Tích tụ đất đai - giải pháp thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Tích tụ ruộng đất được coi là một trong những giải pháp quan trọng thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhằm thu hút các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vốn, đưa máy móc hiện đại, áp dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất hàng hóa, hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến bao tiêu sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.
Trong ảnh: Tích tụ đất đai là điều kiện quan trọng để đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng hàng hóa.
Từ một nền nông nghiệp lạc hậu, chúng ta thực hiện mô hình tập thể hóa rồi thực hiện khoán 10, khoán 100 và nền nông nghiệp nước ta đã phát triển vượt bậc. Từ một đất nước nghèo đói, thiếu lương thực, nay đã trở thành một quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Đến nay, có thể nói, sứ mệnh lịch sử khoán 10, khoán 100 và mô hình kinh tế hộ đã hoàn thành và giờ là lúc tiến tới một nền sản xuất hàng hóa và thị trường! Đó cũng là lý do chúng ta đang phải đẩy nhanh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng “Phát triển sản xuất theo hướng quy mô lớn, tập trung”.
Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý nông nghiệp là mốc son khởi đầu quá trình đổi mới trong nông nghiệp, đến nay đã hơn 30 năm. Trong khoảng thời gian đó, nền nông nghiệp đã gặt hái được nhiều thành tựu to lớn, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Yên Bái cũng vậy, dù không phải là tỉnh có ruộng nương mầu mỡ, người nông dân cũng không phải có trình độ thâm canh cao, có điều kiện đầu tư lớn, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành và sự nỗ lực của hàng vạn hộ nông dân từ vùng thấp đến vùng cao đã làm nên những kỳ tích trong sản xuất nông nghiệp.
Từ một tỉnh hàng năm thiếu hàng ngàn tấn lương thực, nhưng từ nhiều năm nay, Yên Bái đã cơ bản tự cân đối lương thực trên địa bàn; nhiều địa phương sản xuất theo hướng hàng hóa và thị trường. Đời sống vật chất và tinh thần người dân không ngừng được nâng lên. Hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn được phát triển, hầu hết các xã có đường kiên cố đến tận thôn, bản, có trường học, trạm y tế, chợ. Nông dân đủ ăn, con cái được học hành, được thụ hưởng các tiện ích công cộng như điện, nước và tiếp cận với công nghệ hiện đại.
Đặc biệt, kết thúc năm 2016, giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản (theo giá so sánh năm 2010) đạt 6.486.625 triệu đồng, tăng 3,2% so với năm 2015, chiếm 24% trong cơ cấu tổng sản phẩm năm 2016 của tỉnh. Trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 4.681.620 triệu đồng, tăng 3,03% so với năm 2015. Nổi bật, sản lượng lương thực có hạt vượt 24.800 tấn; số xã đạt chuẩn nông thôn mới vượt 140% kế hoạch.
Các đề án trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp được triển khai đồng bộ, đều đạt tiến độ đề ra và hình thành các vùng sản xuất chuyên canh lớn như vùng lúa hàng hóa chất lượng cao trên 2.500 ha; vùng ngô hàng hóa 15.000 ha; trên 2.000 ha cây ăn quả có múi... góp phần xóa đói, giảm nghèo trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Bên cạnh những thành tựu quan trọng ấy, vẫn còn những tồn tại, bất cập cần phải được thay đổi để bắt kịp với tiến trình hội nhập, nếu không chúng ta sẽ tụt hậu. Thực tế cho thấy, hiệu quả sử dụng đất, năng suất lao động quá thấp và không đồng đều giữa các vùng miền. Giá trị sản xuất toàn ngành thì rất lớn, nhưng doanh thu bình quân chỉ đạt gần 60 triệu đồng/ha/năm. Với mức thu nhập này thì đời sống cư dân nông nghiệp gặp khó khăn cũng là điều dễ hiểu.
Nguồn gốc của vấn đề là tình trạng sản xuất tuy có tiến bộ nhưng chủ yếu là kinh tế hộ, sản xuất manh mún, phân tán. Mỗi gia đình có khoảng 5 đến 6 sào ruộng, nhưng 3 đến 4 thửa nằm rải ở các xứ đồng khác nhau. Ruộng nhỏ lẻ khó đưa cơ giới hóa vào sản xuất, dẫn tới hiệu quả thấp, thu nhập thấp nên nhiều lao động ở nông thôn đã đi tìm kiếm việc bên ngoài. Một vấn đề nữa là, năng suất đạt khá cao nhưng giá trị lại rất thấp. Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp những năm gần đây liên tục tăng, nhưng đã có dấu hiệu chững lại, hiệu quả sản xuất nông nghiệp tuy có tăng nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, đời sống nông dân ở một số vùng còn khó khăn, sức cạnh tranh hàng hóa nông sản thấp kém.
Đòi hỏi hiện nay là phải tìm kiếm trục động lực mới, gắn với cơ cấu sản xuất nông nghiệp mới, tạo nhanh bước đột phá, cải thiện đời sống cư dân nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp là xây dựng nền nông nghiệp chủ lực, hiệu quả cao, nông dân có lãi nhiều, đồng thời tạo ra những sản phẩm có chuỗi giá trị gia tăng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường; đảm bảo nền nông nghiệp không chỉ làm tròn vai trò nền tảng, trụ đỡ cho kinh tế mà phải có đủ thực lực để phát triển trong điều kiện hội nhập nền kinh tế khu vực và thế giới.
Tiêu chí quan trọng nhất về hiệu quả kinh tế của nông nghiệp được tính bằng doanh thu và tỷ suất lợi nhuận trên một đơn vị diện tích đất. Lợi tức của một hộ nông dân nông nghiệp phải đạt mức sống trung bình khá trở lên và trong tương lai đạt tiêu chí sống giàu có ở nông thôn, xây dựng một nông thôn mới phát triển bền vững.
Tích tụ ruộng đất được coi là một trong những giải pháp quan trọng thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhằm thu hút các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vốn, đưa máy móc hiện đại, áp dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất hàng hóa, hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến bao tiêu sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Chúng ta không thể đi lên sản xuất hàng hóa với nền sản xuất manh mún. Cánh đồng Mường Lò rộng trên 2.300 ha nhưng có tới hàng vạn thửa ruộng của cả chục ngàn hộ nông dân.
Khi mùa lúa chín, cánh đồng Mường Lò chỗ vàng, chỗ xanh nhìn thì rất đẹp nhưng về hiệu quả thì không có gì nổi bật thì làm sao đi lên sản xuất lớn được. Vậy nên, phải có tích tụ đất là con đường duy nhất đi lên sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Nếu “nông dân nhỏ trên cánh đồng mẫu lớn” được tổ chức tốt, chúng ta sẽ có lời giải cho bài toán việc làm ở nông thôn.
Trên địa bàn tỉnh cũng đã có nhiều doanh nghiệp đến đầu tư và sản xuất lúa gạo, sản xuất chè... nhưng không hiệu quả. Chủ trương thì đúng, nhưng cách làm thì chưa phù hợp nên nông dân - doanh nghiệp chưa có sự ràng buộc, không chia sẻ khó khăn, lợi nhuận. Do đó, muốn “nông dân nhỏ trên cánh đồng mẫu lớn” phải được tổ chức hợp lý. Làm sao cho nông dân phải có tiếng nói trong mối quan hệ với doanh nghiệp khi ký hợp đồng. Giá trị gia tăng của ngành phải được chia sẻ hợp lý với nông dân; ngược lại, nông dân phải tin tưởng vào sản xuất theo yêu cầu của công ty, tổ hợp tác hay hợp tác xã.
Vấn đề mấu chốt của mối quan hệ hợp đồng là sự tin tưởng của người dân vào doanh nghiệp, sự chia sẻ lợi ích của doanh nghiệp với nông dân. Doanh nghiệp phải luôn đặt lợi ích đối tác (nông dân) lên hàng đầu, cung ứng cho nông dân đầu vào và đảm bảo chất lượng với giá rẻ hơn nếu tự mua bên ngoài; hướng dẫn kỹ thuật và thu mua với giá ít nhất cũng phải bằng thị trường, còn không thì phải cao hơn. Sự không thành công, không bền chặt của các tổ hợp tác, hợp tác xã hay doanh nghiệp trong thời gian qua là thiếu sự chia sẻ lợi ích hợp lý.
Phần lớn là tìm cách bán đầu vào cho nông dân với giá cao và tìm mua đầu ra với giá rẻ mạt. Tích tụ đất đai không có nghĩa là nông dân phải bán đất sản xuất mà có thể cho doanh nghiệp thuê đất rồi chính nông dân làm công nhân trên mảnh đất mình cho thuê. Hay nông dân tự liên kết lại với nhau, tập hợp nhiều thửa ruộng liền kề nhỏ thành thửa lớn và hình thành các tổ hợp tác, các hợp tác xã sản xuất theo hướng hàng hóa.
Để đảm bảo phát triển nông nghiệp bền vững, không nhất thiết phải thực hiện tập trung ruộng đất vào tay một số người. Chấp nhận duy trì tổ chức hợp tác giản đơn, tự nguyện giữa các hộ nông dân nhưng với điều kiện là phải từ bỏ tập quán canh tác tiểu nông, chuyển sang canh tác có tổ chức, kỷ luật, khoa học của người sản xuất lớn.
Ngay trong vụ xuân này, huyện Văn Chấn và huyện Văn Yên cũng đang thực hiện theo mô hình này với diện tích 200 ha. Đây là lần đầu tiên trên địa bàn tỉnh sản xuất lúa hàng hóa có tổ chức, có kỹ thuật, có sự phân công hợp tác vì quyền lợi chung để thực hiện quản lý theo các quy chuẩn bắt buộc. Một vấn đề nữa là, muốn khuyến khích doanh nghiệp đầu tư làm nông nghiệp thì Nhà nước cần có chính sách cho tích tụ ruộng đất và đẩy mạnh kinh tế hợp tác, kinh tế tập thể trong nông nghiệp.
Với những lợi ích thiết thực được phân tích như trên, cho thấy đã đến lúc chúng ta cần chuyển đổi mô hình phát triển nông nghiệp từ hộ cá thể sang tích tụ đất đai và đẩy mạnh kinh tế hợp tác. Chúng ta phải sản xuất hàng hóa lớn để tham gia vào thị trường và chuỗi giá trị toàn cầu.
Related news
Bằng việc ứng dụng mô hình trồng chuối sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, mỗi năm, anh Phạm Năng Thành thu lãi tới 2 tỷ đồng.
Các nhà khoa học đã cất công bảo tồn cho được giống lúa mùa và các nông cụ truyền thống ở ĐBSCL…
Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Vinacam Tri Tôn được hình thành trên cơ sở Tổ hợp tác sản xuất lúa Nhật ở xã Tân Tuyến (huyện Tri Tôn)