Tổ chức lại chuỗi giá trị cá ngừ Việt Nam ngư dân vẫn phải tự mày mò
Kỹ thuật khai thác lạc hậu
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT), cả nước hiện có khoảng 3.500 chiếc tàu khai thác cá ngừ đại dương, (chiếm 14% số tàu cá xa bờ), với khoảng 35.000 ngư dân tham gia. Trữ lượng cá ngừ có thể khai thác cũng rất lớn, ước tính khoảng 600.000 tấn/năm, trong đó cá ngừ vằn chiếm ưu thế, với khả năng khai thác khoảng 200.000 tấn/năm. Trong vòng 5 năm qua, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ đã tăng mạnh từ 188 triệu USD năm 2008 lên 520 triệu USD năm 2013.
Để đưa cá ngừ lên tầm cao mới, buộc phải nhanh chóng phát triển chuỗi giá trị cả xuất khẩu lẫn tiêu thụ nội địa vì nghề khai thác cá ngừ Việt Nam còn tồn tại nhiều bất cập. Giá cá ngừ liên tục sụt giảm từ 2013 đến nay.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Ngọc Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản (Tổng cục Thủy sản), khai thác cá ngừ vẫn là khâu yếu nhất trong chuỗi sản xuất vì chất lượng đội tàu, công nghệ khai thác và trình độ ngư dân đều thấp dẫn đến năng suất và chất lượng sản phẩm không được cải thiện. “Điều này cho thấy, cần nâng cao tính liên kết cả dọc và ngang trong toàn chuỗi để hài hòa lợi ích các tác nhân, phát triển bền vững trong mô hình: Thu mua – chế biến – tiêu thụ - xuất khẩu” - ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, ngư dân hiện hầu hết phải tự mày mò nghiên cứu để phát triển ngành nghề, sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng còn nhiều hạn chế. Ngư dân chưa nhận được nhiều sự hỗ trợ và chia sẻ lợi ích từ doanh nghiệp, các cơ sở thu mua. “Thực tế cho thấy, hoạt động khai thác thời gian qua không hiệu quả, thiếu bền vững và ngư dân luôn là đối tượng chịu rủi ro, bất lợi nhiều nhất trong chuỗi” - ông Tuấn nhận định.
Cần tổ chức lại theo chuỗi
Theo ông Nguyễn Ngọc Oai - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, nguyên nhân cơ bản dẫn đến ngành khai thác cá ngừ hiện nay còn yếu là do công nghệ, kỹ thuật trong khai thác, bảo quản, nhất là khâu tổ chức thu mua còn nhiều bất cập. Điều này dẫn đến nghịch lý là trong khi số tàu khai thác tăng, kéo theo sản lượng cá ngừ tăng nhanh, nhưng chất lượng và giá trị sản phẩm lại giảm, ảnh hưởng uy tín và thương hiệu cá ngừ Việt Nam.
Ông Chu Tiến Vĩnh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam cho biết, một trong những cái khó đối với nghề khai thác cá ngừ là Nhà nước chưa thực sự xác định cá ngừ là đối tượng chủ lực và có giá trị kinh tế đối với nghề khai thác thủy sản xa bờ. Việc khai thác thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm này còn đang ở diện tự phát.
“Việc chọn đối tượng cá ngừ đại dương để tổ chức sản xuất theo chuỗi không chỉ nhằm phát triển hiệu quả và bền vững nghề khai thác này mà còn tạo sự đột phá, làm tiền đề nhân rộng đối với các đối tượng và nghề khai thác hải sản xa bờ khác” - ông Vĩnh nói.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện các tổ chức quốc tế và các nhà tiêu dùng sản phẩm cá ngừ trên thế giới ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn về tiêu chuẩn, nguồn gốc xuất xứ, tính khai thác bền vững của sản phẩm. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng phải cạnh tranh với các nước như Philippines, Ecuador, Mauritius... với những lợi thế và điều kiện địa lý cũng như năng lực khai thác cá ngừ của họ.
Nhận định về nghề khai thác cá ngừ đại dương, ông Vũ Đình Đáp - Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam cho biết, nghề này vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, manh mún; ý thức của người dân về khai thác bền vững vẫn chưa cao. Ngư dân quá tập trung vào sản lượng khai thác, doanh thu mà chưa quan tâm nhiều đến chất lượng cá sau thu hoạch.
Để khai thác, chế biến cá ngừ trở thành ngành sản xuất phát triển tương xứng với tiềm năng, đáp ứng được nhu cầu của thị trường, Bộ NNPTNT đã xây dựng đề án Tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi. Theo đó hoạt động khai thác, chế biến cá ngừ sẽ được định hướng phát triển theo hướng công nghiệp, hiện đại, gắn với bảo đảm an ninh quốc phòng và bảo vệ chủ quyền trên biển.
Đề án sẽ được thực hiện tại 3 tỉnh: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Theo đó đến năm 2017, toàn bộ tàu câu cá ngừ đại dương và 50% số tàu khai thác bằng nghề lưới vây cá ngừ hoạt động trên biển sẽ được giám sát, quản lý với mục tiêu giảm tổn thất sau thu hoạch đối với sản phẩm cá ngừ đại dương xuống dưới 10%, đồng thời thực hiện việc kiểm soát và truy xuất nguồn gốc sản phẩm cá ngừ.
Bộ sẽ thực hiện mô hình thí điểm khai thác, chế biến cá ngừ theo chuỗi. Hoạt động khai thác cá ngừ được tổ chức lại bằng việc cấp hạn ngạch, đóng mở ngư trường khai thác phù hợp theo mùa vụ.
Trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam ở các thị trường trọng điểm hầu hết đều sụt giảm. Thị trường Mỹ giảm 0,2% (đạt 92,8 triệu USD); giảm 6,6% ở thị trường EU (50,8 triệu USD) và Nhật giảm 10,5% (8,7 triệu), nhưng lại tăng 24,5% (21 triệu USD) ở thị trường ASEAN. VASEP dự báo xuất khẩu cá ngừ quý 3 năm 2016 sẽ tăng 5% và đạt 125 triệu USD.
Related news
Năm 2015, anh Nguyễn Đình Tiếp ở thôn Trừng Xá, xã Trừng Xá, huyện Lương Tài (Bắc Ninh) bắt đầu nuôi lươn thương phẩm không bùn trong bể.
Dù xuất khẩu được sang gần 130 thị trường trên thế giới nhưng cá tra Việt Nam chỉ được xem như sản phẩm dành cho người nghèo, có giá trị thấp. Xây dựng thương hiệu cho cá tra Việt Nam đang là vấn đề đặt ra bức thiết.
Ngày 5.8, tại TP.Cần Thơ, Trung tâm Khuyến nông quốc gia (KNQG) tổ chức hội thảo tổng kết Dự án (DA) “Hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi cá tra thâm canh đạt chứng nhận VietGAP”. Sau 2 năm triển khai thực hiện, dự án đã góp phần vực dạy nghề nuôi cá tra tại vùng đồng bằng sông Cửu Long.