Tìm Hướng Phát Triển Nghề Nuôi Chim Bồ Câu
Trong số các mô hình làm kinh tế gia đình, nuôi chim bồ câu là hướng đi khá mới của nhiều hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ ở xã Nam Hòa (Đồng Hỷ - Thái Nguyên). Nuôi bồ câu có ưu điểm là vốn đầu tư ít, dễ chăm sóc, cho thu nhập cao. Tuy nhiên hầu hết các gia đình ở đây đều đang phát triển đàn một cách cầm chừng bởi họ lo sẽ khó tìm nơi tiêu thụ ổn định.
Nuôi chim bồ câu không còn mới đối với nhiều gia đình ở Nam Hòa, nhưng trước kia hầu hết mỗi hộ chỉ nuôi vài ba đôi để “làm cảnh” và cải thiện bữa ăn gia đình. Nhưng 2 năm trở lại đây, nắm bắt được tâm lý nhiều người coi thịt chim bồ câu là thực phẩm lành, sạch và bổ dưỡng nên nhu cầu tiêu thụ rất lớn, nhiều hội viên phụ nữ đã đầu tư nuôi chim bồ câu với số lượng lớn hơn.
Hội Liên hiệp Phụ nữ xã hiện có khoảng gia đình 50 hội viên đang nuôi chim bồ câu, trong đó tập trung nhiều ở các xóm: Chí Son, Đầm Cỏ, Bờ Suối, Gốc Thị.
Bình quân mỗi nhà nuôi từ 15-20 đôi. Nhiều gia đình chọn phương thức nuôi chăn thả, một số khác nuôi nhốt. Là một trong những người tiên phong nuôi chim bồ câu theo hướng hàng hóa, năm 2012, chị Hoàng Thị Thảo, xóm Bờ Suối, đầu tư 40 đôi chim bồ câu giống. Với diện tích đất vườn đồi 2ha chị chọn phương pháp nuôi chim bồ câu thả tự nhiên.
Chuồng chim được thiết kế đơn giản, chỉ bằng cây tre, gỗ đóng thành từng giá chia làm nhiều ô, xung quanh được quây lưới và để một khoảng trống để chim có thể ra vào. Vừa nuôi chim bán, vừa để gây giống, gia đình chị hiện có trên 100 cặp chim bồ câu sinh sản đều đặn.
Chị Thảo cho biết: Bồ câu sinh trưởng và phát triển nhanh, từ lúc nở đến khi bồ câu ra ràng là 45 ngày. Trong khoảng thời gian ấy bồ câu mẹ có thể vừa đẻ vừa nuôi con. Hầu như lúc nào gia đình tôi cũng có chim bồ câu bán, số lượng nhiều hay ít tùy thời điểm.
Khi không có khách đến nhà mua, tôi đem ra chợ Thái bán với giá 90 nghìn đồng/cặp, còn chim giống là 120.000 đồng/cặp, mỗi tháng thu được 3 đến 5 triệu đồng. Mặc dù vậy chị Thảo cũng không khỏi lo lắng bởi hiện nay nhu cầu tiêu thụ chim bồ câu là khá lớn, ngoài các nhà hàng đặt mua, chị vẫn mang ra chợ để bán.
Nuôi chim bồ câu cho thu lợi trong thời gian ngắn, chi phí và rủi ro thấp nên phù hợp với cả những hộ khó khăn về vốn cũng như nguồn nhân lực. Nuôi chim hoàn toàn có thể tranh thủ thời gian, ngày chăn 2 lần và 3 ngày mới phải dọn chuồng một lần. Để phòng bệnh chỉ cần hòa thuốc vào nước cho chim uống.
Gia đình chị Hoàng Thị Sáu, xóm Gốc Thị, cuối năm 2012 chỉ mua được 20 cặp chim bồ câu giống, đến nay gia đình chị cũng đã nhân ra được 100 cặp.
Chị cho biết: Riêng năm ngoái gia đình tôi thu lãi được hơn chục triệu đồng. Nuôi chim bồ câu kinh tế hơn trồng cấy, chăn gà, lợn rất nhiều, lại ít lo bệnh tật. Hiện nay, gia đình tôi nuôi được bao nhiêu có khách hàng đến tận nhà mua hết. Có điều khách mua lần nào chúng tôi chỉ biết lần đó nên vẫn lo lắng về vấn đề tiêu thụ.
Theo tính toán, chi phí đầu tư ban đầu xây chuồng nuôi nhốt chim là không lớn. Mỗi cặp chim chỉ ăn hết khoảng vài lạng thóc gạo/ngày, với giá bán bình quân 90 nghìn/cặp, nếu chăn 100 cặp chim giống sẽ giúp người nuôi thu về khoảng 35-40 triệu đồng/năm, một nguồn thu khá lớn ở nông thôn nhất là đối với các hộ dân có vốn ít.
Tuy nhiên, thực tế nuôi chim bồ câu ở Nam Hòa vẫn đang chỉ được coi là nghề phụ, trong khi với nhiều gia đình nó lại là nguồn thu nhập chính. Chị Trần Thị Bắc, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã trăn trở: Hiện chúng tôi còn 20% hội viên phụ nữ nghèo (toàn xã có 1.734 hội viên), để giúp chị em thoát nghèo bền vững thì nuôi chim bồ câu có thể được coi là một hướng đi phù hợp.
Trong thời gian tới, Hội dự định sẽ tổ chức cho chị em thành lập các tổ, nhóm nuôi chim bồ câu. Chúng tôi tin, nếu được tiếp cận nhiều hơn với nguồn vốn hỗ trợ và đặc biệt tìm được đầu ra ổn định, lâu dài thì chim bồ câu sẽ trở thành vật nuôi giúp hội viên phụ nữ và nhiều người dân xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu.
Related news
Sự việc sản phẩm nấm của người dân Yên Thành (Nghệ An) sản xuất ra không bán được một lần nữa phản ánh một thực trạng, chuỗi quá trình từ sản xuất đến tiêu thụ đối với các sản phẩm của ngành nông nghiệp hiện còn đang tồn tại nhiều hạn chế.
Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, sau khi rời quân ngũ, anh Trần Văn Hải trở về quê hương (xóm 10, xã Hội Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An) và nung nấu ý chí thay đổi cuộc đời. Sau khi nghiên cứu, nhận thấy giống cam Bù rất thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây, anh quyết định đầu tư trồng loại cây này. Cái tên “Hải cam” cũng xuất hiện từ đó.
Vài năm trở lại đây, nông dân xã Bắc Sơn (Bắc Sơn - Lạng Sơn) đã áp dụng nhiều mô hình chuyển dịch cơ cấu cây trồng thành công. Trong đó, mô hình đưa cây cà chua vào trồng trái vụ đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Trung Quốc hiện vẫn là thị trường nhập khẩu nhiều thanh long Việt Nam nhất, chiếm hơn 70% kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong năm 2013. Song theo Hiệp hội rau quả Việt Nam (Vinafruit), Trung Quốc đang tiến hành trồng thanh long quy mô lớn và đe dọa trở thành nước cạnh tranh về diện tích lẫn sản lượng với thanh long Việt Nam.
Dù đã có trong tay tấm bằng đại học nhưng khác với bạn bè cùng trang lứa, Phạm Minh Tùng ở ấp Trường Thuận, xã Sông Thao (Trảng Bom - Đồng Nai) lại lập nghiệp bằng nghề trồng hoa, cây cảnh và lựa chọn cây mai vàng để thực hiện ước mơ của mình. Hiện, anh đã có hơn 200 gốc mai cổ thụ, đem lại cho gia đình nguồn thu hàng trăm triệu đồng/năm.