Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Tiềm năng kinh tế biển

Tiềm năng kinh tế biển
Publish date: Saturday. July 25th, 2015

Chú trọng ngành nghề về thủy sản

Huyện Vạn Ninh có diện tích mặt nước biển khoảng 690km2. Những năm qua, ngành thủy sản Vạn Ninh đã chú trọng phát triển thế mạnh trong khai thác, nuôi trồng. Với hơn 2.350 tàu cá các loại (tổng công suất 64.426 CV), các ngư dân tích cực bám biển, thúc đẩy khai thác thủy sản trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Nhiều tàu đánh bắt công suất lớn, đánh bắt xa bờ được ngư dân chú trọng đầu tư. Nhờ đó, mỗi năm, sản lượng khai thác thủy sản các loại đạt khoảng 20.000 tấn. Ngoài ra, ở Vạn Ninh có 3 đầm đăng do các hợp tác xã thủy sản quản lý sản xuất, hàng năm có thể khai thác khoảng 100 tấn cá thu, cá ngừ xuất khẩu...

Đối với nuôi trồng thủy sản, huyện đã tập trung nuôi trồng các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao như: tôm hùm, tôm thẻ chân trắng, ốc hương, cá bớp, cá chim... Trong đó, với hơn 10.000 lồng nuôi tôm hùm, hàng năm đã mang về khoảng 350 tấn tôm thương phẩm. Toàn huyện có khoảng 550ha đìa nuôi tôm thẻ chân trắng, sản lượng hàng năm đạt hơn 2.000 tấn. Đây là nguồn nguyên liệu cung cấp ổn định cho các nhà máy chế biến hải sản trong tỉnh. Nghề nuôi ốc hương cũng là một thế mạnh của huyện. Với khoảng 260ha đìa nuôi nằm rải rác ở các xã từ Vạn Thọ đến Vạn Hưng, hàng năm, sản lượng ốc thương phẩm đạt hơn 500 tấn. Ngoài ra, ở Vạn Ninh còn nuôi trồng các loài rong biển, có thể cung cấp cho thị trường khoảng 250 tấn rong khô/năm. Việc nuôi cá bớp và cá chim cũng mang về khoảng 500 tấn/năm... Bằng những bước đi vững chắc, mỗi năm, lĩnh vực thủy sản ở Vạn Ninh có thể thu về hơn 500 tỷ đồng.

Song song với việc phát triển đánh bắt, nuôi trồng, các cấp, ngành ở Vạn Ninh cũng không ngừng tăng cường giải pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản, xóa bỏ khai thác thủy sản bằng các hình thức hủy diệt như: dùng thuốc nổ, chất độc, xiết điện, giã nhủi, giã cào, lồng cào sò... Công tác quy hoạch nuôi trồng thủy sản, đầu tư xây dựng hệ thống cấp thoát nước cho vùng nuôi, chất lượng con giống, quản lý việc sử dụng thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học ngày càng hợp lý, góp phần đảm bảo chất lượng hàng hóa xuất khẩu, an toàn vệ sinh thực phẩm cho người sử dụng.

Tiềm năng phát triển cảng và du lịch biển

Huyện Vạn Ninh nằm phía bắc Khu kinh tế Vân Phong, có điều kiện vị trí địa lý thuận lợi để phát triển thành một trung tâm kinh tế biển của cả nước. Trong tương lai, khi Khu kinh tế Vân Phong sôi động trở lại, Vạn Ninh sẽ là hạt nhân tăng trưởng kinh tế, trung tâm đô thị - công nghiệp - dịch vụ - du lịch của khu vực Nam Trung Bộ, vùng kinh tế trọng điểm Trung Bộ và là một đầu mối giao lưu quốc tế.

Bên cạnh điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, giao thông vận tải biển, Vạn Ninh còn có lợi thế để phát triển du lịch biển. Với nét hoang sơ ở phía bắc vịnh Vân Phong, biển Vạn Ninh từng được Hiệp hội Du lịch thế giới và Chương trình phát triển của Liên hợp quốc đánh giá là khu du lịch nhiệt đới phức hợp với bãi tắm đẹp. Địa phương có mũi Đôi - Hòn Đầu, nơi cực Đông của Tổ quốc trên đất liền; có bãi Đại Lãnh nép mình dưới chân đèo Cả, từng được vua Minh Mạng chọn làm biểu tượng khắc trên 1 trong 9 đỉnh đồng đặt trước Thế Miếu ở kinh thành Huế; có Hòn Ông, Sơn Đừng, Bãi Cát Thắm... đang là điểm đến hấp dẫn... Ngoài ra, những loại hình du lịch như: Du lịch cảnh quan nghỉ dưỡng ven biển, giải trí cuối tuần, du lịch kết hợp sống chung với cộng đồng dân cư trên các bè nuôi trồng thủy sản, câu cá... cũng đang manh nha phát triển. Theo ông Nguyễn Hồng - Trưởng phòng Kinh tế huyện, hàng năm, du lịch Vạn Ninh thu hút khoảng 15.000 lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, trong đó có 4.000 đến 5.000 lượt khách quốc tế. Tuy nhiên, do còn nhiều hạn chế như: cơ sở hạ tầng (khách sạn, phương tiện đưa đón, cầu cảng, bến đò...) chưa đảm bảo; công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch, sản phẩm lưu niệm còn yếu... nên ngành Du lịch chưa phát triển đúng tiềm năng.

Hiện nay, huyện đang tiếp tục cần sự quan tâm của các cấp, ngành để thu hút các doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào những lĩnh vực có thế mạnh, góp phần đưa ngành kinh tế biển địa phương ngày càng phát triển.


Related news

Lợi Ích Kép Từ Chăn Nuôi An Toàn Sinh Học Lợi Ích Kép Từ Chăn Nuôi An Toàn Sinh Học

Được sự hỗ trợ của Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, tháng 4/2014, anh Hưng thí điểm chăn nuôi lợn bằng thức ăn sinh học với quy mô 20 con. Điều làm anh Hưng phấn khởi nhất là thức ăn sinh học không chỉ cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho lợn mà còn giảm mùi hôi thối. Nhờ đó, lợn sinh trưởng tốt, khỏe mạnh, khi xuất chuồng lứa đầu tiên đã cho thu lãi từ 1 - 1,2 triệu đồng/con.

Friday. January 16th, 2015
Đà Lạt Đà Lạt "Xứ Sở" Đông Trùng Hạ Thảo?

Đó là tương lai không còn xa, khi mà loại dược liệu quý hiếm - Đông trùng hạ thảo đã được trồng thành công và sản xuất hàng loạt theo hướng công nghiệp tại thành phố hoa. Theo các chuyên gia nghiên cứu, với điều kiện khí hậu rất phù hợp, Đà Lạt là vùng đất lý tưởng cho Đông trùng hạ thảo phát triển cả về chất lượng lẫn số lượng.

Friday. January 16th, 2015
Người Cor Thay Đổi Tập Quán Chăn Nuôi Người Cor Thay Đổi Tập Quán Chăn Nuôi

Những năm trở lại đây, thay vì thả rông trâu bò ngoài núi, người Cor ở xã Trà Giang (Trà Bồng - Quảng Ngãi) đã mạnh dạn chăn nuôi theo hình thức chuồng trại, trồng cỏ VA06 làm thức ăn cho bò. “Cũ người, mới ta”, mô hình này, bước đầu đã đem lại những hiệu quả tích cực tại địa phương.

Friday. January 16th, 2015
Tạo Điều Kiện Thu Mua Hết Sữa Tươi Cho Nông Dân Tạo Điều Kiện Thu Mua Hết Sữa Tươi Cho Nông Dân

Trước tình trạng tại một số tỉnh, TP như Hà Nội, Lâm Đồng, Long An, Sóc Trăng… các DN không thu mua hết sữa cho người chăn nuôi bò sữa trong khi chất lượng sữa vẫn đảm bảo, Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đã có văn bản đề nghị Sở NN&PTNT các địa phương sớm tháo gỡ.

Friday. January 16th, 2015
Mô Hình Chăn Nuôi Gà Thả Đồng Ở Xã Kim Bình (Hòa Bình) Mô Hình Chăn Nuôi Gà Thả Đồng Ở Xã Kim Bình (Hòa Bình)

Trước đây, sau khi thu hoạch vụ lúa mùa, hầu hết những chân ruộng một vụ ở xã Kim Bình (Kim Bôi - Hòa Bình) bỏ hoang. Tuy nhiên, bằng cách làm sáng tạo, chịu khó của mình, những nông dân ở đây đã biến những chân ruộng 1 vụ thành bãi chăn thả nuôi gà mang lại giá trị kinh tế cao và tận dụng được nguồn phụ phẩm nông sản của gia đình.

Friday. January 16th, 2015