợ khuyến khích phát triển, mở rộng sản xuất của các HTX sao có thể khai thác được nhiều tiềm năng, thế mạnh, góp phần vào phát triển KT – XH, XĐGN, ở địa phương.
Hiện nay diện tích thả nuôi các mặt hàng thủy sản đang có dấu hiệu giảm sút, đặc biệt là đối với mặt hàng tôm.