Tiềm Năng Thủy Sản Ở Than Uyên (Lai Châu)
Hơn 110ha mặt nước nuôi trồng thủy sản đang được người dân ở các xã của huyện Than Uyên (Lai Châu) phát triển bằng nhiều hình thức và bước đầu đạt hiệu quả kinh tế. Tương lai của vùng đất này có thêm hướng thoát nghèo bền vững đó là nuôi trồng và mở rộng diện tích thủy sản.
Ai cũng biết đến Than Uyên với tiềm lực vượt trội là những cánh đồng lúa mênh mông trải dài, tuy nhiên đó vẫn là chưa đủ so với thổ nhưỡng, khí hậu và con người nơi đây. Lợi thế khai thác mặt nước là chủ trương của Đảng bộ huyện đang đặt ra trong mỗi nhiệm kỳ. Xét trên thực tế, hiện nay diện tích nuôi trồng thủy sản chỉ chiếm một phần nhỏ so với đất đai trên “cạn”. Hơn nữa, hầu hết người dân mới chỉ dừng lại ở quy mô hộ gia đình, chưa có tầm vươn xa.
Nhưng, nhìn về tương lai, huyện Than Uyên có thể đặt niềm tin việc mở rộng diện tích ao hồ nuôi, ươm cá của người dân. Bởi, thị trường trong tỉnh nói chung, huyện Than Uyên nói riêng đang rất hạn chế về các nguồn sản phẩm thủy sản. Có dịp tới một số xã như: Mường Kim, Hua Nà, Mường Cang, Ta Gia… chúng tôi càng tin vào tương lai rộng mở từ nghề nuôi trồng thủy sản.
Trước thời điểm mùa mưa bắt đầu khoảng hơn một tháng, rất nhiều người dân trong xã Mường Kim đã đầu tư hàng triệu đồng vào mua các loại cá giống về để thả trong ao của gia đình. Qua lời giới thiệu của ông Lường Văn Pâng - Bí thư Chi bộ bản Lướt, chúng tôi thấy hầu hết trong bản nhà nào cũng có một đến hai cái ao nuôi thả cá.
Ông Pâng cho biết: “Trước đây, chúng tôi chỉ nuôi cá để phục vụ cho gia đình, không ai nghĩ đến buôn bán gì cả. Nhưng vài năm trở lại đây, nuôi trồng thủy sản lại được xem là thị trường kinh doanh hấp dẫn, dễ sinh lợi nhuận nên mọi người chuyển đổi sang nuôi cá. Diện tích ao của gia đình tôi chỉ gần 500m2 với các loại cá: trắm, trôi, chép, rô…
Thời gian đầu thả cá giống, tôi cho ăn thêm cám viên loại to. Khoảng 2 - 3 tháng sau thì cho ăn cỏ voi. Thêm nữa gia đình còn tận dụng phân chuồng thải xuống để làm nguồn thức ăn cho cá rô phi đơn tính. Cứ như vậy, mỗi năm thu hoạch hai lần, mỗi lần thu nhập (trừ chi phí) đạt gần 20 triệu đồng.
Việc nuôi trồng thủy sản như nhà ông Pâng không còn là chuyện của vài hộ gia đình trong bản mà đã là chuyện quan tâm của cả bản. Vì nguồn thu nhập từ nuôi cá đem lại người dân có thể đầu tư phát triển kinh tế gia đình; mua sắm đầy đủ vật dụng phục vụ cho sinh hoạt như: xe máy, tivi, tủ lạnh…
Ngoài ra, một số xã nuôi cá theo mô hình lúa – cá, chủ yếu tập trung ở hai xã: Mường Than và Phúc Than. Do đây là những cánh đồng rất bằng phẳng, không nhấp nhô, rất thuận tiện cho việc nuôi cá kết hợp. Được biết, mô hình này được thực hiện thí điểm từ năm 2005 – 2006 tại xã Mường Than với 15ha ruộng lúa, với công thức sản xuất 2 vụ lúa kết hợp với nuôi cá rô phi đơn tính và cá chép lai. Sau một năm mô hình cho thu nhập rất cao (trên 40 triệu đồng/ha).
Từ mô hình thí điểm đó, đến nay đã nhân rộng và có 962 hộ ở 17 thôn, bản của 2 xã: Mường Than và Phúc Than thực hiện với 55ha. Thêm vào đó, cách làm này được đánh giá là một phương thức hỗ trợ nhau cùng phát triển: Cá ăn sâu bọ hại lúa, sục bùn, diệt cỏ dại và thải phân làm tốt lúa.
Bón phân cho lúa sẽ góp phần bổ sung thức ăn cho cá; đồng thời, khi thu hoạch, cá ăn thóc rơi vãi và rơm rạ mục. Vì vậy, so với ao nuôi cá thâm canh, mỗi ngày người dân chỉ cần bổ sung cám công nghiệp cho cá ăn một lần vào buổi sáng. Cá nuôi từ ruộng lúa do sử dụng thức ăn tự nhiên nên chất lượng thơm ngon, bán được giá.
Khả năng phát triển nuôi trồng thủy sản ở Than Uyên chính là ở khu vực lòng hồ thủy điện. Tiềm năng từ lòng hồ mang lại trong tương lai hứa hẹn nhiều thay đổi cho vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh. Bởi, chỉ gần 2 năm nay, khi thủy điện Huổi Quảng – Bản Chát đưa vào sử dụng, một bộ phận người dân đã biết tận dụng được từ nguồn thủy sản lòng hồ.
Nếu lòng hồ được đưa vào khai thác hợp lý theo nhiều hình thức nuôi trồng thủy sản thì ắt hẳn đó là lợi thế “đổi đời” của bà con vùng tái định cư. Tiềm năng cần được khai thác, lợi thế cần được phát huy và sự chủ động của cấp uỷ, chính quyền và nhân dân khu vực lòng hồ thuỷ điện chính là thời cơ để Than Uyên ngày càng phát triển vững mạnh.
Related news
Mỗi năm Mộc Châu trồng 1.350 tấn cà chua, thì nông trại của anh Trương Văn Dư chiếm gần nửa, cung ứng 600 tấn cho Hà Nội.
Những thứ phụ phẩm nông sản bỏ đi nhưng chỉ qua một số khâu trong chế biến, đã trở thành các loại nguyên liệu xuất khẩu, giúp doanh nghiệp thu hàng triệu đô la
Mày mò cách trồng dâu tây thủy canh trên Internet và tự dịch tài liệu tiếng Anh, lão nông thu về 5 tỷ đồng mỗi năm.
Mô hình do nhóm kỹ sư Trường ĐH Nha Trang khởi xướng trước thực trạng thực phẩm bẩn đang tràn lan hiện nay.Nhóm đã thành lập Cty TNHH Sala Việt Nam để điều hành
Nghề chăn nuôi thú rừng ở xã Tam Lãnh (Phú Ninh) đến nay đã phát triển khá mạnh, quy mô về con giống. Mô hình nuôi kết hợp giữa chồn hương và chim công hiệu quả