Tìm Giải Pháp Nuôi Tôm Hùm Theo Hướng Bền Vững
Tôm hùm có giá trị xuất khẩu, kinh tế cao. Ở Việt Nam, nghề nuôi tôm hùm phân bố từ Quảng Bình đến Bình Thuận, trong đó tập trung chủ yếu ở các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Tuy nhiên, hiện nay nguồn tôm hùm giống hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên, trong khi đó việc nuôi tôm thương phẩm lại thiếu tính bền vững.
Sản lượng giảm
Theo Bộ NN-PTNT, từ những năm 80 của thế kỷ trước, việc nghiên cứu và nuôi tôm hùm được các ngành chức năng và ngư dân quan tâm. Tuy nhiên, nghề nuôi tôm hùm bằng lồng thật sự phát triển từ năm 2000 đến nay, số lượng ước trên 41.000 lồng, tập trung ở các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ (từ Bình Định đến Bình Thuận). Trong đó, nhiều nhất là tỉnh Phú Yên hơn 21.000 lồng, Khánh Hòa 16.309 lồng.
Ở các địa phương này hiện có khoảng 10.000 lồng nuôi tôm hùm tập trung, chủ yếu là các loài tôm hùm bông, tôm hùm đá, tôm hùm sỏi, tôm hùm đỏ. Theo Trung tâm Khuyến nông (Bộ NN-PTNT), số lượng nuôi lớn nhất hiện nay là tôm hùm bông và tôm hùm xanh, bởi 2 loại tôm này sinh trưởng nhanh, kích cỡ lớn, giá trị xuất khẩu cao, với sản lượng trung bình hàng năm gần 1.385 tấn, mang lại thu nhập cho ngư dân khoảng 3.500 tỉ đồng.
Phú Yên là một trong những địa phương có diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản lớn với hơn 2.955ha, chủ yếu ở TX Sông Cầu và các huyện Tuy An, Đông Hòa. Trong khi đó, số lồng nuôi tôm hùm năm 2013 giảm hơn 10%, sản lượng chỉ đạt 622 tấn, giảm 12% so với năm 2012. Nguyên nhân là do thiếu nguồn giống, ngư dân nuôi theo kiểu tự phát, môi trường nước không đảm bảo, dịch bệnh thường xuyên xảy ra.
Ông Nguyễn Phụng Ngoạn, Chủ tịch UBND huyện Tuy An cho biết, giống tôm hùm hiện nay chưa thể nhân tạo, mà do ngư dân đánh bắt ngoài tự nhiên. Tôm hùm giống do ngư dân trong huyện đánh bắt không chỉ cung cấp cho người nuôi trong tỉnh, mà còn xuất đi các tỉnh lân cận với giá giao động từ 280.000 đến 350.000 đồng/con, tùy thời điểm, nên tôm hùm giống rất dễ bị cạn kiệt.
Chính vì vậy mà huyện đang quy hoạch tạm thời vùng nuôi tôm hùm giống trên diện tích 50ha mặt nước tại vùng ven biển thuộc các xã An Hòa, An Hải, An Ninh Đông với khoảng 1.300 lồng, hơn 300.000 con/vụ, chủ động tạo tôm hùm giống phục vụ cho nhu cầu của ngư dân. Nếu mô hình này thành công sẽ góp phần bảo vệ nguồn lợi tôm hùm ngoài tự nhiên, giúp nghề nuôi tôm hùm tại địa phương phát triển bền vững.
Tại TX Sông Cầu có 18.500 lồng nuôi tôm hùm với gần 1 triệu con, nhiều nhất tỉnh Phú Yên. Năm 2013, giá tôm hùm dao động từ 1,6 đến 1,8 triệu đồng/kg, mang lại giá trị hơn 500 tỉ đồng, hầu hết người nuôi đều có lãi. Đơn cử như hộ ông Nguyễn Thành Nhơn ở thôn Từ Nham, xã Xuân Thịnh hiện có hơn 200 lồng tôm hùm với trên 11.000 con. Năm nào tôm hùm được mùa, được giá, ông Nhơn thu lãi từ 1,5 đến 2 tỉ đồng.
Ông Lương Công Tuấn, Phó chủ tịch UBND TX Sông Cầu cho biết, để nghề nuôi tôm hùm phát triển bền vững, thị xã đang kiện toàn và phát huy vai trò tổ quản lý cộng đồng nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, thị xã cũng đang thống kê số lượng lồng bè nuôi trồng thủy sản, tổ chức hướng dẫn cho ngư dân biết các biện pháp nuôi trồng trên cơ sở quan trắc môi trường, tăng cường khâu kiểm dịch giống, tập huấn kỹ thuật và biện pháp phòng trị bệnh trên tôm hùm.
Cần có giải pháp bền vững
Theo Trung tâm Khuyến nông (Bộ NN-PTNT), hiện nghề nuôi tôm hùm đang gặp nhiều khó khăn. Đó là, một số tỉnh trong khu vực duyên hải miền Trung chưa có quy hoạch chi tiết vùng nuôi; nhiều điểm nuôi tôm nằm trong quy hoạch phát triển du lịch, công nghiệp, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của nghề này…
Trong khi đó, tôm hùm giống hiện chưa thể sản xuất nhân tạo, nên hầu hết người nuôi phải dựa vào giống khai thác tự nhiên; dịch bệnh trên tôm hùm thường xuyên xảy ra, chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Hiện ngư dân vẫn áp dụng phương pháp nuôi tôm truyền thống, quy mô nhỏ, mỗi bè khoảng 10 lồng với vài trăm con tôm, nên hiệu quả mang lại chưa cao, thiếu tính ổn định. Mặt khác, thức ăn của tôm chủ yếu là cá tạp, cua, sò… rất dễ gây ô nhiệm môi trường.
Ông Biện Minh Tâm, Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết, nghề nuôi tôm hùm ở Phú Yên phát triển mạnh nhất nước. Tỉnh đang triển khai quy hoạch chi tiết các vùng nuôi tôm hùm ở các địa phương. Đến thời điểm này đã hoàn thành việc khảo sát, lập và phê duyệt hồ sơ phân giới, căm mốc mặt nước biển; xây dựng phương án bộ trí lồng bè nuôi phù hợp với từ 30 đến 40 lồng/ha.
Theo các chuyên gia thủy sản, để nghề nuôi tôm hùm phát triển bền vững, các cơ quan chuyên môn cần tích cực nghiên cứu, chế biến thức ăn công nghiệp cho tôm hùm, thay thế dần thức ăn tự nhiên nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, sớm thành lập quỹ tái tạo nguồn lợi tôm hùm; đầu tư xây dựng một số khu bảo tồn tôm giống tại các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa; nghiên cứu nhân tạo giống tôm hùm để chủ động cung ứng cho người nuôi.
Ông Phạm Khánh Ly, Phó vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Bộ NN-PTNT) cho biết, để phát triển nghề nuôi tôm hùm theo hướng bền vững, tương xứng với tiềm năng sẵn có của khu vực miền Trung, trong năm 2014 các địa phương phải xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển nuôi tôm hùm đến năm 2020 và triển khai đồng bộ các giải pháp về kỹ thuật, chính sách, vốn vay, khuyến ngư, thị trường…
Ông Ly cũng đề nghị Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III tiếp tục thử nghiệm phác đồ điều trị mới đối với bệnh tôm sữa, sớm ban hành quy trình phòng chống dịch bệnh trên tôm hùm và kiểm tra, giám sát việc thực hiện…
“Hiện nay, nguồn giống tôm hùm vẫn phụ thuộc vào tự nhiên, vì vậy các tỉnh có vùng phân bố tôm giống tự nhiên cần quy hoạch, bảo vệ và khai thác hợp lý; đồng thời xem đây là một nghề và cấp phép khai thác cho các hộ dân để quản lý”, ông Ly nói.
Tiến sĩ Võ Văn Nha, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III cho rằng, muốn nuôi tôm hùm lồng mang lại hiệu quả cao thì cần có sự nỗ lực từ nhiều phía trên các lĩnh vực sản xuất giống nhân tạo, nghiên cứu giải pháp giảm thiểu ô nhiễm và dịch bệnh, cải tiến quy trình kỹ thuật và mật độ nuôi phù hợp; đồng thời sản xuất thức ăn viên nhân tạo cho tôm. Đặc biệt, cộng đồng người nuôi tôm phải chủ động và có ý thức bảo vệ môi trường nước, hạn chế tối đa dịch bệnh.
Related news
Khoảng một tháng nay, nhiều ngư dân ở xã An Hải (Phú Yên) được mùa cá cơm nên rất phấn khởi. Sau một đêm đi biển, thuyền khai thác ít nhất cũng được 20kg cá, thuyền nhiều trên 100kg nên ngư dân có thu nhập khá.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam vừa có báo cáo gửi Bộ Công Thương cho biết, các doanh nghiệp thành viên cho đến nay, đã ký hợp đồng xuất khẩu gạo với tổng số lượng lên tới 6,909 triệu tấn, tăng 1,54% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, lượng gạo đã xuất khẩu đạt 5,49 triệu tấn với tổng trị giá 2,39 tỷ USD.
“Phong trào xây dựng NTM như luồng gió mới, góp phần đổi thay diện mạo các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh, cải thiện cuộc sống và thúc đẩy KT - XH địa phương phát triển” - Đó là khẳng định của ông Lò Quang Chiêu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng điều phối Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) sau 3 năm triển khai thực hiện. Tuy nhiên, với đặc thù của Điện Biên, chương trình cần “điểm nhấn” và giải pháp đột phá để thành công.
Với kiểu khai thác tận diệt, nhiều loại thủy, hải sản ven bờ các tỉnh miền Trung đang đứng trước nguy cơ bị tiệt chủng. Sự nghèo nàn của nguồn lợi thủy sản ở khu vực này cũng đẩy hàng ngàn hộ dân rơi vào tình cảnh khốn khó. Hệ sinh thái ven bờ đang có nguy cơ bị đảo lộn hoàn toàn nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Ngoài nguyên nhân người đánh bắt dùng xuyệt, lưới rùng, đánh thuốc để bắt theo kiểu tận diệt thì tình trạng sử dụng thuốc hóa học bừa bãi trên đồng ruộng đã khiến cho môi trường sống của các loài thủy sinh bị ô nhiễm nặng nề. Nếu tình trạng này kéo dài, sẽ hủy hoại môi trường sống của các loài thủy sinh này.