Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thực Hiện Tiêu Chí Môi Trường Nhiều Nơi Kêu Khó

Thực Hiện Tiêu Chí Môi Trường Nhiều Nơi Kêu Khó
Publish date: Monday. February 24th, 2014

Môi trường là 1 trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM), nhưng hiện nay các vấn đề thu gom và xử lý rác thải, nước thải sản xuất và sinh hoạt gia đình, xử lý rác tại các chợ… đang khiến các địa phương gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong quá trình thực hiện.

Rác thải lấn đường, tắc sông

Tại nhiều địa phương, rác thải nông thôn đã trở thành vấn nạn đáng báo động, nhiều hộ gia đình cứ tiện đâu vứt đó, tạo thành những cơn “bão rác” trên các tuyến quốc lộ, những con sông hoặc kênh mương, chân cầu…

Dọc Quốc lộ 48B, đoạn đường dài chưa đầy 5km từ xã Quỳnh Ngọc tới khối 12 thị trấn Cầu Giát (Quỳnh Lưu, Nghệ An), chúng tôi gặp không ít bãi rác kiểu “tiện tay” như thế, thậm chí có nơi rác lấn cả vào lòng quốc lộ. Dòng sông nhỏ chảy qua khu vực này cũng đang bị tắc nghẽn bởi một lượng rác khổng lồ do người dân thải ra hàng ngày.

Tương tự, đi dọc Quốc lộ 10, đoạn qua huyện Kim Sơn (Ninh Bình), người ta cũng dễ dàng bắt gặp hàng chục bãi rác lớn nhỏ ven sông Ân và các tuyến kênh mương trong khu vực. Mặc dù chính quyền địa phương cũng đã triển khai thu gom rác, nhưng người dân vẫn quen “tiện tay”, từ rác thải sinh hoạt đến xác súc vật chết, vỏ bao bì thuốc trừ sâu… đều mang ra sông đổ, khiến con sông Ân xanh trong ngày nào giờ đã đổi thành màu đục ngầu, dòng chảy thường xuyên bị tắc nghẽn bởi bèo và rác.

Ông Nguyễn Văn Minh - Phó Chủ tịch UBND xã An Khang (TP.Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) cho biết: Năm 2011, hầu hết các xã trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện tiêu chí môi trường, nhưng đến nay vẫn chưa có xã nào đạt. Thời gian qua, xã cũng rất nỗ lực triển khai và đã đạt 3/5 chỉ tiêu, nhưng 2 chỉ tiêu là thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và xây dựng nghĩa trang thì chưa biết khi nào mới đạt, do thiếu vốn và thiếu quỹ đất.

Ông Lô Thanh Sơn – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quỳ Châu, cán bộ Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM huyện Quỳ Châu cũng cho biết: Khó khăn chung của hầu hết các xã trên địa bàn là thiếu kinh phí để xử lý rác thải và thiếu nơi chôn lấp. Bên cạnh đó, ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận người dân còn kém, do vậy đến nay huyện chưa có xã nào đạt tiêu chí môi trường.

Cần nâng cao ý thức cộng đồng

Miền núi khó khăn đã vậy, tại các vùng đồng bằng, thậm chí ngay một huyện của thủ đô Hà Nội là Ba Vì, nhiều địa phương cũng đang lâm vào tình trạng dở khóc, dở cười vì rác thải. Năm 2012, xã Minh Quang đã thành lập các tổ thu gom rác thải, mua xe thu gom, nhưng rác cũng mới được đưa về bãi tập kết chứ chưa được xử lý vì không có kinh phí. Qua thời gian, những bãi tập kết rác đầy ứ vì quá tải, bốc mùi hôi thối, ruồi nhặng thi nhau sinh sôi nảy nở…

Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối T.Ư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, hiện cả nước mới có 40% số xã thành lập tổ thu gom rác thải (tăng 10% xã so với trước thời điểm thực hiện xây dựng NTM); 18,5% số xã có hệ thống nước thải chung; nâng cấp, xây dựng hơn 1.000 công trình nước sạch tập trung…

Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Trần Nhật Lam – Phó Chánh văn phòng điều phối T.Ư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM cho biết: Hầu hết các địa phương đều gặp khó khăn trong thực hiện tiêu chí môi trường, phần vì thiếu vốn, phần vì ý thức một bộ phận người dân còn yếu.

Vừa qua, một số tỉnh tiến hành thẩm định xã công bố đạt chuẩn, nhưng nhiều xã bị loại vì tiêu chí môi trường chưa đạt. Rồi ngay cả việc quy hoạch nghĩa trang, cũng phải tùy vào phong tục tập quán của từng địa phương, từng dân tộc, có nơi người dân quen chôn người thân đã qua đời trong vườn nhà, hay hỏa táng…

“Do đó chúng ta không thể áp đặt các chỉ tiêu trong bộ tiêu chí cho tất cả các địa phương, mà phải thực hiện một cách linh hoạt; chú trọng nâng cao ý thức của cộng đồng và huy động toàn dân chung tay thực hiện.

Trong điều kiện nguồn vốn của các địa phương hạn chế, cần ưu tiên thực hiện các công việc cấp thiết, như nước sạch, thu gom và xử lý rác thải, đồng thời triển khai những việc cần ít tiền, như phát quang bụi rậm quanh nhà, ven đường làng ngõ xóm, cải tạo vườn tạp để vừa có thu nhập, vừa có cảnh quan đẹp trong mỗi gia đình…” – ông Lam nói.

Trên thực tế, cũng có nhiều địa phương có cách làm hay, sáng tạo trong thực hiện tiêu chí số 17, đơn cử như xã Thanh Lương (Văn Chấn, Yên Bái). Mặc dù là xã nghèo, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống, nhưng khi bắt tay vào xây dựng NTM, xã đã tập trung vào tiêu chí môi trường, bởi đây là một trong những tiêu chí khó nhất, song cũng thiết thực nhất.

Toàn xã khi đó có 752 hộ thì chỉ 6% hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi vẫn nằm sát nhà ở… Nếu để các hộ tự xây nhà vệ sinh thì rất khó, vì vậy xã đã có sáng kiến góp vốn và đổi công. Theo đó, mỗi thôn hình thành các nhóm giúp nhau xây nhà tiêu (mỗi nhóm từ 5 - 7 hộ chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh); mỗi hộ góp từ 200.000 đồng trở lên và tham gia ngày công.

Với cách làm này, mỗi tháng các nhóm sẽ làm nhà vệ sinh cho một hộ và xoay vòng cho đến khi hộ cuối cùng trong nhóm xây xong. Ngoài ra, tại các nhà văn hóa còn làm bảng thống kê, sơ đồ về thực trạng nhà tiêu hợp vệ sinh.

Màu xanh là hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh, màu đỏ là hộ đã có công trình, nhưng chưa hợp vệ sinh, màu vàng là những hộ chưa có nhà vệ sinh. Chị Đinh Thị Hường ở thôn Bản Lào cho biết: "Nhìn trên sơ đồ thì thấy ngay gia đình tôi chưa có nhà vệ sinh, xấu hổ lắm. Vì thế chúng tôi đã cố gắng hoàn thành trong năm 2013 để được dán màu xanh trên sơ đồ".

Ông Trịnh Xuân Thành- Chủ tịch UBND xã Thanh Lương cho biết: Đến nay tỷ lệ hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh của xã đã đạt gần 80%. Dù đã cơ bản đạt tiêu chí 17, nhưng xã sẽ tiếp tục vận động người dân góp công, góp của để đến giữa năm nay, 100% số hộ sẽ có nhà tiêu hợp vệ sinh.


Related news

Nông Dân Ùn Ùn Trồng Khoai Xuất Khẩu Nông Dân Ùn Ùn Trồng Khoai Xuất Khẩu

Chiều 29-3, ông Huỳnh Văn Quân, Phó Chủ nhiệm HTX khoai lang Tân Thành, huyện Bình Tân (Vĩnh Long) cho biết, khoai lang tím Nhật đang được thương lái thu mua để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với giá từ 570.000 - 600.000 đồng/tạ; dù mức giá đã giảm khoảng 400.000 - 500.000 đồng/tạ so thời điểm đầu tháng 2-2013, nhưng vẫn còn cao đảm bảo nông dân có lãi.

Monday. April 1st, 2013
Thêm Động Lực Cho Người Nuôi Tôm Thêm Động Lực Cho Người Nuôi Tôm

Cà Mau là 1 trong 21 tỉnh, thành được chọn triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) theo Quyết định 315 của Chính phủ. BHNN như nguồn động lực lớn khích lệ nông dân mạnh dạn đầu tư, tăng năng suất, sản lượng, bảo đảm tính cạnh tranh của hàng hoá trên thị trường.

Tuesday. April 2nd, 2013
Trên 600 Ha Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Ở Phước Long (Bạc Liêu) Trên 600 Ha Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Ở Phước Long (Bạc Liêu)

Vụ nuôi thủy sản năm 2013, huyện Phước Long (Bạc Liêu) có 19.650 ha nuôi tôm. Tuy nhiên, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng ở địa phương này chiếm tới 640 ha, tập trung ở hai xã Phong Thạnh Tây A và Phong Thạnh Tây B.

Tuesday. April 2nd, 2013
Tái Đàn Sau Dịch Heo Tai Xanh Gười Chăn Nuôi Gặp Khó Ở Quảng Nam Tái Đàn Sau Dịch Heo Tai Xanh Gười Chăn Nuôi Gặp Khó Ở Quảng Nam

Đợt dịch tai xanh vừa qua tại 7 huyện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có gần 4.400 con heo bị nhiễm vi rút Lelystad, trong đó 1.573 con chết, phải tiêu hủy bắt buộc. Sau khi mầm bệnh được dập tắt, người chăn nuôi muốn mau chóng gầy dựng lại đàn gia súc (tái đàn) nhưng họ đang gặp phải khó khăn vì giá heo giống và heo choai nuôi thịt liên tục tăng lên...

Tuesday. April 2nd, 2013
Giống Lúa “Chịu Hạn, Chống Rét” Giống Lúa “Chịu Hạn, Chống Rét”

Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện có một diện tích đất trồng lúa dựa vào nguồn nước trời và thực tế thu hoạch khá bấp bênh. Giống lúa P6 đột biến bén duyên với mảnh đất Quảng Nam bước đầu đem lại tín hiệu khả quan cho người nông dân.

Tuesday. April 2nd, 2013