Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Tiếp Cận Nhiều Chính Sách Hỗ Trợ

Tiếp Cận Nhiều Chính Sách Hỗ Trợ
Publish date: Thursday. November 14th, 2013

Trong những năm gần đây, nghề khai thác hải sản của ngư dân Bà Rịa – Vũng Tàu đã có sự phát triển về tổ chức sản xuất. Đặc biệt, mô hình đánh bắt theo tổ đội, tàu đoàn đã góp phần làm giảm bớt chi phí sản xuất, tăng chất lượng sản phẩm sau đánh bắt.

Đi biển có đôi

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có bờ biển dài 156,4 km. Diện tích vùng đặc quyền kinh tế biển tỉnh khoảng 297.000 km2 với 661 loài cá, 35 loài tôm, 23 loài mực, trữ lượng hải sản có khả năng khai thác hàngnăm trên dưới 250.000 tấn. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã trở thành một trong những trung tâm nghề cá lớn của cả nước, được thể hiện trên cả bốn lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, chế biến và dịch vụ hậu cần thủy sản. Riêng đội tàu khai thác của tỉnh phát triển mạnh cả về số lượng lẫn công suất. Số lượng tàu thuyền toàn tỉnh hiện tăng lên 6.749 chiếc/817.503 CV. Trong đó, tàu đánh bắt xa bờ có 2.684 chiếc/707.651CV.

Cho đến nay, toàn tỉnh thành lập được 73 tổ đội khai thác thủy sản trên biển (mỗi tổ đội trung bình có khoảng 10 tàu cá) cùng giúp nhau trong quá trình khai thác trên biển như bảo vệ tính mạng, tài sản trên biển. Các tàu cá này còn giúp nhau vận chuyển sản phẩm khai thác vào bờ, vận chuyển nhiên liệu, lương thực thực phẩm ra ngư trường khai thác nhờ đó giảm được chi phí chuyển biển, tăng chất lượng sản phẩm do giảm được thời gian bảo quản sản phẩm trên biển. Phần lớn ghe tàu đã được trang bị đồng bộ máy móc tiên tiến, hiện đại như máy tầm ngư, máy định vị, máy đo độ sâu, vô tuyến điện tầm xa... Hiện nay, 100% tàu cá của tỉnh đã được trang bị thiết bị thông tin liên lạc nên thông tin từ đất liền và tàu cá được bảo đảm và thông suốt.

Chủ ghe Phạm Văn Minh (7/1, Trần Hưng Đạo, TP.Vũng Tàu) cho biết, nhà ông có 7 chiếc ghe đánh bắt ở vùng biển xa bờ. Càng đi đánh bắt vùng biển xa bờ, càng cần phải có sự hỗ trợ, hợp tác với nhau. Nhờ có tổ đoàn kết đánh bắt, những tàu được ít cá mà muốn bám biển thêm dăm ngày nữa thì chủ ghe gom gởi hải sản cho tàu bạn đem về trước. Ghe tàu khác khi quay ra có thể tiếp tế cho tàu ngoài khơi thêm dầu, nước đá, gạo, rau… đủ để bám trụ chờ đợt cá mới, gỡ lại chi phí xăng dầu. “Không phải tự nhiên mà ông bà mình dạy đi biển có đôi. Bởi vì, khi gặp sự cố về máy móc hay có thành viên bị đau ốm đột xuất, thì mình phải nhờ tới anh em giúp đỡ. Bây giờ thì ngư dân tụi tôi còn có được sự trợ giúp của lực lượng biên phòng đang làm nhiệm vụ tuần tra canh gác vùng biển nữa. Nên lúc cần bảo vệ ngư trường đánh bắt, bảo vệ vùng biển quê nhà thì, các thành viên của tổ đoàn kết đánh bắt sẵn sàng tập hợp lực lượng: Mỗi ngư dân khi đánh bắt xa bờ đều xác định đó là nhiệm vụ của mình”, ông Minh khẳng định.

Tăng cường thiết bị thông tin, liên lạc

Vừa trao đổi qua điện thoại với chồng lúc anh đang trên tàu ra đến vùng biển Côn Sơn, chị Nguyễn Thị Kim Loan (462/2A, Trần Phú, phường 5, TP.Vũng Tàu), đặt máy xuống, hào hứng kể: “Đó, ảnh vừa nói còn vài chục hải lý nữa là tới chỗ câu cá ngừ rồi! Hồi xưa thì đưa xuống ghe là đưa, tới khi nào về tới bến mới hay là về. Còn bây giờ đi tới đâu biết tới đó. Có điện thoại liên lạc thông suốt, có máy nhắn tin, có máy tầm ngư, có camera của Nhà nước báo vị trí đánh bắt. Nhờ vậy cần hỗ trợ gì là mình báo về trung tâm (hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh - PV) rồi Nhà nước cho lực lượng ra giúp”.

Chủ ghe Võ Thuận (ấp Tân Lập, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) cũng cho biết, tàu cá của ông vừa được Đài Thông tin duyên hải Vũng Tàu phối hợp với Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh lắp đặt thiết bị kết nối định vị vệ tinh. Hiện nay đã có tổng cộng 270 tàu cá của ngư dân trên địa bàn tỉnh được lắp đặt thiết bị này. Đây là chương trình thuộc dự án lắp đặt thiết bị kết nối định vị vệ tinh cho tàu cáđược Chính phủ Pháp tài trợ cho Việt Nam bằng nguồn vốn ODA. Mục tiêu của dự án là hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý nghề cá hiện đại, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành thủy sản; quản lý các hoạt động khai thác hải sản hiệu quả và an toàn, bảo đảm trật tự, an ninh và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên các vùng biển. Ông Thuận nói: “Thiết bị này trợ giúp rất nhiều cho ngư dân trong việc nâng cao tính an toàn của ghe tàu khi đánh bắt cá trên biển. Đưa ra các cảnh báo về điều kiện thời tiết, các nguy cơ tiềm ẩn, giúp các tàu cá xử lý tốt hơn các tình huống nguy hiểm, nhất là trong việc phối hợp tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên biển”.

Ông Nguyễn Hữu Chung, Trưởng phòng Quản lý thủy sản, Sở Nông Nghiệp & Phát triển nông thôn cho hay, thực hiện chính sách hỗ trợ ngư dân theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg ngày 13-7-2010 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng và dịch vụ khai thác hải sản trên vùng biển xa, từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ 5,7 tỷ đồng cho ngư dân đánh bắt xa bờ. Trong đó, hỗ trợ chi phí nhiên liệu 4,9 tỷ đồng, bảo hiểm thân tàu 116, 8 triệu đồng, bảo hiểm tai nạn thuyền viên 77,4 triệu đồng, hỗ trợ mua máy thông tin liên lạc có tích hợp thiết bị định vị vệ tinh (GPS) 252 triệu đồng, hỗ trợ lắp đặt máy thông tin liên lạc trạm bờ 337 triệu đồng.

Các chính sách hỗ trợ cho ghe tàu đánh bắt xa bờ là một chủ trương lớn, kịp thời, hợp lòng dân. Cộng với phương pháp tổ chức, triển khai thực hiện hợp lý của các Sở, ban, ngành và các địa phương, chính sách này đã tạo được niềm tin của bà con ngư dân bám biển, giữ vững ngư trường. Sự hiện diện của tàu cá và ngư dân tại đây cũng góp phần vào việc gìn giữ chủ quyền an ninh trên biển và cũng khẳng định tính hiệu quả của các chính sách được ban hành”, ông Chung nhận định.

Tính đến 30-6-2013, cả nước đã hỗ trợ ngư dân tham gia hoạt động khai thác trên vùng biển xa với tổng kinh phí khoảng 760 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ chi phí nhiên liệu 630 tỷ đồng, hỗ trợ bảo hiểm 10 tỷ đồng, hỗ trợ máy thông tin liên lạc gần 70 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng 15 trạm bờ với kinh phí gần 5,5 tỷ đồng, 15.298 thuyền viên được hỗ trợ bảo hiểm tai nạn thuyền viên…


Related news

Bảo tồn và nỗi lo sinh kế của ngư dân Bảo tồn và nỗi lo sinh kế của ngư dân

Trước thực trạng hệ sinh thái biển ở Quảng Ngãi đang bị suy giảm nghiêm trọng, mới đây Dự án Khu bảo tồn biển Lý Sơn – một trong 16 khu bảo tồn biển của Việt Nam đã được UBND tỉnh thông qua và đang xúc tiến thực hiện sẽ mở ra cơ hội phát triển bền vững.

Thursday. October 15th, 2015
Thay áo mới cho tàu biển Thay áo mới cho tàu biển

Những con tàu lớn sau nhiều hải trình chở dầu thô từ mỏ Bạch Hổ về Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã được đưa vào bờ sửa chữa, bảo trì máy móc, vỏ tàu. Ngày mai, dặm dài lướt trên mặt biển sẽ nhanh hơn, an toàn hơn nhờ “chiếc áo mới” ấy...

Thursday. October 15th, 2015
An Lão tổng kết mô hình nuôi gà thả vườn an toàn sinh học An Lão tổng kết mô hình nuôi gà thả vườn an toàn sinh học

Ngày 14.10, Trạm Khuyến nông huyện An Lão đã tổ chức tổng kết “Mô hình nuôi gà thả vườn an toàn sinh học” triển khai tại Thôn 1, Thôn 2 và Thôn 4, xã An Hưng.

Thursday. October 15th, 2015
5 năm phát triển nông nghiệp, nông thôn nhiều thành tựu đáng ghi nhận 5 năm phát triển nông nghiệp, nông thôn nhiều thành tựu đáng ghi nhận

Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp thiết thực, sản xuất nông nghiệp (SXNN) tỉnh ta thời gian qua đã có bước phát triển khá toàn diện; bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới; đời sống vật chất và tinh thần của nông dân được cải thiện.

Thursday. October 15th, 2015
Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2015 Phan Kiếm Hiệp lão nông được nhận Huân chương Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2015 Phan Kiếm Hiệp lão nông được nhận Huân chương

Ông Phan Kiếm Hiệp (65 tuổi) ở thôn 4, xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ, vừa được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn là 1 trong 63 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2015.

Thursday. October 15th, 2015