Thủy sản Cà Mau kỳ quyết với những giải pháp
Nguyên nhân chủ yếu được xác định là do nhu cầu tiêu thụ tôm trên thị trường thế giới và giá xuất khẩu tôm giảm. Khó khăn và thách thức khá nhiều; bằng nhiều giải pháp mang tính “mới” và đột phá, ngành Thủy sản Cà Mau quyết tâm hoàn thành kế hoạch xuất khẩu thủy sản 1,4 tỷ USD vào cuối năm nay.
Là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, lĩnh vực thủy sản có tiềm năng lớn nhưng chưa phát huy tốt, tính bền vững chưa cao, đặc biệt là trong nuôi tôm, khiến tình hình xuất khẩu thủy sản luôn đối mặt với những khó khăn và thách thức.
Để tháo gỡ khó khăn, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra nhiều giải pháp, quyết liệt trong quản lý vùng nuôi, tăng cường phòng chống dịch bệnh, quản lý các yếu tố đầu vào...
Nhiều thách thức
Trên nền tảng thành công của kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2014, ngay từ những tháng đầu năm nay, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã chỉ đạo các đơn vị liên quan lập kế hoạch triển khai nhiệm vụ. Theo nhận định, để hoàn thành kế hoạch của năm, tỉnh sẽ gặp nhiều khó khăn.
Giá tôm hiện nay biến động theo hướng bất lợi cho sản xuất, cao điểm giảm mạnh nhất vào giữa tháng 3 vừa qua. Nguyên nhân được xác định là một số nước: Thái Lan, Ấn Độ có sản lượng tôm lớn, nhưng khác Việt Nam là những nước này bán thẳng tôm đi chứ không trữ tôm lại, chính vì thế ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Cà Mau không nằm ngoài tác động ấy.
Thêm vào đó, tỷ giá ngoại tệ, đặc biệt là đồng Đô la Mỹ biến động ngày càng bất lợi cho thế giới, từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu thủy sản khi thị trường xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ là chủ lực, chiếm gần 60% thị phần. Tuy vậy, sản lượng thủy sản những tháng đầu năm này tăng trưởng khá, đặc biệt là hình thức nuôi tôm sinh thái đang phát triển mạnh.
Tuy sản lượng xuất khẩu thủy sản có giảm nhưng hoàn toàn kiểm soát được, bởi nắm bắt được xu thế của thị trường thế giới hiện nay, các doanh nghiệp thủy sản trong tỉnh đã tiến hành trữ hàng, chuẩn bị tốt nhất điều kiện cho những tháng tiếp theo.
Về phía ngành NN&PTNT cũng đã đưa ra nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn, như sẽ quyết liệt trong quản lý vùng nuôi, tăng cường phòng chống dịch bệnh, quản lý các yếu tố đầu vào và đầu ra…
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thành Tươi chỉ đạo: Đối với hình thức nuôi tôm công nghiệp, chỉ khuyến khích đối với những hộ có vốn và có kinh nghiệm, không để tình trạng thất bại do nuôi đại trà như trước đây nữa. Ảnh chụp tại xã Phú Hưng, huyện Cái Nước.
Những giải pháp
Để giải bài toán khó về chất lượng nguồn tôm giống, cần mạnh tay củng cố hệ thống quản lý chất lượng tôm giống; tạo sự liên hoàn, chuỗi quản lý; phát huy tối đa nội lực trong công tác này. Tăng cường chỉ đạo trong công tác phối hợp giữa các lực lượng, đặc biệt là rà soát ngành NN&PTNT từ cấp cơ sở, cụ thể là lực lượng cán bộ khuyến nông - khuyến ngư, lực lượng cán bộ thú y…; sắp xếp, phân giao địa bàn một cách cụ thể; kết hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn nữa với chính quyền địa phương.
Tăng cường tốt và hiệu quả các hoạt động quản lý chuyên ngành, quản lý các yếu tố đầu vào: Thuốc thú y, giống thủy sản…; khi có dịch bệnh thì kiên quyết xử lý, không được nhân nhượng, tránh xử lý không triệt để khiến dịch bệnh bùng phát. Tăng cường hơn nữa công tác đào tạo, tập huấn khuyến nông - khuyến ngư; hoàn thành các tài liệu tuyên truyền.
Cùng với các giải pháp trên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Châu Công Bằng tâm huyết: “Đẩy mạnh và phát huy tối đa loại hình tập huấn tại hiện trường bằng hình thức liên kết, “một mô hình nhiều người biết, còn hơn là nhiều mô hình mà không ai biết áp dụng”. Tập huấn gắn với mô hình cụ thể, từ đó làm nền tảng xây dựng những mô hình bền vững, mô hình ngay trong vùng dịch, từ đó làm cơ sở để nhân rộng. Quan tâm nghiên cứu, xem xét ứng dụng các mô hình mới: Công nghệ tuần hoàn nước, mô hình nhà kính… tất cả vì mục tiêu phát triển ngành kinh tế thủy sản mũi nhọn.
Để tạo bước đột phá, ngoài công tác chỉ đạo các cấp bám sát cơ sở, còn có những hình thức hoàn toàn mới sẽ mang lại hiệu quả thiết thực hơn trước. Tổ chức họp giao ban thường xuyên ngay tại cơ sở, ngay những huyện trọng điểm về nuôi trồng thủy sản: Tháng 4 sẽ tổ chức ở huyện Đầm Dơi, huyện Phú Tân là tháng 5 và huyện Cái Nước là tháng 6.
Cứ thế sẽ luân phiên họp giao ban tại các địa phương này. Sẽ không “ngồi” ở huyện mà xuống tận mô hình của dân, cùng nghe dân nói, cùng làm với dân, từ đó sẽ có biện pháp tháo gỡ kịp thời. Các hoạt động khác cũng sẽ được duy trì: Phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông nông thôn, bám sát thị trường… từ đó làm cơ sở, căn cứ khuyến cáo cũng như hỗ trợ kịp thời cho người dân”.
Phát biểu tại buổi sơ kết tình hình phát triển kinh tế - xã hội quý I - 2015, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thành Tươi cũng đặc biệt quan tâm đến công tác này: “Phát triển kinh tế thủy sản của tỉnh phải gắn liền với công tác tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong dân, ưu tiên phát triển diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến, đẩy mạnh hình thức nuôi tôm sinh thái. Riêng đối với nuôi tôm công nghiệp thì chỉ khuyến khích đối với những hộ có vốn và có kinh nghiệm, không để tình trạng thất bại do nuôi đại trà như trước đây nữa”.
Với những chủ trương, chính sách và những biện pháp “mới” này, tin chắc rằng nhiệm vụ phát triển kinh tế thủy sản sẽ không còn bị động. Con tôm sẽ tiếp tục là trụ cột của kinh tế Cà Mau trong năm 2015 và những năm tiếp theo.
Related news
Với giàn gấc mỗi lứa thu hoạch hơn 300 quả, giá thị trường 50.000 đ/kg, trái gấc đã đem lại giá trị kinh tế cao, giúp gia đình ông Lê Phước Dũng (đội 4 thôn Quảng Đại 2, xã Đại Cường, Đại Lộc, Quảng Nam) thoát khỏi cảnh nghèo bấy lâu đeo bám.
Diễn biến thời tiết phức tạp cùng với sự thiếu chặt chẽ trong quản lý lưu thông, buôn bán gia súc, gia cầm khiến cho dịch lợn tai xanh bùng phát ở huyện Triệu Phong (Quảng Trị) và dịch cúm gia cầm xuất hiện (H5N1) trên địa bàn huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên).
Anh Nguyễn Văn Khánh (40 tuổi), trú tổ 5, phường Nghĩa Chánh, TP.Quảng Ngãi mỗi tháng thu lợi nhuận trên 100 triệu đồng từ nuôi rắn.
Anh Nguyễn Đức Thịnh là hội viên nông dân chi hội thôn Bắc Song, xã Đông Hà huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Đã nhiều năm liền, anh Thịnh được suy tôn là nông dân tiêu biểu của xã, của huyện, của tỉnh bởi thành tích gương mẫu đi đầu thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xoá đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng.
Đến thị trấn Yên Minh, huyện Yên Minh được nghe mọi người nhắc nhiều tới người phụ nữ đã mạnh dạn thay đổi tư duy trong sản xuất, biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng kết hợp với chăn nuôi cho thu nhập cao. Đó là chị Nguyễn Thị Chiên ở thôn Nà Tèn.