Thủy sản vào mùa thu hoạch sớm
Hộ ông Hoàng Chục ở thôn Mai Dương, xã Quảng Phước (Quảng Điền - Thừa Thiên Huế) nuôi khoảng 2.000m2 tôm sú trên đầm phá.
Giữa tháng 8 vừa qua, gia đình ông đã thu hoạch xong, lãi trên 30 triệu đồng. Hộ ông Hoàng Đình ở thôn Phước Lý cũng nuôi diện tích tương tự, đến nay thu hoạch xong.
Không riêng hai hộ trên, đến nay, hầu hết các hộ nuôi tôm và nuôi xen ghép cá, cua ở xã Quảng Phước đều đã thu hoạch xong vụ tôm thứ hai trong năm, tránh thiệt hại do mưa lũ. Một số hộ còn lại dự kiến thu hoạch xong trong tháng 9.
Người dân Quảng Thọ giằng neo lống cá nuôi trên sông Bồ trong đợt bão số 3 vừa qua
Trong khi tôm nuôi cơ bản đã thu hoạch xong thì phần lớn các hộ nuôi cá đang thu hoạch tỉa để bán. Hộ ông Võ Văn Chương ở thôn 4, xã Quảng Công (Quảng Điền) nuôi hơn 7.000m2 xen ghép tôm-cá dìa. Từ cuối tháng 8, gia đình ông đã thu hoạch xong đối với tôm. Riêng cá dìa đang thu hoạch, số còn lại sẽ thu gom nhốt lồng để tránh lũ.
Tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các diện tích nuôi tôm, nuôi tôm xen ghép cá, cua ở các xã Hải Dương, Hương Phong (TX Hương Trà) cũng đã được người dân thu hoạch xong. Hộ ông Đặng Duy Đấu ở thôn Thuận Hòa, xã Hương Phong nuôi gần 1.000m2 tôm xen cua, cá đã được thu hoạch cách đây 10 ngày.
Ông Đấu nói: “Rút kinh nghiệm từ nhiều năm trước, năm nay người dân thu hoạch sớm hơn vì diễn biến bão, lũ thất thường. Thủy sản còn nhỏ chưa đến kỳ thu hoạch mà xuất bán có thể bán giá không cao, lãi ít nhưng còn hơn để mưa lũ gây thiệt hại hoàn toàn”.
Lo ngại nhất là nhiều hộ nuôi cá lồng trên các sông đến nay vẫn chưa thu hoạch, do người dân vẫn còn chủ quan, chưa tuân thủ khung lịch thời vụ, thả nuôi chậm, đến nay cá vẫn còn nhỏ chưa thể thu hoạch. Hộ ông Trần Viết Hùng ở thôn La Vân Thượng, xã Quảng Thọ nuôi 3 lồng cá trắm, mè, chép chia sẻ:
“Trước cơn bão số 3 vừa qua, gia đình tôi đã giằng neo các lồng cá vào các gốc cây an toàn; đang tiếp tục theo dõi để có biện pháp bảo vệ trong các đợt bão lũ tới”.
Đối với các diện tích nuôi tôm chân trắng trên cát thường ít bị ảnh hưởng do bão, lũ. Tuy nhiên, bão, lũ thường gây ảnh hưởng đến môi trường, nguồn nước trong ao hồ. Đến nay, hầu hết diện tích nuôi tôm trên cát vẫn chưa thu hoạch, người dân tiếp tục theo dõi, chăm sóc tôm.
Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay tôm nuôi trên cát đều đang phát triển tốt, chưa có dấu hiệu xảy ra dịch bệnh.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, người dân cần thường xuyên theo dõi hệ thống đê bao, mực nước trong hồ để có biện pháp xử lý, gia cố tránh bị vỡ đê gây thiệt hại; thường xuyên đo nồng độ PH, các yếu tố môi trường trong hồ để điều chỉnh hợp lý.
Đối với các ao hồ thả nuôi sớm, nếu bán được thì nên thu hoạch.
Năm nay, toàn tỉnh thả nuôi khoảng 6.780 ha thủy sản các loại tôm, tôm xen ghép, cá; trong đó, nuôi chuyên tôm trên cát khoảng 1.200 ha, còn lại chủ yếu nuôi xen ghép tôm-cá-cua…
Ông Nguyễn Minh Đức, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh thông tin, đến nay hầu hết các diện tích nuôi trồng thủy sản đã được người dân thu hoạch.
Riêng đối với nuôi lồng trên sông Bồ, sông Ô Lâu, đầm phá vẫn còn khá nhiều lồng chưa thu hoạch. Chi cục yêu cầu các địa phương vận động người dân thu hoạch, các lồng cá còn quá nhỏ cần có biện pháp giằng neo, bảo vệ an toàn.
Related news
Sau khi Báo NTNN đăng tải 2 bài về thương hiệu gà đồi Yên Thế (Bắc Giang) bị “đánh cắp”, lãnh đạo huyện này cho biết sẽ kêu gọi các doanh nghiệp chung tay giúp sức bảo vệ thương hiệu này.
Trước thông tin dịch bệnh xảy ra ở một số tỉnh miền Trung, phía Bắc và việc Trung Quốc cấm nhập khẩu thịt từ Việt Nam, giá heo hơi chỉ còn khoảng 3,6 triệu – 3,8 triệu đồng/tạ (giảm hơn 700.000 đ/tạ so cùng kỳ). Với mức giá này, người nuôi heo trong tỉnh An Giang lỗ từ 200.000 đ – 400.000 đ/tạ, do giá thành mỗi tạ heo khoảng 4 triệu đồng. Đây là nguyên nhân chính tác động đến phát triển nghề nuôi heo ở các địa phương, đến thời điểm 1-4, tổng đàn toàn tỉnh An Giang khoảng 167.000 con, giảm 6% so với cùng kỳ.
Ngày 27/5, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị cho biết, dịch bệnh trên tôm xảy ra ở nhiều hồ nuôi của các hộ gia đình, theo kết quả xét nghiệm thì nguyên nhân dịch bệnh ở một số hồ nuôi được xác định là do bệnh teo gan, số còn lại chưa rõ nguyên nhân.
Năm 2013, huyện Vạn Ninh thả nuôi trên 180 ha tôm chân trắng, trong đó nuôi thâm canh theo công nghệ cao chiếm 25%, còn lại nuôi trong ao đất. Đối với tôm nuôi trong ao đất, tình hình vẫn không khả quan do tôm bị dịch. Tuy nhiên, các hộ nuôi tôm theo công nghệ cao lại được mùa do đảm bảo được các yếu tố như thức ăn, nguồn nước, môi trường.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, ông Lê Văn Sử cho biết, sau thời gian thí điểm thành công chương trình bảo hiểm nông nghiệp, tỉnh Cà Mau tiếp tục đẩy mạnh chương trình theo hướng mở rộng quy mô cả hộ tham gia và diện tích đất sản xuất.