Thực Hiện Đồng Bộ Nhiều Giải Pháp Để Gỡ Khó Cho Người Nuôi Cá Tra
Những tháng đầu năm 2013, tình hình nuôi và tiêu thụ cá tra trên địa bàn tỉnh Tiền Giang diễn biến không thuận lợi do giá cá tra nguyên liệu hầu như luôn nằm dưới giá thành sản xuất khiến nông dân nuôi cá lỗ nặng, phải thu hẹp sản xuất. Trong khi đó, các doanh nghiệp (DN) chế biến cá tra xuất khẩu (XK) lại cạnh tranh nhau về giá XK cá tra phi lê dẫn đến giá cá liên tục giảm.
Khó khăn “chồng chất”
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, từ đầu năm đến nay giá cá thương phẩm liên tục nằm dưới giá thành sản xuất (dao động từ 19.000 - 21.000 đồng/kg), tiêu thụ lại khó khăn khiến người nuôi chịu thua lỗ, hết vốn và các hộ nuôi nhỏ lẻ hầu như không còn khả năng tái sản xuất. Những ngày gần đây, giá cá tra có xu hướng tăng nhưng hiện cũng chỉ từ 22.000 - 23.000 đồng/kg, trong khi giá thành nuôi cá bình quân trên 23.000 đồng/kg nên người nuôi cá vẫn đang ở ngưỡng hòa vốn, thậm chí lỗ nếu kỹ thuật nuôi không tốt.
Sản xuất thua lỗ kéo dài dẫn đến tình trạng hoạt động nuôi cá tra hiện nay hầu như chỉ còn diễn ra ở các vùng nguyên liệu của DN chế biến cá tra XK. Số liệu thống kê cho thấy, diện tích thả nuôi cá tra 9 tháng qua là 89,5 ha, giảm 7,2 ha so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, diện tích thả nuôi cá tra của DN có nhà máy chế biến là 48,7 ha, chiếm 54,4% diện tích thả nuôi; DN không có nhà máy chế biến là 7,6 ha, chiếm 8,5%; hộ gia đình là 27,7 ha, chiếm 31% và hợp tác xã là 5,5 ha, chiếm 6,1%.
XK cá tra hiện có quá nhiều đầu mối, giá bán sản phẩm XK không thống nhất, DN bán cá tra phi lê với giá thấp rồi quay lại ép giá thu mua cá của nông dân. Việc cạnh tranh không lành mạnh này cũng góp phần đem lại khó khăn cho việc nuôi và XK cá tra trong thời gian qua.
Toàn tỉnh có 10 DN chế biến cá tra XK, trong đó có 5 DN có vùng nuôi cá tra nguyên liệu. Trong 9 tháng qua, sản lượng cá tra chế biến XK đạt 80.539 tấn, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2012 nhưng kim ngạch XK chỉ đạt 173 triệu USD, giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện nay, người nuôi cá tra gặp nhiều khó khăn do ít có khả năng vay thêm vốn từ ngân hàng bởi không còn tài sản để thế chấp và việc ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với DN rất khó khăn. Việc liên kết sản xuất giữa nông dân nuôi cá tra với các DN vẫn còn rất lỏng lẻo, tình trạng kéo dài thời gian trả tiền mua cá tra nguyên liệu của các DN chế biến cá tra XK vẫn còn xảy ra. Trong khi đó, giá vật tư đầu vào cao; chất lượng con giống, tỷ lệ sống trong quá trình ương nuôi thấp, do đó hiệu quả nuôi, chế biến và XK không cao.
Giải pháp tháo gỡ
Để ngành cá tra phát triển bền vững trong thời gian tới, ông Phan Hữu Hội, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản đề xuất cần tăng cường liên kết giữa các mắt xích trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ cá tra từ khâu ương giống, nông dân nuôi cá, DN chế biến XK cùng với các DN sản xuất thức ăn cá tra nhằm đảm bảo sự gắn kết lâu dài và hài hòa lợi ích cho từng cá nhân, tổ chức trong chuỗi.
Khuyến cáo hộ nuôi nhỏ lẻ chỉ nên thả nuôi cá tra khi đã có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; thả nuôi với mật độ vừa phải để nâng cao tỷ lệ sống cá giống nhằm giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản xuất; đồng thời, các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra chất lượng đầu vào, nâng cao chất lượng sử dụng đàn cá tra bố mẹ chọn giống, nâng cao chất lượng cá tra giống, tăng cường tập huấn quy trình thực hành nuôi trồng thủy sản tốt đối với cá tra như VietGAP, GLobalGAP...
Ông Phan Hữu Hội cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm hoàn chỉnh dự thảo trình Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý sản xuất và tiêu thụ cá tra. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính bố trí nguồn vốn để triển khai thực hiện đề án Phát triển nuôi trồng thủy sản đến năm 2020 và đề án sản xuất, tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL.
Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định lại giá trị giữa đất trồng lúa và đất nuôi trồng thủy sản thành 2 đối tượng riêng biệt trên cơ sở giá trị đầu tư để người nuôi cá tra có cơ sở thế chấp vay vốn ngân hàng với mức cao hơn. Ngân hàng Nhà nước xem xét điều chỉnh lại phương thức cho vay vốn hiện nay nhằm giúp DN và người nuôi có khả năng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi theo chỉ đạo của Chính phủ.
Tổng diện tích mặt nước ao nuôi cá tra của tỉnh hiện nay là 123,3ha; trong đó diện tích nuôi cá tra của các hộ nuôi là 38,8 ha, diện tích nuôi cá của các DN là 68,9 ha, còn lại là diện tích nuôi cá của Hợp tác xã cá tra Hòa Hưng (15,6 ha).
Đến nay toàn tỉnh đã thu hoạch 78,5 ha với sản lượng 25.928 tấn (chủ yếu là diện tích cá thả nuôi từ năm 2012), giảm 15,1 ha và giảm 3.500 tấn so với cùng kỳ năm 2012. Dự kiến tổng sản lượng cá tra thu hoạch năm 2013 toàn tỉnh khoảng 34.000 tấn.
Related news
Nhím là loài gặm nhấm rất dễ nuôi, ít dịch bệnh, kháng bệnh tốt, yêu cầu về chăm sóc, nuôi dưỡng đơn giản, hiệu quả kinh tế mang lại cao. Thấy được nguồn lợi đó, những năm gần đây, một số hộ gia đình của huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) đã chuyển sang nuôi nhím.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh, 6 tháng đầu năm 2012, sản lượng khai thác thủy sản của bà con ngư dân trong tỉnh đạt khoảng 34.307 tấn, đạt trên 50% kế hoạch năm. Ngư dân ở hầu khắp các địa bàn trong tỉnh đều “trúng” mùa với sản lượng khá.
Với hơn 30 mẫu trồng cam Canh và phật thủ ở quê nhà và hơn 1 ha cam trồng tại huyện Lục Ngạn, Bắc Giang, anh Nguyễn Quang Thu ở xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội mỗi năm đạt tổng thu nhập gần 1,5 tỷ đồng.
Quy trình bón phân NPK Văn Điển cho cây cao su thời kỳ kinh doanh.
Tối 20.4, trên tuyến QL1A, thuộc xã Tân Phong, H.Giá Rai (Bạc Liêu), Thanh tra Sở NN-PTNT phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bạc Liêu bắt quả tang xe tải mang biển số 69L-7096, do tài xế Hứa Văn Sáu (quê Vĩnh Long) điều khiển, đang vận chuyển trên 300 kg tôm sú nguyên liệu có chứa tạp chất. Lực lượng kiểm tra đã tịch thu toàn bộ số tôm vi phạm, để tiếp tục điều tra, xử lý.