Thúc đẩy sản xuất giống cá hồi vân
Nghề nuôi cá nước lạnh đang mang lại hiệu quả kinh tế cao; cá hồi cùng với cá tầm trở thành đối tượng được phát triển nuôi tại nhiều địa phương có lợi thế, góp phần vào khai thác tiềm năng các thủy vực nước lạnh.
Cá hồi vân có đặc điểm là lớn nhanh, thành thục sớm, kích cỡ trứng lớn. Ảnh: Native
Đặc điểm sinh học
Cá hồi vân (tên khoa học là Oncorhynchus mykiss), là một loài cá hồi bản địa ở các sông nhánh của Thái Bình Dương ở châu Á và Bắc Mỹ, được di nhập vào nuôi ở nhiều nước châu Âu từ những năm 1890. Là loài cá được gia hóa và nuôi thành công sớm nhất trong các thủy vực nước ngọt. Thân cá thon dài, thường có màu xanh lam đến xanh olive và có các chấm đen hình cánh sao, bên dưới bụng màu trắng. Cá hồi vân là loài ưa lạnh, sinh trưởng và phát triển tốt nhất trong điều kiện nhiệt độ nước từ 10 – 20 độ C, hàm lượng ôxy hòa tan >6 mg/l, pH thích hợp là 6,7 – 7,5. Ngoài tự nhiên, khi còn nhỏ cá hồi vân ăn ấu trùng của côn trùng, giáp xác nhỏ, động vật phù du. Khi trưởng thành chúng ăn giáp xác (ốc, trai…), côn trùng nước và cả cá con.
Cá hồi vân nuôi có đặc điểm là lớn nhanh, thành thục sớm, kích cỡ trứng lớn. Cá bố mẹ thường được nuôi vỗ riêng trong ao nước chảy. Cá hồi vân nuôi 1 năm có thể đạt trọng lượng 1 – 1,5 kg/con, thành thục sau 2 đến 3 năm tuổi. Cá có khả năng thích nghi cao trong các môi trường nuôi khác nhau. Thông thường cá đực bắt đầu phát dục sau hai năm tuổi, còn cá cái thành thục muộn hơn khi chúng đạt ba tuổi. Cá đực ở lứa tuổi từ hai đến bốn năm là thích hợp nhất để cho sinh sản. Cá hồi vân sinh sản tự nhiên trong các thủy vực nước lạnh. Chúng có tập tính đào tổ đẻ trứng. Trứng cá hồi vân có kích thước khá lớn, không dính và chìm trong nước. Một con cái có thể đẻ từ 700 – 4.000 trứng/lứa. Sau khi đẻ, trứng được thụ tinh và ấp trong tổ. Thông thường mùa sinh sản xuất hiện từ tháng 2 – 5, có thể kéo dài đến tháng 8. Màu sắc thay đổi theo môi trường sống, kích thước và tình trạng thành thục. Cá vào mùa sinh sản có xu hướng tối màu hơn với màu sắc sậm hơn, trong khi cá sống nước ngọt có màu sáng hơn và bạc hơn.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ
Nhận thấy cá hồi vân là loài có thể phát triển tại một số khu vực điều kiện khí hậu đặc biệt, năm 2005, theo một dự án của Bộ NN&PTNT, cá hồi vân được nhập vào nước ta từ Phần Lan dưới dạng trứng đã thụ tinh (phôi đang phát triển). Trong giai đoạn 2005 – 2010, Trung tâm Nghiên cứu Thủy sản nước lạnh (Trung tâm) thuộc Viện nghiên cứu NTTS I (RIA 1) là đơn vị đầu tiên đã nghiên cứu và làm chủ công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá hồi vân. Năm 2010 – 2012, Trung tâm tiếp tục thực hiện thành công Dự án “Nghiên cứu quy trình công nghệ sản xuất giống cá hồi vân toàn cái”; với mục tiêu làm chủ công nghệ sản xuất giống cá hồi vân toàn cái và cải thiện nâng cao chất lượng con giống nhằm tăng kích cỡ cá nuôi thương phẩm.
Ngoài ra, để góp phần thúc đẩy nghề nuôi cá hồi vân phát triển, năm 2018, HTX cá hồi Thác Vàng Sa Pa đã đề xuất và được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt thực hiện Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ sản xuất giống cá hồi vân tại Sa Pa”. Thông qua thực hiện Dự án, HTX đã ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ sản xuất thành công giống cá hồi vân, giúp chủ động được nguồn giống phục vụ sản xuất, góp phần phát triển bền vững nghề nuôi thủy sản nước lạnh trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Dự án đã ương nuôi và sản xuất được 3 triệu con cá hồi vân giống tam bội tại HTX; lựa chọn và duy trì nuôi đàn cá bố mẹ với 4.000 con cái và 2.000 con đực, đàn cá được lựa chọn đảm bảo chất lượng tốt, không lai tạp.
Nhờ sự đầu tư về khoa học công nghệ trong sản xuất giống, đến nay, cá hồi vân đã được nuôi và cho kết quả khả quan ở các tỉnh Lào Cai, Sơn La, Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng, Lâm Đồng. Việc sản xuất và nuôi thương phẩm cá hồi vân góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế địa phương của các tỉnh vùng núi phía Bắc; giúp khai thác nguồn nước lạnh sẵn có ở vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao tạo ra một sản phẩm đặc thù có giá trị cao. Điển hình như tỉnh Lào Cai, mô hình nuôi cá hồi vân được địa phương đánh giá rất tốt, chỉ tính riêng khu vực Sa Pa, năm 2019, có khoảng 500 hộ nuôi, góp phần làm phong phú ẩm thực du lịch của địa phương.
Hiện nay, nhu cầu giống cá hồi vân cần khoảng 1 triệu con/năm. Tuy nhiên, các cơ sở trong nước vẫn chưa đáp ứng đủ mà còn phụ thuộc phần nào vào nhập khẩu.
Related news
Nhiều mô hình nuôi tôm công nghệ cao được tỉnh Quảng Trị áp dụng, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từng bước hình thành chuỗi liên kết
Bệnh rận cá (Fish Lice) là một bệnh phổ biến trên cá Koi do ký sinh trùng gây ra. Bệnh này dễ phòng, trị và khả năng phục hồi cao.
Nhiệt độ môi trường nước ao thay đổi theo khí hậu mỗi mùa và tùy từng vùng lãnh thổ. Vì vậy, cần quản lý tốt nhiệt độ để tôm sinh trưởng và phát triển tốt