Home / Tin tức / Tin nông nghiệp

Thương nhân Trung Quốc mua thanh long trực tiếp lợi hay hại?

Thương nhân Trung Quốc mua thanh long trực tiếp lợi hay hại?
Author: Việt Quốc
Publish date: Thursday. July 7th, 2016

Thời gian qua, ở Bình Thuận đã có sự hiện diện của các thương nhân Trung Quốc trong hoạt động mua bán thanh long. Họ đến liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở thu mua ở địa phương để mua trực tiếp thanh long của nông dân tại vườn. Theo cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận, hoạt động này đang được kiểm soát. Nếu hoạt động đúng quy định, các thương nhân Trung Quốc cũng góp phần đẩy mạnh xuất khẩu loại nông sản đang là thế mạnh của Bình Thuận.

Hai năm trở lại đây, thị trường mua bán thanh long ở tỉnh Bình Thuận đã có sự xuất hiện của người Trung Quốc. Họ đến tận vườn xem hàng, thỏa thuận giá cả và thu mua thanh long. Đi cùng thương nhân Trung Quốc luôn có thông dịch viên và thương lái người Việt hỗ trợ trong việc tìm kiếm nguồn hàng, thỏa thuận với chủ vườn. Ở vùng sản xuất thanh long trọng điểm là huyện Hàm Thuận Nam, nông dân nào cũng biết việc này.

Ông Trần Văn Thực, nông dân xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam cho biết, thương lái Trung Quốc kết hợp với người Việt Nam để thu mua thanh long, chứ họ không trực tiếp đi một mình. Giá cả lúc nào họ cũng trả cao hơn so với tư thương trong nước.


Từ đầu năm đến nay, giá thanh long liên tục tăng do nguồn hàng không đủ cung cho thị trường.

Anh Nguyễn Minh Hiền, một thương lái được nhiều người biết đến ở xã Hàm Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam, từng giới thiệu rất nhiều vườn thanh long cho các thương nhân Trung Quốc trực tiếp đến mua. Mỗi lần giới thiệu, anh đều được trả phí. Theo anh Hiền, nếu không có người Việt giới thiệu, bà con nông dân sẽ không bao giờ bán trực tiếp cho người Trung Quốc.

Ông Ngô Minh Hùng, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Thuận cho hay, việc thương nhân Trung Quốc có mặt ở Việt Nam tham gia, liên kết với doanh nghiệp địa phương thu mua nông sản là chuyện bình thường. Các luật như: Thương mại, Cạnh tranh, Xuất nhập cảnh... của chúng ta không cấm điều đó; trừ khi người Trung Quốc hoạt động trái pháp luật, như dùng hộ chiếu du lịch để hoạt động thương mại hoặc đến lưu trú, kinh doanh nhưng không đăng ký, khai báo với cơ quan chức năng, địa phương.

Thời gian qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo ngành chức năng kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm. Từ cuối 2015, đoàn liên ngành 2241 của tỉnh Bình Thuận đã được thành lập để kiểm tra vấn đề này. Sau khi có thông tin từ các trinh sát, đoàn đã tiến hành kiểm tra tại 10 cơ sở, doanh nghiệp hoạt động thu mua, đóng gói, vận chuyển, xuất khẩu thanh long. Qua đó phát hiện, tạm giữ thị thực, xử phạt 13 người Trung Quốc vi phạm với số tiền 283 triệu đồng. Tỉnh Bình Thuận hiện vẫn đang kiểm soát chặt chẽ hoạt động mua bán thanh long của thương nhân Trung Quốc.


Phần lớn các doanh nghiệp ở Bình Thuận đều xuất khẩu thanh long qua thị trường Trung Quốc.

Theo số liệu của Sở Công thương, toàn tỉnh hiện có 232 đơn vị doanh nghiệp và cơ sở thu mua thanh long. Trong số đó có 8 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trực tiếp qua đường chính ngạch, còn lại 45 doanh nghiệp và 179 cơ sở có quan hệ mua bán với thị trường Trung Quốc. Phần lớn sản lượng thanh long của Bình Thuận đều xuất qua thị trường này.

Về sự hiện diện của thương nhân Trung Quốc, hiện nay, dư luận có hai luồng ý kiến khác nhau. Một số người cho rằng khi người Trung Quốc hiện diện ở đây sẽ cạnh tranh, lấn át, nắm thị trường, làm cho doanh nghiệp địa phương khó khăn.

Trong khi đó, nhiều ý kiến ủng hộ, thậm chí nhiều doanh nghiệp và cơ sở thu mua hợp tác làm ăn với thương nhân Trung Quốc. Theo họ, mua bán trực tiếp tại địa phương sẽ hạn chế được các khâu trung gian hơn ở biên giới, có lợi hơn cho nhà vườn, tiền bạc thanh toán chắc chắn hơn và giá cũng tốt hơn, ít rủi ro cho doanh nghiệp xuất khẩu. Chỉ những doanh nghiệp nhỏ lẻ, không có mối lái chắc chắn ở Trung Quốc, chịu sức cạnh tranh, mới bị thua thiệt.

Ông Bùi Đăng Hưng, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, đồng thời là chủ doanh nghiệp có nhiều năm kinh nghiệm trong hoạt động xuất khẩu thanh long ở Bình Thuận nêu quan điểm: Thị trường Trung Quốc quyết định giá, chứ thương nhân Trung Quốc không quyết định giá. Cũng như các loại nông sản khác, giá cả tuân theo quy luật cung cầu của thị trường. Một vài cá nhân không quyết định được thị trường, nên không thể nói là thao túng, ông Hưng cho hay.

Từ thực tế đó, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là tỉnh Bình Thuận cần mở rộng thêm các thị trường khác để tránh phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc. Những năm qua, công việc này đã được xúc tiến, nhưng chưa mấy thành công.

Từ đầu năm đến nay, giá thanh long bình quân ở Bình Thuận liên tục tăng ở mức cao. Nhu cầu tăng cao, trong khi nguồn hàng khan hiếm sẽ đẩy giá lên, và ngược lại. 6 tháng qua, xuất khẩu thanh long chính ngạch của Bình Thuận đến 11 nước trên thế giới chỉ được khoảng 4.100 tấn thanh long. Trong khi đó, chỉ buôn bán biên mậu qua Trung Quốc lại được hơn 285.000 tấn. Con số này cho thấy mối quan hệ khó tách biệt hiện nay giữa thanh long Bình Thuận của Việt Nam và thị trường hơn 1,3 tỷ dân này.


Related news

73% người bán rau mù mờ về sản phẩm 73% người bán rau mù mờ về sản phẩm

Năm 2008, Sóc Sơn là huyện đầu tiên của Hà Nội thí điểm chương trình trồng rau sạch và rau hữu cơ do Hội Nông dân Việt Nam và Tổ chức ADDA Đan Mạch hỗ trợ.

Thursday. July 7th, 2016
Sử dụng chế phẩm sinh học người nuôi thu lợi, người ăn an toàn Sử dụng chế phẩm sinh học người nuôi thu lợi, người ăn an toàn

Ngày 5.7, tại TP.Vinh, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Sở NNPTNT Nghệ An tổ chức Diễn đàn “Giải pháp quản lý chất cấm và chống lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm”. Diễn đàn nhằm tuyên truyền người nuôi không sử dụng chất cấm, không lạm dụng kháng sinh...

Thursday. July 7th, 2016
Chuyển trồng lúa sang ngô: Hướng đến đạt 1 triệu tấn ngô/năm Chuyển trồng lúa sang ngô: Hướng đến đạt 1 triệu tấn ngô/năm

Thông tin đáng chú ý này được đưa ra tại Hội nghị “Sơ kết chương trình chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ngô nhằm nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp vùng miền núi phía Bắc” , do Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam phối hợp Sở NNPTNT Sơn La tổ chức ngày 5.7.

Thursday. July 7th, 2016