Tiếp Vốn Người Nuôi Cá

Với 500 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) của T.Ư Hội NDVN cho vay để thực hiện dự án nuôi cá nước ngọt, nhiều hộ nuôi cá ở xã Phú Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa đã đầu tư mua con giống, mở rộng ao nuôi...
Phong trào nuôi cá nước ngọt ở xã Phú Lộc đã có cách đây hơn 10 năm. Tuy nhiên, do giá cá giống, chi phí mua thức ăn leo thang; mặt khác sau mỗi vụ nuôi phải cải tạo lại ao nên nhiều hộ vốn hạn hẹp, đang trong tình trạng nuôi cầm chừng.
Vốn đến đúng lúc
Là một trong những hộ nuôi cá nước ngọt đầu tiên ở Phú Lộc, có nhiều kinh nghiệm trong nghề, nhưng vài năm trở lại đây do thiếu vốn đầu tư nên anh Lường Văn Tuyến (thôn Trước), đứng trước nguy cơ để treo 0,5ha.
Anh Tuyến chia sẻ: “Mấy năm trở lại đây, gia đình tôi nuôi cá hầu như không có lãi. Với các loại cá truyền thống thả nuôi như chép, trắm, trôi... tiền đầu tư cũng phải 200-300 triệu đồng. Chi phí thức ăn cho cá ngày một tăng nên lời lãi chẳng được bao nhiêu”.
Để có tiền duy trì ao cá, anh nuôi chim bồ câu. Vì theo anh Tuyến, nuôi chim bồ câu số vốn bỏ ra không nhiều mà thu nhập cũng đáng kể. “Đang lúc vướng mắc thì tháng 3.2012 tôi được Quỹ HTND cho vay 20 triệu đồng. Có thêm vốn, tôi sửa sang lại bờ bao quanh ao, mua thêm thức ăn “vỗ béo” cho đàn cá”. Được tiếp vốn, năng suất cá của gia đình anh tăng lên đáng kể, theo đó tiền bán cá cũng tăng theo. Tiền bán cá, anh đầu tư thêm nuôi lợn, vừa để bán, vừa lấy phân nuôi cá. Năm 2013, thu từ cá, lợn trên 70 triệu đồng; dự kiến năm nay sẽ cao hơn.
Bình xét công khai
Ông Trịnh Công Kiều - cán bộ phụ trách Quỹ HTND Hội ND huyện Hậu Lộc cho biết: “Xã Phú Lộc có 434ha đất canh tác của xã thì 46,1ha nuôi cá nước ngọt. Đứng trước tình trạng nhiều ND có tâm lý bỏ ao vì thiếu vốn, nếu không kịp thời tiếp vốn e rằng nghề nuôi cá ở đây sẽ mai một. Sau khi Hội ND tỉnh triển khai kế hoạch cho vay vốn nguồn Quỹ HTND để phát triển sản xuất, chăn nuôi, Hội ND huyện chủ trương phân bổ vốn vay cho xã Phú Lộc để giúp các hộ có điều kiện duy trì và phát triển nghề nuôi cá”.
Ông Kiều cho hay: “Hiện tổng nguồn vốn từ Quỹ HTND của xã là 724 triệu đồng. Ngoài dự án 500 triệu của T.Ư Hội đầu tư nuôi cá nước ngọt ở xã Phú Lộc, số tiền còn lại chủ yếu đầu tư cho các hộ phát triển sản xuất rau màu ngắn ngày như ngô, khoai, lạc...
Cũng theo ông Kiều, để nguồn vốn sử dụng có hiệu quả, sau khi triển khai dự án, Hội ND huyện giao cho Hội ND xã bình xét các hộ ND đủ điều kiện vay vốn. Sau đó, lập ra các ban điều hành tiến hành giải ngân nguồn vốn. Đồng thời trong thời gian triển khai dự án, Hội ND sẽ tiến hành kiểm tra, giám sát ở cơ sở, đảm bảo vốn vay đến đúng đối tượng và sử dụng đúng mục đích, có như vậy ND mới tăng thu nhập.
Anh Nguyễn Văn Khoa, thôn Xuân Yên, được vay 30 triệu đồng từ Quỹ HTND chia sẻ: “Nếu cứ bám lấy 1ha nuôi cá không có lãi này thì gia đình tôi không biết lấy gì mà ăn. Tôi đang tính bỏ ao, thì may mắn được Quỹ HTND tiếp vốn kịp thời. Có vốn, tôi mua thức ăn cho cá, cải tạo ao nuôi... Cá sống khỏe thì mình cũng khỏe. Nhờ vậy thu nhập của gia đình tôi cũng tăng thêm đáng kể”.
Related news

Từ vụ lúa Hè thu năm 2011, tỉnh Trà Vinh đã triển khai thực hiện mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” (CĐML) ở địa bàn các huyện: Châu Thành, Tiểu Cần, Cầu Kè, Trà Cú và Cầu Ngang, với tổng diện tích hơn 2.700 hec-ta (ha); trong đó, diện tích mỗi mô hình từ 300 - 500ha. Qua các vụ sản xuất cho thấy, để CĐML ngày càng được mở rộng thì vấn đề đặt ra là giữa các “nhà” cần tạo dựng niềm tin lẫn nhau thì mô hình mới thật sự bền vững và lan rộng.

Ngày 21.6, tại xã Hoài Thanh Tây, Ban quản lý Dự án sinh kế nông thôn bền vững tỉnh phối hợp với UBND huyện Hoài Nhơn đã tổ chức hội thảo tổng kết mô hình thâm canh, phòng trừ bọ cánh cứng hại dừa.

Với hơn 30 công ruộng, nhà lại ít người làm, nên hầu như vụ nào, gia đình ông Trần Din ở ấp Trà ông, xã Viên Bình, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng cũng phải tốn rất nhiều chi phí mướn nhân công, từ khâu gieo sạ, cấy dặm, bón phân đến phun thuốc bảo vệ thực vật cho lúa.

Với diện tích trên 21.000 ha, tổng sản lượng hàng năm đạt trên 400.000 tấn, Bình Thuận là tỉnh dẫn đầu cả nước về sản xuất và xuất khẩu thanh long. Hiện nay, bằng phương pháp chong đèn kích thích ra hoa rải vụ nên người dân đã chủ động được thời gian thu hoạch, cung cấp cho thị trường quanh năm.

Lấy quy luật giá trị để điều chỉnh sản xuất là một cách nghĩ khôn ngoan. Sản xuất ngô tại miền Bắc đang vấp phải thực trạng là vùng đồng bằng diện tích giảm sâu còn vùng núi diện tích lại tăng nóng.