Tiêu Chết Dần, Người Dân Thiệt Hại Nặng
Gần đây, nhiều vườn hồ tiêu trên địa bàn Quảng Trị bị chết hàng loạt, thiệt hại lớn về kinh tế và gây tâm lý lo lắng cho người dân.
Chỉ tính riêng ở hai huyện Vĩnh Linh và Gio Linh đã có hơn 1.000 ha hồ tiêu bị nhiễm bệnh các loại, chết dần gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người trồng. Theo thống kê của Trạm bảo vệ thực vật huyện Vĩnh Linh, toàn huyện có 690/810 ha bị nhiễm các loại bệnh như: Thối gốc, tuyến trùng rễ, đốm lá, thán thư, vàng lá chết nhanh, vàng lá chết chậm... khiến diện tích cây hồ tiêu trên địa bàn toàn huyện giảm mạnh. Đến thời điểm này, toàn huyện Vĩnh Linh có hơn 30% diện tích cây hồ tiêu bị bệnh nặng và chết khô,
Nhiều vườn hồ tiêu trên địa bàn các xã Vĩnh Thành, Vĩnh Tú, Vĩnh Thủy (Vĩnh Linh); Gio An, Gio Sơn, Gio Hòa, Gio Bình, Hải Thái, Linh Thượng (Gio Linh)... hàng loạt cây đang xanh tốt, vào vụ thu hoạch bỗng nhiên ngã bệnh chết gây thiệt hại lớn cho nhiều hộ gia đình.
Đến thăm vườn tiêu rộng hơn 2,5 sào của gia đình chị Bùi Thị Bình, ở thôn Liêm Công Tây, xã Vĩnh Thành bị các loại bệnh như vàng lá chết nhanh, thối rễ... tấn công làm cho hàng loạt cây tiêu khô héo dần rồi chết mới thấy hết thiệt hại về vốn đầu tư, công chăm bón bấy lâu nay của gia đình chị.
Chị Bình cho biết: “Thu nhập chính của gia đình tôi chủ yếu dựa vào vườn tiêu, giờ tiêu bị bệnh chết dần nên gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Cây tiêu có thời gian trồng, chăm sóc đến khi thu hoạch kéo dài từ bốn đến năm năm nên việc phục hồi vườn tiêu mất rất nhiều thời gian. Tiêu chết, kinh tế gia đình tôi lâm vào hoàn cảnh khó khăn hơn bao giờ hết".
Chị Nguyễn Thị Hồng, ở xã Gio Sơn (Gio Linh) cho biết, vườn nhà chị có hơn 110 cây hồ tiêu, hàng năm cho thu nhập hơn 35 triệu đồng. Năm nay hồ tiêu đang vào vụ thu hoạch thì có hơn 35 cây bắt đầu có hiện tượng lá ngả màu vàng, thân héo. Thấy cây bị bệnh chị dùng vôi bột xử lý ở gốc cây nhưng cũng không chữa khỏi bệnh.
Còn ông Lê Quang Nga, ở xã Vĩnh Thành thì nói rằng: Hôm trước ra thăm vườn tiêu đang mùa ra trái, thấy tiêu xanh tốt và năm nay theo chu trình sinh trưởng của cây tiêu là năm được mùa, với 350 gốc tiêu dự định cho thu nhập gần 100 triệu đồng, nên ông khấp khởi mừng. Nhưng đùng một cái, hôm sau ra vườn thấy nhiều cây lá ngả màu vàng, héo thân và chết dần. Giờ vườn tiêu của ông chỉ còn hơn 60 gốc nhưng cũng đã có dấu hiệu nhiễm bệnh. Nhìn vườn tiêu mà ông không cầm được nước mắt...
Ông Nga cho biết thêm: “Dù biết giá cả tiêu hạt khá cao và ổn định nhưng do dịch bệnh diễn biến phức tạp và khó phòng trừ bệnh nên không chỉ gia đình tôi mà nhiều gia đình khác đang lưỡng lự khi quyết định nên tiếp tục trồng tiêu hay chuyển đổi cây trồng. Chúng tôi mong được các cấp, ngành liên quan hỗ trợ nhiều hơn nữa về nguồn giống, tập huấn phương pháp phòng trị bệnh thích hợp để yên tâm gắn bó với cây hồ tiêu truyền thống”.
Cán bộ khuyến nông xã Vĩnh Thành, Trần Văn Vinh, cho biết, toàn xã có hơn 95ha tiêu, trong đó có 75ha đã cho thu hoạch, 20ha trồng mới. Hiện nay, do dịch bệnh trên cây tiêu bùng phát mạnh nên trong tổng số diện tích tiêu của toàn xã ước tính ít nhất có hơn 30% diện tích mất trắng hoàn toàn. Hàng loạt vườn tiêu mới cho thu hoạch vài năm bị nhiễm bệnh chết đã gây thiệt hại lớn cho người dân. Chúng tôi luôn khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng tiêu và canh tác theo hướng bền vững nhưng tình hình dịch bệnh diễn biến bất thường nên người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Không chỉ cây tiêu của các gia đình trên bị nhiễm bệnh chết dần mà hiện có hàng trăm hộ dân trồng tiêu ở huyện Vĩnh Linh và Gio Linh đang gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Nhiều hộ gia đình có vườn tiêu bị bệnh nặng đã phá bỏ cây tiêu, tính đến phương án trồng mới phục hồi hoặc chuyển sang trồng các loại cây khác.
Trao đổi với chúng tôi về tình hình dịch bệnh trên cây hồ tiêu, ông Ngô Toàn Thắng, Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Vĩnh Linh cho biết, dịch bệnh trên cây hồ tiêu hiện diễn biến khá phức tạp. Thông thường, khi dịch bệnh đã lây lan và phát tán mạnh thì rất khó điều trị, chỉ khi phát hiện sớm và điều trị tích cực thì mới phần nào hạn chế được thiệt hại. Nếu phát hiện và điều trị muộn thì chắc chắn việc cứu vãn vườn tiêu là rất khó.
Trước tình hình dịch bệnh trên, Trạm Bảo vệ thực vật huyện yêu cầu các địa phương và người dân phải tích cực, chủ động phòng trừ dịch bệnh. Bên cạnh đó, Trạm khuyến cáo với người dân về việc phải thường xuyên phun thuốc để phòng cho cây tiêu trước khi dịch bệnh tấn công, đồng thời các hộ gia đình cần tăng cường công tác vệ sinh vườn tiêu, bổ sung thêm các loại phân bón để cây có đủ sức đề kháng chống chọi với dịch bệnh. Về mùa mưa phải bảo đảm việc thoát nước trong vườn để cây tiêu không bị ngập úng; thường xuyên theo dõi diễn biến các loại bệnh và nếu phát hiện dịch bệnh thì cần phải cách ly và tiêu hủy nhanh chóng, an toàn cây nhiễm bệnh để tránh lây lan trên diện rộng.
Để hạn chế sâu bệnh phát sinh và gây hại, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị chỉ đạo cán bộ tăng cường bám sát cơ sở, tập huấn kỹ thuật và hướng dẫn nông dân chăm sóc, làm cỏ, cắt tỉa cành già, cành sâu bệnh, cành sát mặt đất, bón phân cân đối, đầy đủ, phun bổ sung phân qua lá nhằm hạn chế hiện tượng rụng quả. Tùy theo mức độ bệnh chết nhanh cần tiến hành xử lý bằng các loại thuốc bảo vệ thực vật như Ridomil God 68 WP, Vimon, các loại thuốc trừ tuyến trùng như Vifuran, Carbosulpha, Fungan, Agrifos 400... Điều quan trọng nông dân cần chú ý là việc quy hoạch, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho vườn tiêu phải được quan tâm đúng mức, tiến hành thường xuyên, không nên để đến khi bệnh gây hại nặng mới tiến hành xử lý thì hiệu quả trị bệnh mang lại không cao, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả sản xuất tiêu...
Hồ tiêu là cây công nghiệp dài ngày cho giá trị kinh tế cao, được trồng từ lâu trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 2.000 ha hồ tiêu, trồng tập trung ở các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Hướng Hóa và Đa Krông... Trước đây, nhiều hộ gia đình có thu nhập lên đến hàng chục triệu đồng/năm từ cây hồ tiêu. Để vườn cây hồ tiêu mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương ở tỉnh Quảng Trị cần sớm có giải pháp hữu hiệu trong phòng chống dịch bệnh gây hại bảo vệ cây trồng nhằm khôi phục và phát triển vườn hồ tiêu có từ lâu đời trên địa bàn.
Related news
Cụ thể, các thôn Voòng, A banh 2: 20 ngàn cây; thôn Dầm 1: 18 ngàn cây; thôn A riêu, A chua, Dầm 2: 16 ngàn cây; A banh 1: 14 ngàn cây. Ngay sau khi được nhận cây giống, chính quyền địa phương sẽ trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật trồng, cách chăm sóc cũng như giám sát việc thực hiện trồng giống cây này theo đúng quy trình.
Đây là một trong những hoạt động nằm trong chiến dịch thanh niên tình nguyện hè năm 2014 của Huyện đoàn Tây Giang. Trong 3 ngày, hơn 50 đoàn viên thanh niên niên cùng với người dân bản địa đã tiến hành phát quang bụi rậm, cuốc đất, dọn cỏ… trên diện tích 6ha để chuẩn bị trồng lúa nước trong thời gian sắp tới.
Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn vừa phối hợp với Tổng công ty Tín Nghĩa triển khai dự án quy hoạch cánh đồng mẫu lớn với cây cà phê tại huyện Xuân Lộc. Toàn huyện hiện có 1.250 hécta cây cà phê. Năng suất trung bình còn thấp, chỉ đạt gần 26 tạ/hécta/vụ do sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, kỹ thuật canh tác lạc hậu.
Trong khuôn khổ Dự án "Cải thiện sức chống chịu với biến đổi khí hậu vùng ven biển Việt Nam, Campuchia và Thái Lan", chiều ngày 05-8, tại xã An Thạnh 3 (huyện Cù Lao Dung) Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức buổi ra mắt mô hình bảo vệ nghêu bố mẹ.
Đồng Nai hiện có 89 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, trong đó 80% hoạt động yếu, kém. Nhưng ngay cả các HTX hoạt động hiệu quả cũng chủ yếu ở lĩnh vực đầu tư sản xuất; còn lĩnh vực dịch vụ, kinh doanh để tìm đầu ra cho nông sản hầu như chưa có.