Tiền Giang Xuất Hơn 12 Triệu Trứng Chim Cút Sang Nhật Bản

Ông Trần Nguyễn Hồ, chủ trang trại nuôi chim cút Nguyễn Hồ, xã Long An, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang cho biết, từ cuối năm 2013 đến nay, trang trại của ông phối hợp với Công ty cổ phần Rau quả Tiền Giang đã xuất sang Nhật Bản hơn 12 triệu trứng cút đóng lon, với giá cao hơn thị trường nội địa khoảng 20%.
Hiện nay, trung bình mỗi tháng, trang trại nuôi chim cút Nguyễn Hồ và Công ty cổ phần Rau quả Tiền Giang xuất khoảng 2 container với khoảng 2 triệu quả trứng cút đóng lon sang Nhật Bản.
Theo ông Hồ, đây là thành quả của 4 năm chuẩn bị của trang trại để đưa được trứng cút sang Nhật Bản, vốn là thị trường khó tính và đòi hỏi cao về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tiêu chuẩn phía Nhật Bản đặt ra rất nghiêm ngặt như trứng chim cút sau khi luộc xong lòng đỏ phải nằm giữa trứng (thay vì nằm lệch một bên) và không có dư lượng kháng sinh, trứng đóng lon sau khi mở ra sử dụng lòng đỏ không được có màng màu đen...
Ông Trần Nguyễn Hồ cho biết, tuy nhu cầu nhập khẩu trứng cút đóng lon của Nhật Bản rất lớn, nhưng hiện tại chỉ có trang trại Nguyễn Hồ là đủ điều kiện xuất trứng cút đóng lon sang thị trường này. Đặc biệt, một khi trứng cút của ông đã thâm nhập được thị trường khó tính như Nhật Bản coi như đã có “giấy thông hành” xuất khẩu sang thị trường các nước khác.
Ông Trần Nguyễn Hồ, chủ trang trại nuôi cút Nguyễn Hồ, xã Long An, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang được mọi người nể phục và phong cho biệt danh là “Vua cút” miền Tây, với mô hình nuôi chim cút theo quy mô trang trại công nghiệp, sạch và an toàn sinh học, đồng thời là điển hình về cách làm giàu theo hướng sản xuất hàng hóa ở địa phương.
Từ vài chục nghìn con chim cút đẻ ban đầu, đến nay, trang trại của ông đã có trên 60.000 con. Chim cút ở trang trại của ông được nuôi theo quy trình an toàn sinh học, hạn chế tối đa sử dụng thuốc kháng sinh. Hàng ngày, thức ăn, nước uống cho đàn chim cút đều có sổ sách ghi chép cẩn thận; việc phòng bệnh cho đàn cút được thực hiện bằng kháng sinh sinh học được chiết xuất từ thực vật.
Hiện tại, mỗi ngày trang trại Nguyễn Hồ cung cấp cho thị trường trên 100.000 trứng cút, chủ yếu tiêu thụ ở các tỉnh, thành trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh, với giá bán bình quân 350 đồng/trứng, ông thu về từ 1 đến 1,2 tỷ đồng/tháng.
Related news

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) vừa tổng kết công tác sản xuất lúa năm 2015 và triển khai kế hoạch sản xuất năm 2016. Theo đó, năm 2015, sản lượng lúa đạt cao nhất từ trước đến nay, với hơn 1,369 triệu tấn, tăng 42.791 tấn so với cùng kỳ và năng suất tăng 0,14 tấn/ha.

Trong thời gian gần đây, do giá gừng luôn ở mức cao, cùng với đầu ra dễ dàng nên nhiều hộ dân trong huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang đã chuyển sang trồng gừng.

Trung tâm Nghiên cứu và sản xuất dược liệu (NCSXDL) Miền Trung (thuộc Công ty TNHH Sản xuất thương mại (SXTM) Hồng Đài Việt) ở thôn Đa Ngư, xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa, đang trồng và bảo tồn hơn 20 loại cây dược liệu quý; trong đó nhiều loại có nguy cơ tuyệt chủng như xáo tam phân, cây mật nhân và đặc biệt là cây nhân sâm Phú Yên.

Sau gần 4 năm triển khai thực hiện, diện tích sản xuất theo cánh đồng lớn của tỉnh Cà Mau tăng đáng kể, đến nay trên 15.000 ha.

Theo Cục Trồng trọt, hiện nay cả nước có gần 11.800 ha ca cao, trồng nhiều nhất là tỉnh Bến Tre, gần 2.800 ha, thấp nhất là Gia Lai 9,6 ha.