Tỉ phú ốc nhồi
Ông Cầu mua lại những thửa ruộng bỏ hoang của người dân để cải tạo thành trang trại nuôi ốc nhồi, mỗi năm thu hàng tỉ đồng.
Ông Phạm Thế Cầu vớt ốc thương phẩm. Ảnh: Nguyễn Dũng.
Ông Phạm Thế Cầu tên thật là Phạm Hùng Thế, sinh năm 1961 (trú tại thôn Bình Sơn, xã Văn Phú, TP Yên Bái, Yên Bái) sau khi giải ngũ trở về quê làm ruộng và trồng rừng.
Năm 1989 ông trồng chanh tứ thời, nguyên do khi vào ăn cưới con một người bạn ở Lâm Đồng, ông được dẫn đến thăm các vườn cây ăn quả của nhiều hộ gia đình gần đó. Sau khi thấy vườn chanh tứ thời quả to, mọng nước, ông liền quyết định mua 10 cành giống về trồng thử tại vườn nhà.
Tỉnh Yên Bái lúc đó chưa có nơi nào trồng được giống chanh tứ thời, ông phải tự mình tìm hiểu cách trồng và chăm sóc từ những chủ vườn chanh nơi khác. Sau 3 năm cây chanh cho quả, bán được giá, ông quyết định mở rộng diện tích và chuyển đổi một số ruộng khô hạn sang trồng chanh. Ngoài ra ông còn trồng các loại cây ăn quả: Xoài Vân Du, vải, bưởi... cho thu nhập cao.
Một lần đi ăn ở cửa hàng, ông Cầu thấy ốc nhồi rất ngon và giá bán lại cao. Nhận thấy ngoài thị trường cung không đủ cầu, đầu năm 2016 ông bắt đầu tìm mua sách báo và tài liệu, nghiên cứu về cách nuôi ốc nhồi. Sau một thời gian tìm hiểu, ông quyết định mua 6 triệu tiền ốc giống tại địa phương về nuôi thử.
Năm đầu tiên nuôi, do chưa có kinh nghiệm, kỹ thuật không đồng bộ nên ốc chết hơn 60%. Lúc đó giá ốc thương phẩm ở thị trường là 100.000 đồng/kg. Mặc dù ốc chết nhiều, năm đầu ông thu 400 triệu, nhưng lãi 50 triệu. Ông tiếp tục tìm hiểu, học thêm kỹ thuật nuôi ốc phù hợp với điều kiện khí hậu tại tỉnh Yên Bái. Từ đó, ông quyết định mở rộng diện tích từ 1.500 m2 lên 10 ha.
Ông nhận thấy ốc nhồi là loại dễ nuôi, ao không cần đào quá sâu, chỉ cần ngập đầu gối là có thể được. Ốc ăn được nhiều loại thức ăn: Bèo tấm, bầu bí, xơ mít, cám gạo…Do ăn ít, nên chỉ cần chuẩn bị lượng thức ăn vừa đủ, không để dư thừa tránh làm ô nhiễm nguồn nước.
Kỹ thuật nuôi ốc khá đơn giản, trung bình mỗi tháng ốc mẹ đẻ 1 buồng trứng, người nuôi chỉ cần thu gom trứng lại xếp ra khay rồi chuyển vào buồng ấp được che chắn, nhiệt độ thích hợp.
Mỗi 1 kg trứng nở được 1,2 vạn ốc con, sau 15 ngày ấp thì trứng bắt đầu nở rồi chuyển ra ao nuôi ốc giống cho thích nghi dần với môi trường. Sau đó mới đưa ốc ra ao nuôi thương phẩm, nuôi hơn 3 tháng thì thu hoạch được.
Vào mùa đông, ốc sinh trưởng kém, trong khi đó thị trường phía Nam lại rất cần ốc giống. Do đó, ông đóng ốc giống vào trong các thùng xốp gửi xe bán cho các trang trại ốc ở miền Nam để họ tiếp tục nuôi.
Cứ 3 tháng, mỗi ao ốc giống của ông cho lãi hơn 10 triệu đồng. Một năm nuôi thu được 3 lứa ốc thương phẩm, bán cho khắp các tỉnh miền Bắc và một số tỉnh trong miền Nam.
Do bán được nhiều ốc, Hiệp hội ốc nhồi miền Bắc đã mới ông tham gia, từ khi gia nhập hiệp hội ông càng mở rộng thị trường và các mối quan hệ mua bán ốc.
Quanh nhà ông, bà con đi làm tại Khu công nghiệp phía Nam, nên bỏ hoang ruộng, vườn do thu nhập từ trồng lúa không cao. Ông quyết định mua lại những khu ruộng bỏ hoang đó để cải tạo nuôi ốc nhồi. Vào mùa thu hoạch, ông phải thuê 5 lao động thu nhặt ốc và hỗ trợ vận chuyển tiêu thụ. Mỗi lao động 1 tháng được trả từ 4- 5 triệu đồng.
Mỗi năm, gia đình ông thu từ ốc thương phẩm và ốc giống từ 1- 1,3 tỷ đồng. Ông dự định nuôi 20 con lợn nái để để bán giống và lấy phân nuôi bèo làm thức ăn cho ốc.
Related news
Ở miền núi Thanh Hóa, mô hình trồng cây đậu thiều làm cây chủ để thu cánh kiến đỏ cho thu nhập gấp hàng chục lần trồng rừng, nhưng dân lại chưa mặn mà.
Vùng biển Quảng Ninh có loài rong biển dược tính rất cao, nếu được nuôi trồng để cung ứng nguyên liệu cho các đơn vị chiết xuất tân dược, sẽ là hướng phát triển
Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là một bức tranh đa sắc màu với sự lung linh huyền ảo từ những hồ kính nuôi tôm cảnh nơi đây.