Home / Tin tức / Tin thủy sản

Tiên Yên (Quảng Ninh) phấp phỏng nỗi lo tôm chết

Tiên Yên (Quảng Ninh) phấp phỏng nỗi lo tôm chết
Author: Phạm Tăng
Publish date: Thursday. June 23rd, 2016

Chồng chất nỗi lo

Chúng tôi có mặt tại khu nuôi tôm tập trung thôn Hà Tràng Đông (xã Đông Hải) vào đầu tháng 6, trời nắng như đổ lửa. Dù đang bước vào đầu vụ tôm xuân - hè nhưng nhiều đầm tôm tại đây vẫn đang bị “treo ao” trơ đáy nằm phơi nắng ngoài trời.

Theo những hộ nuôi tôm ở đây, tranh thủ thời tiết nắng, nhiều hộ đã cho tổng vệ sinh, khử trùng lại những ao nuôi tôm bị chết do nhiễm bệnh. Tôm có hiện tượng chết từ đầu tháng 5 vừa qua. Lúc đầu chỉ có vài hộ nuôi bị ảnh hưởng, sau đó dịch bệnh lây lan rộng ra 14 hộ nuôi với hơn 9/26ha tôm nuôi bị nhiễm bệnh. Hầu hết tôm chết đang trong giai đoạn nuôi được 25 - 40 ngày (tôm nuôi 60 ngày có thể thu hoạch).

Không chỉ thôn Hà Tràng Đông mà các vùng nuôi tôm khác tại 2 thôn Cái Khánh, Khe Cạn (xã Đông Hải) đều xảy ra tình trạng tương tự. Đến nay, số lượng tôm chết cả xã lên tới hơn 23 triệu con với gần 31ha (diện tích nuôi tôm cả xã là 101ha), trong đó có 52 hộ bị ảnh hưởng.

Anh Phạm Văn Bông, một hộ nuôi tôm ở thôn Hà Tràng Đông, cho biết: “Vụ tôm này, dịch bệnh làm nhiều hộ quanh đây bị ảnh hưởng nặng nề. Nhà tôi có 10/13 ao (gần 2,5ha) tôm bị nhiễm bệnh chết. Số ao có tôm chết đều thả nuôi được từ 25 - 30 ngày. Gia đình tôi và nhiều hộ nuôi tôm ở đây đang rất hoang mang, nếu tình hình thời tiết nắng nóng bất ổn như thế này không biết 3 ao tôm còn lại có trụ được đến lúc thu hoạch?”.

Giống như các hộ nuôi tôm ở xã Đông Hải, hơn 40 hộ nuôi tôm ở xã Đông Ngũ cũng đang “phập phồng” nỗi lo tôm bị nhiễm bệnh và chết. Vụ xuân - hè này, gia đình anh Đặng Văn Minh (thôn Xán Xế Đông, xã Đông Ngũ) đầu tư hơn 400 triệu đồng thả nuôi hơn 50 vạn con tôm giống trong 4 ao nuôi tập trung, tổng diện tích hơn 8.000m2.

Tôm thả từ cuối tháng 4-2016, đến giữa tháng 5 thì tôm bắt đầu bị dịch. Đến nay, 2 ao tôm của gia đình anh đã bị chết, thiệt hại hơn 200 triệu đồng. Hiện gia đình đang trông chờ vào 2 ao tôm còn lại nhằm gỡ gạc ít vốn. Nhưng anh như đang “ngồi trên đống lửa” vì vài ngày lại nghe tin các đầm bên cạnh có tôm chết. “Nói thật nuôi con tôm siêu lợi nhuận, nhưng nhiều rủi ro lắm. 3 năm gần đây, tôm thường hay mắc bệnh và chết khiến nhiều hộ nuôi tôm lao đao.

Năm nay, dù mới bước vào đầu mùa nhưng do thời tiết bất thường, nắng nóng, mưa nhiều khiến sức đề kháng của con tôm kém, tôm dễ bị bệnh. Cứ đà này, không biết gia đình tôi còn vốn để nuôi tôm tiếp hay không” - anh Minh buồn rầu nói.

Xử lý tận gốc mầm bệnh

Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Tiên Yên, vụ xuân - hè năm nay, toàn huyện đăng ký thả nuôi hơn 1.200ha tôm. Đến nay, có 361/578 hộ thả nuôi 146 triệu con giống (chủ yếu là tôm thẻ chân trắng, tôm sú) với tổng diện tích trên 900ha. Từ cuối tháng 4 đến nay đã có 38,75ha tôm bị nhiễm bệnh, làm chết trên 28 triệu con tôm; tập trung nhiều ở 3 xã: Đông Hải (30,85ha), Đông Ngũ (7,6ha), Hải Lạng (0,3ha). Ngay sau khi xảy ra việc tôm nuôi có dấu hiệu bệnh chết, cơ quan chức của huyện đã phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tiến hành kiểm tra, xét nghiệm, xác định nguyên nhân tôm chết là do bệnh hoại tử gan tụy cấp tính.

Trên cơ sở đó, Phòng NN&PTNT đã chỉ đạo các hộ nuôi tôm khoanh vùng dịch, nhanh chóng đóng chặt các cống ao đầm không được lấy nước ra vào và dùng hoá chất xử lý triệt để mầm bệnh. Trước đó, tháng 4-2016, Phòng đã cấp phát hơn 10 tấn chlorine (xử lý diệt khuẩn trong nước) cho các hộ nuôi tôm để chủ động phòng, chống dịch bệnh.

Huyện còn đẩy mạnh tuyên truyền để người nuôi tôm hiểu rõ nguyên nhân tôm chết và cách xử lý dịch, nhằm tránh lây lan. Huyện cũng khuyến cáo nông dân không tiếp tục xuống giống, nên ủi và phơi ao để hạn chế mầm bệnh phát triển; kiểm tra chặt chẽ môi trường nước bên ngoài trước khi lấy vào ao nuôi và tuyệt đối tuân thủ theo lịch thời vụ của địa phương.

Khó khăn hiện nay là thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng, có những ngày mưa lớn, lượng nước ngọt vào ao nuôi nhiều, làm giảm sức đề kháng của con tôm. Ngoài ra, việc phát hiện và xử lý ao bệnh của một số hộ nuôi chưa kịp thời, cách xử lý nguồn nước nhiễm bệnh còn chưa hiệu quả, một số hộ khi xử lý xong đã nhanh chóng tự ý thả tôm giống nuôi lại...

Đây là nguyên nhân khiến dịch bệnh có thể bùng phát, nguy cơ lây lan diện rộng. Vì thế để dập dịch triệt để, cần phải xử lý tận gốc.


Related news

Việt Nam - Micronesia tăng cường hợp tác về thủy sản Việt Nam - Micronesia tăng cường hợp tác về thủy sản

Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Vũ Văn Tám dẫn đầu vừa sang thăm và làm việc tại Liên bang Micronesia nhằm tăng cường hợp tác về thủy sản.

Thursday. June 23rd, 2016
Để cá tra xứng danh mặt hàng chiến lược Để cá tra xứng danh mặt hàng chiến lược

Ngày 22/6, tại Đồng Tháp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám trụ trì Hội nghị “Định hướng phát triển bền vững ngành hàng cá tra trước yêu cầu hội nhập quốc tế”.

Thursday. June 23rd, 2016
Truyền thông tác động đến nông nghiệp cũng như thời tiết Truyền thông tác động đến nông nghiệp cũng như thời tiết

Doanh nhân nói chung và doanh nhân nông nghiệp nói riêng cũng cần vai trò của truyền thông, tác động của truyền thông để thúc đẩy phát triển sản xuất.

Thursday. June 23rd, 2016