Mô hình nuôi cá tra VietGAP đầy triển vọng
Thành công hơn mong đợi
Ông Đặng Xuân Trường- Chủ nhiệm DA cho biết: Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để khôi phục và thúc đẩy phát triển sản xuất và xuất khẩu cá tra theo tinh thần Nghị Quyết 36/2014 của Chính phủ. Theo đó đến ngày 31.12.2015 các cơ sở nuôi cá tra thương phẩm phải áp dụng và được chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản theo VietGAP hoặc chứng chỉ quốc tế GlobalGAP, ASC phù hợp theo quy định pháp luật Việt Nam.
Trước tình hình trên Trung tâm KNQG đã xây dựng DA “Hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi cá tra thâm canh đạt chứng nhật VietGAP” góp phần hỗ trợ các cơ sở nuôi cá tra tiếp cận VietGAP thông qua tư vấn, đánh giá, chứng nhận cơ sở nuôi cá tra thương phẩm đạt chứng chỉ VietGAP. Kết quả của DA sẽ được áp dụng và nhân rộng trong sản xuất nuôi cá tra thương phẩm góp phần phát triển bền vững nghề nuôi cá tra cho nhà nông.
Kết quả sau 2 năm triển khai tổ chức tư vấn và đánh giá chứng nhận cho 20 mô hình/23 cơ sở nuôi tham gia DA, với tổng diện tích được đánh giá chứng nhận VietGAP là 87,26ha (đạt 436% so với mục tiêu yêu cầu đề ra là 20 ha). DA còn tổ chức được 20 lớp tập huấn, có 571 học viên tham dự; tổ chức 20 cuộc hội thảo tổng kết mô hình với trên 600 người tham dự; tổ chức 3 cuộc hội thảo nhân rộng mô hình và nhiều đợt tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông báo, đài.
DA được triển khai trong 2 năm (2015 – 2016) tại các tỉnh, thành, gồm: TP.Cần Thơ, Hậu Giang, An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bến Tre với 20 mô hình trình diễn.
Đánh giá hiệu quả của mô hình, ông Phạm Trường Yên- Phó Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản TP.Cần Thơ, cho biết: “TP.Cần Thơ được hỗ trợ thực hiện 3 mô hình nuôi cá tra thâm canh đạt chứng nhận VietGAP tại Thốt Nốt và Vĩnh Thạnh, nơi có quy hoạch diện tích nuôi cá tra lớn của thành phố. Các mô hình điểm này đã góp phần tích cực cho việc nhân rộng mô hình, là nơi tham quan học hỏi cho nhiều người nuôi cá tra trong vùng”.
“Đặc biệt đã hình thành một số mô hình nuôi liên kết giữa doanh nghiệp chế biến và người nuôi cá tra theo hình thức khoán thức ăn theo hệ số và tiền công hay cung cấp thức ăn và bao tiêu sản phẩm. Bước đầu đã cho thấy dấu hiệu tích cực mặc dù lợi nhuận không cao nhưng đã giảm thiểu mức độ rủi ro đối với người nuôi cá tra” - ông Yên cho biết thêm.
Nâng cao lợi thế cạnh tranh
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hậu Giang, mô hình nuôi cá tra đạt chứng nhận VietGAP mang lại hiệu quả về kinh tế lẫn xã hội và môi trường đối với tỉnh này. Tỷ lệ sống, năng suất, hệ số, thức ăn… sẽ giảm chi phí sử dụng thuốc hóa chất nên giảm giá thành sản xuất, tiết kiệm được (từ 10-15%), giá thành sản xuất so với các mô hình không áp dụng VietGAP. Qua đó góp phần xây dựng thương hiệu cá tra Hậu Giang nâng cao về giá trị và lợi thế cạnh tranh.
Là một trong những cơ sở được chọn tham gia DA, ông Nguyễn Văn Tấn, (ấp Mỹ An, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang), cho biết: “Cơ sở của ông bắt đầu nuôi cá tra từ năm 2003, có 3,6ha, với 5 ao nuôi. Sau 3 năm thực hiện, bước đầu cơ sở đã phát triển theo hướng ổn định và bền vững. Đầu năm 2015 vùng nuôi của tôi được Trung tâm KNQG chọn tham gia thực hiện hỗ trợ tư vấn và chứng nhận VietGAP. Đến tháng 12.2015, cơ sở được cấp chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP”.
Từ ngày được cấp chứng nhật đạt chuẩn VietGAP cơ sở của tôi gặp nhiều thuận lợi, ông Tấn phấn khởi chia sẻ: “Việc áp dụng tiêu chuẩn an toàn và chất lượng thực phẩm đã giúp cơ sở chúng tôi có điều kiện gắn kết với các doanh nghiệp chế biến thủy sản trong tỉnh, giảm rủi ro ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, ổn định về chất lượng, đồng thời tăng giá trị sản phẩm đạt hiệu quả kinh tế cao”.
Bà Cao Thị Thùy Dương (ấp Tân Dinh, xã Tân Hòa, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp), tham gia mô hình với 4ha diện tích ao nuôi cho biết thêm: Tham gia DA việc ghi chép nhật ký ao nuôi giúp quản lý được các nguyên vật liệu từ khâu nhập kho đến xuất kho; đặc biệt giảm dịch bệnh, tăng tỷ lệ sống (từ 70% lên 75%); tiết kiệm tiền thuốc được từ 100-200 đồng/kg cá thương phẩm. Việc đo chỉ tiêu môi trường hàng ngày giúp tôi quản lý được môi trường ao, điều chỉnh và xử lý kịp thời khi xảy ra sự cố, từ đó giúp giảm được hệ số thức ăn (từ 1,5 xuống còn 1,45). Qua đó lợi nhuận tăng thêm trên 100 triệu đồng/ha.
Tại hội thảo nhiều đại biểu kiến nghị Nhà nước cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ hộ nuôi và các nhà máy chế biến xuất khẩu liên kết với nhau theo quy trình khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ thì các mô hình nuôi cá tra VietGAP mới tồn tại bền vững theo thời gian.
Related news
Để chăn nuôi cá thành công, anh Hồng luôn tâm niệm phòng bệnh hơn chữa bệnh, bởi khi cá dính bệnh việc chạy chữa rất tốn kém công sức, tiền của.
Năm 2015, anh Nguyễn Đình Tiếp ở thôn Trừng Xá, xã Trừng Xá, huyện Lương Tài (Bắc Ninh) bắt đầu nuôi lươn thương phẩm không bùn trong bể.
Dù xuất khẩu được sang gần 130 thị trường trên thế giới nhưng cá tra Việt Nam chỉ được xem như sản phẩm dành cho người nghèo, có giá trị thấp. Xây dựng thương hiệu cho cá tra Việt Nam đang là vấn đề đặt ra bức thiết.