Khuyến nông cần chuyên nghiệp, hiệu quả hơn
Đó là chia sẻ ông Trần Văn Khởi (ảnh), quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia với Tạp chí Thủy sản Việt Nam về những hoạt động khuyến nông trong thời gian tới.
Ngành thủy sản đang gặp khó khăn do ảnh hưởng xấu của biến đổi khí hậu
Ông có thể cho biết vai trò của khuyến nông trong hoạt động phát triển sản xuất của nông dân, ngư dân?
Hiện nay hệ thống khuyến nông rất sâu và rộng, từ Trung ương xuống đến tỉnh, huyện, xã và một số tỉnh tận thôn bản cũng có cộng tác viên khuyến nông. Tổng số người làm khuyến nông trong hệ thống nhà nước khoảng 37.000 người. Vai trò chính của khuyến nông là chuyển giao các tiến bộ về kỹ thuật sản xuất cây trồng, vật nuôi và tiến bộ trong quản lý sản xuất đến với người nông dân, doanh nghiệp, chủ trang trại, đại diện người nông dân như Hợp tác xã, câu lạc bộ… Để thực hiện công tác chuyển giao thì hệ thống khuyến nông triển khai 4 nội dung hoạt động chính là xây dựng mô hình trình diễn, tập huấn, thông tin tuyên truyền và tư vấn khuyến nông.
Hiện, ngành thủy sản đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, ngành khuyến nông có những biện pháp gì, thưa ông?
Thủy sản nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung đang gặp khó khăn do ảnh hưởng xấu của biến đổi khí hậu gây ra, nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra như hạn hán, mưa úng, mưa bão trái mùa... Với nhiệm vụ của mình, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cùng với Trung tâm Khuyến nông các tỉnh đề xuất tăng cường mấy biện pháp chính sau:
- Xây dựng những mô hình nuôi trồng thủy sản áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật, đặc biệt áp dụng những giải pháp kỹ thuật để né tránh, thích ứng với tác động tiêu cực của thời tiết, khí hậu. Tổng kết đánh giá để khuyến cáo nhân rộng mô hình, góp phần phát triển hiệu quả, bền vững cho các vùng nuôi trồng thủy sản.
- Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để nông dân biết và xử lý các tình huống bất thường xảy ra trong sản xuất.
- Tăng cường năng lực cho hệ thống khuyến nông, đặc biệt năng lực của các cán bộ khuyến nông cấp huyện, xã là những người hàng ngày tiếp cận với sản xuất và tư vấn cho nông dân.
Trong những năm qua, nhiều mô hình thủy sản được Trung tâm triển khai thí điểm có hiệu quả. Để nhân rộng các mô hình, quá trình thực hiện gặp những khó khăn gì, thưa ông?
Nhiều mô hình thủy sản được xây dựng từ nguồn kinh phí khuyến nông trung ương hàng năm cũng như từ kinh phí địa phương đã có kết quả rất tốt, mang lại thu nhập cao hơn cho nông dân, đảm bảo về môi trường. Những mô hình này là hạt nhân để nhân ra diện rộng đã góp phần làm thay đổi diện mạo của ngành, kỹ thuật nuôi trồng và năng suất, hiệu quả kinh tế. Tuy vậy, thực tế vẫn còn một số mô hình tốt, hiệu quả cao nhưng khó lan tỏa hoặc lan tỏa chậm. Điều này có thể do nguyên nhân từ hai phía. Thứ nhất, mô hình ở diện hẹp thì đáp ứng điều kiện phát huy thế mạnh của kỹ thuật mới nhưng ở diện rộng, đại trà thì không đáp ứng nên hiệu quả không cao hoặc nông dân chưa có điều kiện áp dụng. Thứ hai, về phía người nông dân với thói quen truyền thống lâu đời nên chậm thay đổi, trong khi đó công tác thông tin tuyên truyền còn ít thì việc mở rộng mô hình cần có thời gian.
Năm 2017, riêng về lĩnh vực tôm, mô hình nuôi nào sẽ được khuyến nông chú trọng, thưa ông?
Một số mô hình nuôi tôm đạt kết quả tốt và đang được triển khai, khuyến khích áp dụng là: Mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực; Mô hình sản xuất tôm - lúa: Luân canh nuôi tôm và trồng lúa nên tăng hiệu quả thu nhập và đảm bảo môi trường; Mô hình nuôi tôm áp dụng công nghệ cao trong nhà có mái che, kiểm soát môi trường và mật độ nuôi thả cao để đạt năng suất cao, an toàn thực phẩm.
Vai trò của thông tin tuyên truyền trong hoạt động khuyến nông?
Thông tin tuyên truyền là một trong các nội dung quan trọng của hoạt động khuyến nông. Các hình thức thông tin tuyên truyền chính hiện nay Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đang phối hợp với các đơn vị triển khai là: thông tin trên đài phát thanh, đài truyền hình, báo, tạp chí lớn của ngành, hội chợ, diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp, hội thi, tọa đàm… Qua đó để cung cấp cho người sản xuất những chủ trương, định hướng và chính sách phát triển nông nghiệp của ngành và địa phương; các tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; tiến bộ kỹ thuật về quản lý, mô hình và các gương điển hình tiên tiến để cùng tham khảo và chia sẻ những kinh nghiệm hay…
Định hướng hoạt động khuyến nông trong thời gian tới là gì, thưa ông?
Thời gian tới, hoạt động khuyến nông cần được đổi mới theo hướng chuyên nghiệp hơn, hiệu quả hơn nữa. Đối tượng chuyển giao tập trung vào hai nhóm chính là người sản xuất hàng hóa lớn và nông dân vùng khó khăn để nâng cao sinh kế. Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào một số loại cây trồng vật nuôi chính phục vụ tái cơ cấu của ngành và địa phương. Đồng thời, thay đổi phương thức hoạt động để tăng cường sự gắn kết sức mạnh của cả hệ thống khuyến nông, tránh chồng chéo không thống nhất trong xây dựng mô hình, đào tạo tập huấn. Tăng cường xã hội hóa hoạt động khuyến nông để tăng thêm các nguồn lực chuyển giao tiến bộ, công nghệ mới cho nông dân.
Trân trọng cảm ơn ông!
Related news
Nhìn cơ ngơi gần 7ha khu vực nuôi tôm đã đầu tư lên tới hơn 80 tỷ đồng, với tổng sản lượng tôm nuôi đạt hơn 40 tấn, doanh thu hơn 3,5 tỷ đồng/năm
Hơn chục hộ dân ở xã Quảng Cư, TP. Sầm Sơn (Thanh Hóa) đã biến 1 sào đất vườn khô cằn thành bể nuôi cá lóc tiền tỷ, đem lại thu nhập cao cho gia đình.
Đúng như dự báo được đưa ra trước đó, Trung Quốc đã chính thức vượt Mỹ để trở thành thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam trong quí 1/2017