Thủy sản sang Nhật Bản: Truyền thống và biến đổi
Những tín hiệu lạc quan trong xuất khẩu thời gian gần đây vào thị trường Nhật Bản đã giúp khôi phục niềm tin trong giới thủy sản Việt Nam đối với thị trường khó tính này. Tuy nhiên, để mở rộng hơn nữa, thủy sản Việt Nam cần ổn định về chất lượng và sự thấu hiểu đối với người tiêu dùng nơi đây.
Ảnh: Phan Thanh
Thị trường truyền thống
Dù xuất khẩu vào Nhật Bản gặp rất nhiều thách thức, song đây vẫn là thị trường quan trọng bậc nhất của ngành thủy sản Việt Nam, với tỷ trọng ổn định ở mức trên dưới 20% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu. Quốc gia này có mức tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người cao nhất thế giới với 67 kg/người/năm. Tuy vậy, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa chiếm lĩnh được thị trường truyền thống này. Tôm, mực, cá ngừ hiện chiếm tới 80% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường Nhật và những biến động từ ba mặt hàng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng.
Kim ngạch nhập khẩu thủy sản của Nhật Bản năm 2016 đạt 13,59 tỷ USD, tăng 4,45% so năm 2015, song dường như xuất khẩu của Việt Nam chưa nắm bắt được hết cơ hội. Các đối tác cung ứng sản phẩm thủy sản cho Nhật phải kể đến là Trung Quốc chiếm 18,15% tổng kim ngạch nhập khẩu thủy sản, Mỹ là 9%, Liên bang Nga 7,54%, Chilê 7,42%, Na Uy 7%, Thái Lan 6,93% và Việt Nam chỉ 6,39%.
Phục hồi
VASEP cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu thủy sản sang Nhật tăng hơn 29% so cùng kỳ năm 2016. Nguyên nhân được cho là do đồng Yen của Nhật tăng giá nên doanh nghiệp tôm trong nước chuyển sang khai thác mạnh ở thị trường này.
Ấn tượng nhất là xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường Nhật đã tăng 29,6% so cùng kỳ năm ngoái, đạt 135,4 triệu USD trong quý I/2017, đưa Nhật Bản trở thành thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam. Việc khôi phục thị trường Nhật Bản đã đánh giá thước đo về nỗ lực của ngành tôm Việt Nam vì cả năm 2016, xuất khẩu tôm sang Nhật Bản chỉ tăng 2,7%. Giá tôm Việt Nam sang Nhật là 12 USD/kg nhưng vẫn nhận được sự ưu ái của người tiêu dùng cho thấy được thương hiệu tôm Việt tại Nhật. Tuy vậy, để chiếm lĩnh thị trường Nhật các doanh nghiệp Việt Nam sẽ còn phải đối diện với nhiều thử thách.
Chiến lược sản phẩm giá trị gia tăng
Trong khoảng vài năm trở lại đây, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm của Nhật Bản vốn đã cao, lại ngày càng được siết chặt khiến cho các mặt hàng xuất khẩu tươi sống của Việt Nam thêm muôn vàn khó khăn. Nhiều ý kiến cho rằng đây là “hàng rào kỹ thuật”, nhưng thực tế thì các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn này áp dụng cho tất cả các nguồn hàng nhập khẩu chứ không riêng gì với sản phẩm từ Việt Nam. Thời gian gần đây, một số thương gia và các nhà nhập khẩu Nhật Bản cũng lên tiếng về việc mong muốn siết chặt vấn đề chất lượng tôm nguyên liệu từ vùng nuôi, muốn kiểm soát chất lượng vùng nuôi và truy xuất nguồn gốc thủy hải sản Việt Nam. Thực chất, đây cũng là những yêu cầu xuất phát từ trao lưu “ẩm thực siêu sạch” của Nhật Bản.
Trong một hội thảo gần đây bàn về xuất khẩu vào Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh, nhiều chuyên gia Nhật Bản cũng cho biết, các siêu thị nước này đang mất dần vị thế thống trị của mình và thay vào đó việc buôn bán online phát triển rất mạnh, thậm chí dự kiến vượt hơn 50% doanh thu bán buôn trong những năm gần đây.
Đặc điểm cơ bản của thị trường online là cung cấp các sản phẩm gọn nhẹ, tiện dụng, dễ bảo quản, do đó đối với mặt hàng thủy sản online thường là các mặt hàng đã qua chế biến, sơ chế, sản phẩm ăn liền. Do đó, các đối tác nhập khẩu của Nhật Bản trở nên e dè với các sản phẩm tươi sống từ Việt Nam.
Tuy vậy, một số doanh nghiệp cũng nhận định, xu thế sử dụng sản phẩm đã chế biến tại Nhật sẽ giúp Việt Nam phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng trong tương lai gần. So với chế biến sản phẩm thô, sản phẩm tinh chế tiết kiệm được khoảng 40% lượng nguyên liệu, giá bán cao hơn 40 - 50%. Rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang quan tâm đến việc nâng cấp các nhà máy chế biến để sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm tinh đã qua chế biến sang thị trường Nhật Bản.
>> Trong 6 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản khoảng 590 triệu USD, tăng 31% so cùng năm 2016. Dù các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã rất nỗ lực trong vấn đề kiểm soát chất lượng, song vẫn có một số lô hàng bị cảnh báo về nhiễm kháng sinh, hóa chất vượt mức cho phép theo quy định của Nhật Bản.
Related news
Diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh Hải Dương không ngừng tăng nhanh, trong đó đối tượng nuôi chính là cá chép và rô phi.
Nếu bò chịu ăn bèo thì có thể cho ăn bình thường, vì đây là một loại thức ăn thô xanh, tuy nhiên cần bảo đảm vệ sinh trước khi sử dụng.
Người nuôi tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long đang đón nhận tin vui khi vài tuần trở lại đây, giá tôm nguyên liệu có chiều hướng tăng cao.