Thừa Thiên Huế Thử Nghiệm Thành Công Giống Lúa Mới

Được chọn để gieo cấy khảo nghiệm là những vùng đất khó sản xuất, chua phèn nhưng các giống lúa mới đều thích ứng tốt, đạt năng suất và chất lượng sản phẩm cao.
Nông dân Nguyễn Đức Thanh, xã viên Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Phú Lương 3 (Phú Vang - Thừa Thiên Huế) phấn khởi: “Giống lúa Thiên ưu 8 thật sự “bén duyên” trên vùng đất khó tại địa phương. Đồng ruộng được chọn để gieo cấy thường bị chua phèn, thấp trũng nhưng giống lúa trên vẫn phát triển tốt, không bị đổ ngã. Mật độ ché bông, hạt vào chắc cao hơn so với nhiều giống lúa thông thường nên đạt năng suất cao”. Thích nghi cao
Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Phú Lương 3, ông Lê Thẻo đánh giá cao năng suất và chất lượng giống lúa Thiên ưu 8. Mô hình giống lúa mới trên được khảo nghiệm trong vụ hè thu 2014 với diện tích 6 ha, tại HTX Nông nghiệp Phú Lương 3, do Công ty cổ phần Giống cây trồng Trung ương phối hợp với Trạm Khuyến nông lâm ngư huyện Phú Vang thực hiện. Nông dân Nguyễn Đức Thành cũng như 15 hộ tham gia mô hình đều cho rằng, giống lúa Thiên ưu 8 có nhiều ưu điểm, thích hợp với điều kiện đất đai đồng ruộng tại địa phương.
Giống lúa mới này chống chịu rất tốt trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, sâu bệnh gây hại và tạo ra sản phẩm chất lượng, thơm ngon, dẻo... Năng suất lúa bình quân đạt 72 tạ/ha, cao hơn 7 tạ, thu nhập bình quân khoảng 47 triệu đồng/ha, lãi gần 23 triệu đồng, cao hơn 6 triệu đồng so với Khang Dân 18.
Tại HTX Nông nghiệp Lâm Lý và Đông Vinh (Quảng Điền), Công ty cổ phần Giống cây trồng và vật nuôi tỉnh thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lúa NA2 với diện tích 30 ha trong vụ hè thu 2014.
Phó Giám đốc công ty, ông Trần Đức Tôn tỏ ra vui mừng trước những thành quả bước đầu của giống lúa NA2, năng suất đạt 70-75 tạ/ha. Đây không chỉ là điều kiện nâng cao uy tín trong hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty, mà còn là cơ hội đối với nông dân nâng cao năng suất và chất lượng lúa gạo trong xu thế hội nhập.
Giống lúa NA2 không chỉ đạt năng suất cao, mà còn tạo ra sản phẩm thơm ngon, chất lượng, thích hợp với nhiều chân đất, thời gian sinh trưởng ngắn chỉ 93-95 ngày, thân cây cứng, gọn khóm, không đổ ngã, ít xảy ra sâu bệnh. Sản phẩm sau khi thu hoạch đều được công ty thu mua theo giá thị trường nên nông dân không lo đầu ra.
Giống lúa Ma Lâm 214 và 48 được Trung tâm Khuyến nông lâm ngư tỉnh đưa vào gieo cấy khảo nghiệm trong vụ hè thu 2014 tại HTX Mỹ Phú (Phong Điền), cho thấy nhiều ưu điểm vượt trội so với nhiều giống thông thường.
Năng suất không chỉ đạt cao trên 60 tạ/ha, giống lúa Ma Lâm 214 và 48 còn có thời gian sinh trưởng cực ngắn, chỉ 88-90 ngày nên hạn chế tối đa rủi ro do bão lũ. Bà Bùi Thị Hải Yến, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông lâm ngư tỉnh thông tin, các giống lúa trên có nhiều triển vọng vì thích hợp với nhiều chân đất, có thể nhân rộng trên địa bàn tỉnh.
Hai giống lúa này rất dễ sản xuất, thích nghi tốt cả những vùng đất chua phèn, chống chịu rất tốt trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt và có khả năng đẻ nhánh khỏe, số bông trên khóm đều. Chất lượng và giá trị sản phẩm khá cao, được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, có thể hướng đến xuất khẩu.
Bao tiêu sản phẩm
Ông Trần Quang Phước, Trưởng phòng Trồng trọt thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đánh giá rất cao kết quả các giống lúa mới mang lại. Đây là việc mà các cơ quan, ban ngành tiếp tục tìm tòi, chọn lựa những giống lúa mới phù hợp, chất lượng cao để sản xuất thử nghiệm.
Đối với những giống lúa đã sản xuất thành công, các đơn vị phối hợp với các địa phương, HTX tiến hành khảo sát đồng ruộng để nhân rộng, thay thế các giống thông thường năng suất và chất lượng thấp; đồng thời có phương án thu mua, bao tiêu sản phẩm cho nông dân với giá ổn định.
Vụ hè thu này, Công ty cổ phần Giống cây trồng và vật nuôi tỉnh không chỉ sản xuất thành công mô hình cánh đồng mẫu với giống lúa chất lượng cao, mà còn tổ chức bao tiêu toàn bộ sản phẩm là tín hiệu vui đối với nông dân.
Vụ hè thu 2014, các cơ quan chức năng đưa một số giống lúa mới chất lượng cao vào sản xuất thử nghiệm thành công, như HN6, RVT... Các giống lúa trên đều thích hợp trên những vùng đất chua phèn, chịu hạn và sâu bệnh rất tốt; năng suất bình quân đạt cao từ 60 tạ/ha trở lên, lãi ròng từ 11 triệu đến 15 triệu đồng; chất lượng gạo thơm ngon, dẻo nên có thể đưa vào gieo cấy thay thế các giống thông thường.
Related news

Từ một hộ nghèo có cuộc sống kinh tế khó khăn, nhờ áp dụng hiệu quả mô hình chăn nuôi bò sinh sản,đến nay gia đình ông Bùi Văn Bảo ở xóm Đồng Bái, xã Đú Sáng (Kim Bôi - Hòa Bình) là hộ điển hình trong phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo, mỗi năm cho thu nhập hơn 100 triệu đồng từ việc bán bò, bê.

Bà Nguyễn Thị Chi, thôn Tân Thuận, xã Tân Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng tâm sự, tình cờ bà đọc được thông tin trên báo chí giới thiệu mô hình nuôi chim bồ câu ở TPHCM rất hiệu quả. Năm 2006 hai vợ chồng bà lặn lội về tận nơi để tham quan, học hỏi kinh nghiệm và mua được 10 cặp chim bố mẹ về nuôi thử.

Ông Lê Hồng Đức - Chủ tịch Hiệp Hội thủy sản huyện Châu Thành (Đồng Tháp) cho biết, những ngày gần đây giá cá tra nguyên liệu đã tăng trở lại.

Đầu năm 2013, cùng với các huyện: Vĩnh Lộc, Triệu Sơn và Thiệu Hóa, huyện Yên Định (Thanh Hóa) đã được Trung tâm Khuyến nông tỉnh lựa chọn xây dựng thí điểm mô hình chăn nuôi gà đồi an toàn sinh học tại 2 xã là Định Tường và Định Liên với hơn 3.500 con giống và hơn 20 hộ gia đình tham gia nuôi thử.

Tính đến nay, toàn tỉnh Khánh Hòa có gần 1.200 tàu đánh bắt xa bờ với hơn 10.000 lao động, được tổ chức thành gần 170 tổ đoàn kết sản xuất an toàn trên biển. Các tổ đoàn kết trên cơ sở quan hệ gia đình, bạn bè, cùng khai thác trên 1 ngư trường và giúp nhau tìm kiếm, cứu nạn.