Tìm giải pháp ổn định đầu ra hải sản
Đầu ra hải sản lâu nay rất bấp bênh do phải phụ thuộc vào thị trường và nhu cầu tiêu thụ của tư thương. Vì vậy việc tìm kiếm các giải pháp để nâng cao giá trị kinh tế, ổn định đầu ra hải sản là cấp thiết.
Hải sản của ngư dân bị ép giá do bảo quản trong hầm gỗ truyền thống. Ảnh: N.Q.V
Bị ép giá
Đang vụ cá chính nên không khí sản xuất của ngư dân trong tỉnh rất rộn rã. Tại cảng cá Tam Quang (Núi Thành), nhiều tàu cá nối đuôi nhau cập bờ bán hải sản, nạp nhiên liệu, mua nhu yếu phẩm để lại nhổ neo vươn khơi. Gặp chúng tôi khi vừa trở về từ Hoàng Sa, ngư dân Đặng Ngọc Là (thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang, Núi Thành) cho biết: “Chuyến biển đạt sản lượng, tôi và 10 bạn biển thu được tổng cộng 8 tấn cá sau 10 ngày bám biển, chủ yếu là cá ngừ, cá thu, cá bè và cá chang. Hải sản nhiều nhưng đầu ra không ổn”. Theo ông Là, cá bè và cá chang rất hiếm gặp, là sản phẩm có giá trị cao nhưng đầu nậu thu mua chỉ ở mức 21 nghìn đồng/kg. “Qua trao đổi giá bán hải sản, chúng tôi được nghe một số chủ tàu ở Quảng Bình, Nghệ An bảo vừa bán cá chang, cá bè với giá 30 nghìn đồng/kg. Vậy mà chừ mình chỉ bán được 21 nghìn đồng, quá thấp. Chừ không bán thì hải sản càng giảm giá trị” - ông Là cho biết.
Ở phường Cửa Đại (TP.Hội An), hầu hết ngư dân đều chuyển sang nghề câu cá hố vì đây là sản phẩm rất có giá trị. Vậy nhưng, theo UBND phường Cửa Đại, lâu nay, mặc dù giá cá hố không ngừng tăng cao nhưng hầu như chỉ có đầu nậu, thương lái, các cơ sở chế biến cá hố là tăng lợi nhuận còn ngư dân thì... bị ép giá. “Chúng tôi sản xuất nhỏ, mỗi tàu cá đều ra khơi khai thác hải sản riêng lẻ. Khi về bờ, mỗi người tự tìm chỗ bán chứ không thể liên kết lại với nhau để bán chung cho cùng một đầu nậu hoặc thương lái thu mua theo thỏa thuận. Cảnh được mùa, mất giá cứ liên tục tái diễn” - ngư dân Phạm Văn Trung (khối phố Phước Hải, phường Cửa Đại) nói. Anh Trung cho biết, cá hố loại lớn được thương lái bán cho cơ sở chế biến với giá đến 100 nghìn đồng/kg còn ngư dân bán cho đầu nậu chỉ ở mức 50 nghìn đồng/kg. Ông Lê Công Sỹ - Phó Chủ tịch UBND phường Cửa Đại cho biết, ngư dân luôn bán hải sản với giá thấp hơn thực tế bởi phải qua khâu trung gian và tiêu thụ nhỏ lẻ. Nếu sản phẩm của ngư dân được đưa vào siêu thị thì giá trị sẽ nâng cao.
Kết nối tiêu thụ
Từ băn khoăn của ngư dân và chính quyền địa phương, chúng tôi tìm đến siêu thị Co.opMart Tam Kỳ. Tại đây, có đa dạng chủng loại hải sản được bày bán theo từng ngăn hàng riêng biệt, nhiều nhất là sản phẩm cá hồi. Các mặt hàng hải sản đông lạnh đóng gói này được đông đảo khách hàng hỏi mua. Các mặt hàng mực ống, mực lá, cá thu, cá đù cũng thu hút khách. Chúng tôi đặt câu hỏi với người phụ trách rằng hàng hải sản của ngư dân Quảng Nam có thể vào bán ở siêu thị không? Bà Nguyễn Thị Thu Sương - Tổ trưởng tổ thực phẩm công nghệ (Co.opMart Tam Kỳ) nói: “Tất cả hàng hải sản chất lượng đều có thể được bán ở siêu thị này, nhất là hải sản được khai thác và chế biến ở Quảng Nam. Nếu được chào mời, chúng tôi sẽ đến khảo sát, đáp ứng các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm, chứng nhận chất lượng, kiểm nghiệm sản phẩm thì chúng tôi ký hợp đồng thu mua và bày bán”. Bà Sương cho biết, hiện tại, các hàng hải sản bày bán ở Co.opMart Tam Kỳ được thu mua từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước như TP.Hồ Chí Minh, An Giang, Khánh Hòa, Bình Thuận. “Các mặt hàng hải sản đang bán ở Co.opMart Tam Kỳ theo kênh phân phối của tổng công ty ở TP.Hồ Chí Minh chuyển về. Chúng tôi còn có kênh khác là tự kinh doanh hàng địa phương để mua hải sản trên địa bàn Quảng Nam về bán. Chỉ cần có doanh nghiệp chào hàng, sản phẩm đảm bảo là chúng tôi bắt tay ngay thôi” - bà Sương nói.
Theo Co.opMart Tam Kỳ, hàng hải sản được bán ở siêu thị đòi hỏi phải qua sơ chế, đóng gói, có bao bì, mẫu mã đẹp. Vì thế, siêu thị không thể nhập nguyên sản phẩm thô khi ngư dân mới đem từ biển trở về mà phải qua sơ chế. Về điều này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đề nghị các địa phương ven biển tạo điều kiện thuận lợi để ngư dân tự kết hợp với nhau tạo nên các tổ hợp tác, hợp tác xã. Chỉ có vậy thì họ mới đủ điều kiện để chế biến hải sản tự khai thác, ổn định đầu ra thông qua kênh phân phối vào siêu thị hoặc ký kết với đối tác xuất khẩu. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng tạo điều kiện tối đa để các doanh nghiệp đầu tư vào Quảng Nam, kết nối với ngư dân, chế biến hải sản để tăng giá trị sau khai thác, ổn định nghề cá. Công ty Đại Dương Xanh được UBND tỉnh quyết định đầu tư ở Khu hậu cần nghề cá xã Tam Quang là tín hiệu tốt cho vai trò kết nối nói trên.
>> Theo Sở NN&PTNT, hải sản ngư dân khai thác được bị ép giá bán có một phần nguyên nhân là khâu bảo quản hải sản còn hạn chế, hải sản bị trầy xước. Đầu nậu, thương lái đã lợi dụng việc đó để chèn ép giá ngư dân. Thời gian gần đây, một số ngư dân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư hầm bảo quản hải sản bằng công nghệ PU. Đây là hầm chứa hải sản cách nhiệt thông qua vật liệu xốp Polyurethane. Mô hình này đang dần phát huy hiệu quả. Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, cần nhân rộng mô hình bảo quản hải sản bằng công nghệ PU. Sở NN&PTNT chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam tiếp tục triển khai hỗ trợ bằng nguồn vốn của tỉnh cũng như nguồn vốn của trung ương giúp ngư dân đầu tư, trang bị hầm bảo quản bằng công nghệ này. Ngoài ra, Nghị định của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản được triển khai cũng sẽ giúp ngư dân có nguồn vốn tiếp cận, trang bị hầm bảo quản hiện đại hơn trên tàu cá công suất lớn.
Theo Báo Quảng Nam
Related news
Hơn chục hộ dân ở xã Quảng Cư, TP. Sầm Sơn (Thanh Hóa) đã biến 1 sào đất vườn khô cằn thành bể nuôi cá lóc tiền tỷ, đem lại thu nhập cao cho gia đình.
Đúng như dự báo được đưa ra trước đó, Trung Quốc đã chính thức vượt Mỹ để trở thành thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam trong quí 1/2017
Vai trò chính của khuyến nông là chuyển giao các tiến bộ về kỹ thuật sản xuất cây trồng, vật nuôi và tiến bộ trong quản lý sản xuất đến với người nông dân