Tiên Yên (Quảng Ninh) Bảo Vệ Môi Trường Vùng Nuôi Trồng Thuỷ Sản

Hầu như năm nào, các hộ nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn huyện Tiên Yên cũng đều phải đối mặt với dịch bệnh trên tôm nuôi. Đơn cử, tháng 7-2014, trên 200 hộ nuôi tôm với diện tích trên 350ha ở xã Hải Lạng và Đông Ngũ đã bị chết do dịch bệnh. Ngoài những nguyên nhân khách quan do thời tiết, khí hậu còn có nguyên nhân chủ quan từ phía các chủ đầm trong việc vệ sinh môi trường khu vực nuôi trồng thuỷ sản chưa tốt.
Sau đợt tôm dịch bệnh, lẽ ra phải có biện pháp cải tạo môi trường nhưng người dân vẫn tiếp tục thả giống bổ sung dẫn đến dịch bệnh không được xử lý triệt để, dễ tái phát, lây lan, ảnh hưởng đến chất lượng nuôi trồng thuỷ sản của các hộ dân.
Để ngăn ngừa dịch bệnh, huyện Tiên Yên đã có nhiều biện pháp quyết liệt trong việc cải tạo vùng ao nuôi bị bệnh và bảo vệ môi trường vùng nuôi lân cận. Huyện đã tổ chức khuyến cáo và hướng dẫn, giám sát chặt chẽ các hộ có tôm bị nhiễm dịch bệnh đóng chặt cống ao nuôi, không lấy nước ra vào ao nuôi, không thả bổ sung giống.
Đối với những diện tích bị nhiễm dịch bệnh, huyện đã chỉ đạo các hộ nuôi trồng thuỷ sản không tiếp tục thả giống, dừng việc nuôi trồng, kết quả vụ hè thu vừa qua 100% diện tích bị nhiễm dịch bệnh đã dừng nuôi. Hiện, số diện tích ao nuôi tôm bị dịch bệnh trên địa bàn xã Hải Lạng chỉ còn duy nhất 8 hộ nuôi tôm công nghiệp với hệ thống cấp thoát nước quy mô, hoàn chỉnh là còn hoạt động.
Theo định hướng của huyện, tiếp sau vụ tôm hè thu này, vùng nuôi tôm Hải Lạng vẫn tiếp tục dừng nuôi để dành thêm thời gian cải tạo môi trường nuôi. Bên cạnh đó, ngay sau xác minh nguyên nhân tôm chết, huyện Tiên Yên cũng đã cấp phát ngay trên 5.500kg hoá chất VICATO (chất xử lý môi trường nuôi trồng thuỷ sản) để cải tạo các ao nuôi.
Trước đó, huyện Tiên Yên cũng đã nghiêm khắc xử phạt Công ty CP Đại dương xanh, một đơn vị đầu tư nuôi tôm tại xã Đông Ngũ vì vi phạm thả nuôi sứa đỏ với diện tích 60ha trong vùng quy hoạch nuôi tôm.
Đây là hành động nuôi thả trái phép vì sứa đỏ không nằm trong danh mục đối tượng nuôi trong vùng quy hoạch và có khả năng gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới các vùng nuôi xung quanh. Do đó huyện Tiên Yên đã phạt hành chính Công ty CP Đại dương xanh 50 triệu đồng và buộc đơn vị này tiêu huỷ toàn bộ số sứa đã thả, thực hiện các giải pháp cải tạo nguồn nước cho đến khi phân tích mẫu nước không bị ô nhiễm, đủ điều kiện xả thải tới các hộ dân trong khu vực nuôi thì mới được tiếp tục hoạt động.
Anh Bùi Công Phước, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiên Yên, cho biết: Đây là mức phạt cao và bao gồm các điều kiện cải tạo môi trường rất chặt chẽ mà huyện Tiên Yên làm từ trước đến nay. Được biết, Công ty CP Đại dương xanh đã phải thực hiện đúng yêu cầu của huyện, hiện nay các khu vực nuôi trồng thuỷ sản của Công ty đã đạt tiêu chuẩn về môi trường.
Ngoài ra, huyện Tiên Yên còn chủ động cấp phát hoá chất VICATO cho các hộ nuôi, thúc đẩy các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở vùng nuôi, đẩy nhanh quy hoạch các vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung… Chính nhờ đó môi trường vùng nuôi tôm Tiên Yên nói chung, vùng nuôi tôm Hải Lạng nói riêng đã bắt đầu được cải thiện, tiến tới đạt được những thông số an toàn. Vùng nuôi cá nước ngọt bao gồm trên 100ha hiện đã có hệ thống cấp thoát nước, thời điểm hạn hán cũng đảm bảo mức nước cấp vào ao nuôi đạt 1,2-1,5m, đáp ứng điều kiện nuôi. Môi trường của vùng nuôi cá biển, ngao, nuôi lồng bè ngoài cửa sông, biển ổn định, không bị ô nhiễm bởi chất thải công nghiệp.
Được biết, vừa qua, UBND tỉnh đã đồng ý xây dựng dự án đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi tôm tập trung tại xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên với quy mô đầu tư 1.000ha, bao gồm các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ nuôi trồng thuỷ sản. Hiện các đơn vị chức năng đang khảo sát xây dựng ranh giới đầu tư hệ thống thoát nước thải để đảm bảo an toàn dịch bệnh. Dự án này thuộc chương trình hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết 13 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế thuỷ sản Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
Nguồn bài viết: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/201411/tien-yen-bao-ve-moi-truong-vung-nuoi-trong-thuy-san-2249626/
Related news

Sáng 27/9, tại UBND xã Ninh Phú, thị xã Ninh Hòa, Tiểu Ban quản lý Dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (gọi tắt là CRSD) Khánh Hòa đã phối hợp với Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh tổ chức Hội thảo đầu bờ đánh giá kết quả nuôi tôm an toàn sinh học theo hướng VietGAP trên 4 ao nuôi tôm tại xã Ninh Phú.

Cồi điệp, sò lông chưa được xử lý nhiệt đúng yêu cầu cùng với sản phẩm có chứa độc tố Lipophilic là 2 lý do Liên minh châu Âu (EU) mới khuyến nghị Việt Nam ngưng xuất các sản phẩm nhuyễn thể hai mảnh vỏ trên. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến đời sống ngư dân Bình Thuận…

Bao đời nay, cư dân sống hai bên sông được hưởng lợi từ nguồn nước, giao thông và thủy sản từ dòng sông mang lại. Dọc theo các con sông đã hình thành các làng vạn chài, cuộc sống mưu sinh đánh bắt cá gắn chặt vào sông từ bao đời nay.

Xuất phát từ nhu cầu của thị trường, nhiều nông dân ở huyện Phước Long (Bạc Liêu) đã đầu tư vốn để phát triển mô hình chăn nuôi các loại động vật hoang dã. Điều này không chỉ góp phần làm giảm áp lực từ việc săn bắt, khai thác động vật hoang dã trong tự nhiên, mà còn nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nuôi.

Theo một số hộ dân nuôi cá bống tượng tại xã Tân Thành, TP. Cà Mau, tỉnh Cà Mau giá cá bống tượng thời điểm này năm trước chưa đến 200 ngàn đồng/kg, làm nhiều hộ nuôi khốn đốn.