Trồng lúa Nhật cho HTX, hết lo việc tiêu thụ
Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Vinacam Tri Tôn được hình thành trên cơ sở Tổ hợp tác sản xuất lúa Nhật ở xã Tân Tuyến (huyện Tri Tôn) và đây là HTX kiểu mới thứ 3 của An Giang. Đặc biệt, HTX chuyên trồng lúa Nhật giống DS, đầu tư sản xuất và thu mua sản phẩm theo hợp đồng.
Trong ảnh: Vinacam Tri Tôn cung ứng lúa giống phục vụ sản xuất. Ảnh: T.A
“Mua tại ruộng, bán tại đồng”
Triển khai “chuỗi giá trị sản xuất cây lúa”, An Giang có nhiều doanh nghiệp tham gia với cách làm phong phú và đa dạng. Song, việc đưa ra giá ấn định để mua lại sản phẩm, chỉ có Công ty TNHH Angimex – Kitoku (TP.Long Xuyên, An Giang) thực hiện được trong nhiều năm liên tục. Khi đặt vấn đề này, ông Nguyễn Thành An - Giám đốc HTX nông nghiệp Vinacam Tri Tôn cười tươi: “Chúng tôi đầu tư sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đây là 2 khâu chính trong sản xuất lúa và sẽ cố gắng duy trì ổn định, đảm bảo có lợi để nông dân yên tâm ký hợp đồng”. Theo ông An, bản hợp đồng sẽ đưa ra giá mua và ổn định suốt vụ.
Năm 2017, HTX nông nghiệp Vinacam Tri Tôn thực nghiệm 14ha giống lúa Nhật trên đồng đất phèn Tứ giác Long Xuyên và triển khai cánh đồng sản xuất lúa hữu cơ 400ha, đồng thời từng bước tiến tới tiêu chuẩn GlobalGAP.
Với cách thức trên, Vinacam Tri Tôn đã phần nào đáp ứng được mong muốn của bà con nông dân, nghĩa là khi ký hợp đồng sẽ biết ngay mức lãi mỗi ha là bao nhiêu và không phải phập phồng lo tìm đầu ra của sản phẩm; phần còn lại là chăm lo sản xuất, thực hiện đúng điều khoản quy định. 6 tháng qua, Vinacam Tri Tôn đã thu mua 20.000 tấn lúa Nhật giống DS của 149 nông dân ở Vĩnh Nhuận, Tân Tuyến (An Giang) và Kiên Lương, Hòn Đất (Kiên Giang)...
“Điều khoản hợp đồng ghi rất rõ ràng, căn cứ vào đó chúng tôi thu mua sản phẩm. HTX ký hợp đồng lớn với Công ty cổ phần Nông nghiệp Vinacam (Cần Thơ), họ sẽ chịu trách nhiệm khâu tổ chức tiêu thụ” – ông An cho biết.
Tăng thêm khí thế cho vụ mới
Vinacam Tri Tôn đóng trên địa bàn kênh số 10 (xã Tân Tuyến, huyện Tri Tôn), tuyến đường thông suốt vùng giáp ranh An Giang và Kiên Giang. Nông dân khu vực Nam Thái, Mỹ Thái, Hòn Đất không lạ gì với cây lúa Nhật, nhất là hoạt động của HTX kiểu mới này. Anh Tạ Văn Út (xã Mỹ Thái, huyện Hòn Đất) cho biết, vụ đông xuân 2016-2017, gia đình anh ký hợp đồng sản xuất 120 công lúa Nhật, do Vinacam Tri Tôn đầu tư và tiêu thụ sản phẩm, với giá ấn định 5.000 đồng/kg lúa tươi. “Nhiều năm liền nông dân ở đây tham gia sản xuất lúa Nhật nên kỹ thuật canh tác rất thành thạo. Bây giờ, chúng tôi lại tiếp tục ký hợp đồng làm ăn, không phải lo về đầu ra của sản phẩm nữa” – anh Út kể.
Còn anh Đoàn Minh Triều (kênh 3 Lình Huỳnh, huyện Hòn Đất) cho hay, anh vừa ký hợp đồng với Vinacam Tri Tôn để sản xuất 20 công lúa Nhật giống DS, coi như yên tâm lo thời vụ xuống giống theo các điều khoản cam kết, không sợ lúa bị ứ đọng khi rộ mùa.
Vụ đông xuân 2016-2017, Vinacam Tri Tôn triển khai ký hợp đồng sản xuất và tiêu thụ 2.000ha lúa Nhật giống DS. Theo ông Nguyễn Thành An - Giám đốc HTX, ngoài số lượng trên còn có hơn 1.000ha lúa của nông dân khu vực giáp ranh An Giang và Kiên Giang cũng yêu cầu ký hợp đồng.
Related news
Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cùng với việc cơ cấu lại nguồn giống và có quy hoạch tổng thể nên cây khoai tây trở thành cây trồng chủ lực
Bằng việc ứng dụng mô hình trồng chuối sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, mỗi năm, anh Phạm Năng Thành thu lãi tới 2 tỷ đồng.
Các nhà khoa học đã cất công bảo tồn cho được giống lúa mùa và các nông cụ truyền thống ở ĐBSCL…