Để cá tra xứng danh mặt hàng chiến lược
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết: Cá tra là mặt hàng chiến lược thế mạnh của Việt Nam, nhưng số phận con cá tra rất lận đận.
Thành tựu cũng có, nhưng yếu kém còn tồn tại rất nhiều. Để đáp ứng nhu cầu thực tế, chúng ta cần ngồi lại với nhau tìm hướng đi để cá tra xứng danh mặt hàng chiến lược quốc gia.
Theo Vụ Hợp tác Quốc tế, kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2015 đạt 1,6 tỷ USD, tỷ trọng trong xuất khẩu ngành thủy sản chiếm 24,35%. Tốc độ tăng trưởng giảm 10% so với năm 2104. Thị trường chính là EU, Mỹ, ASEAN, Brazil...
Nói về những thách thức cá tra đang phải đối mặt, ông Phạm Quang Huy, Phó trưởng phòng Hội nhập Quốc tế (Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ NN-PTNT) nêu một số điểm chính: Mặt hàng cá tra của ta hiện nay vẫn đảm bảo cạnh tranh nhưng vẫn phải lỗ lực cân bằng giữa cuộc chiến cạnh tranh giá và chống bán phá giá; Chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam chưa lành mạnh, sự liên kết lỏng lẻo; Tiêu chuẩn chất lượng là một thách thức lớn; Năng lực dự báo thị trường còn hạn chế…
Đưa ra giải pháp, ông Phan Thanh Lâm, Trưởng phòng Quản lý Nghề cá và Phát triển NTTS bền vững (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 2) nhấn mạnh đến áp dụng công nghệ làm giảm giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm cá tra.
Đối với giống, cần nghiên cứu xây dựng quy trình ươm cá giống thâm canh chất lượng cao áp dụng công nghệ lọc tuần hoàn kết hợp với bio-floc. Đối với công nghệ nuôi cần có những cải tiến trong nuôi cá tra thâm canh như: Xây dựng công nghệ nuôi cá tra thâm canh bằng hệ thống tuần hoàn; bổ sung sục khí bằng hệ thống đĩa khí; áp dụng công nghệ quét thủy âm và tự động hóa…
Đại diện Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (Cty Vĩnh Hoàn), ông Huỳnh Đức Trung, Phó Tổng giám, phân tích: Khó khăn lớn nhất đối với con cá tra của ta hiện nay là truyền thông nước ngoài đang tập trung vào những thông tin không tốt, làm xấu hình ảnh con cá tra của ta.
Một trong những giải pháp hữu hiệu để phát triển bền vững con cá tra là phải áp dụng KH-CN
Trong khi, phản ứng của mình chưa đủ mạnh, làm thị trường xuất khẩu yếu dần. Các doanh nghiệp thì không lo đương đầu với thách thức, lại quay về đấu đá, cạnh tranh thiếu lành mạnh với nhau và làm chất lượng sản phẩm tiếp tục giảm sút.
Để khắc phục những thực trạng đang tồn tại, đại diện Cty Vĩnh Hoàn cho rằng, phải có chiến lược phát triển thị trường đi theo hệ thống, có sự chỉ đạo từ trên xuống dưới. “Đề nghị cho chủ trương thành lập quỹ phát triển hình ảnh cá tra và hình thành liên minh doanh nghiệp cá tra có chất lượng cao”, ông Huỳnh Đức Trung nói.
Chốt các giải pháp phải thực hiện, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám nhấn mạnh: Từ giống, thức ăn, quy trình nuôi đến chế biến đều cần đột phá bằng KH-CN. Phải tổ chức lại sản xuất trên mô hình liên kết chuỗi, có những chính sách phù hợp cho những mô hình này hướng tới giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh.
Thứ trưởng tán thành đề nghị phát triển theo hướng hình thành liên minh các doanh nghiệp chất lượng cao, gắn với đề án phát triển mặt hàng chiến lược Quốc gia.
“Trước mắt, phải giữ bằng được thị trường Mỹ. Chúng ta cần tăng cường đấu tranh, các doanh nghiệp phải quản lý chặt chẽ các mặt hàng xuất khẩu, tránh để xảy ra các tình trạng như vừa qua”, Thứ trưởng Vũ Văn Tám.
Related news
Cá ngừ đại dương hiện dao động 88.000 - 90.000 đồng/kg, giảm 10.000 - 12.000 đồng/kg so với các tháng trước có lẽ đang là câu chuyện “nóng” của ngư dân Nam Trung Bộ. Doanh nghiệp cho rằng đã cố “níu giá” cho ngư dân nhưng vì chất lượng cá quá thấp.
Những năm qua ngư dân tỉnh Bình Định đã tự tạo sức mạnh trên biển bằng cách thành lập nhiều tổ đội đoàn kết khai thác thủy sản để hỗ trợ nhau...
Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Vũ Văn Tám dẫn đầu vừa sang thăm và làm việc tại Liên bang Micronesia nhằm tăng cường hợp tác về thủy sản.