Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thua lỗ vì nuôi tu hài

Thua lỗ vì nuôi tu hài
Publish date: Thursday. September 10th, 2015

Thua lỗ liên tiếp

Đến những vùng nuôi trồng thủy sản trên vịnh Cam Ranh, chúng tôi bắt gặp không ít ánh mắt đượm buồn của người nuôi tu hài.

Ông Nguyễn Xuân Quyền (phường Cam Nghĩa) chia sẻ: “Gia đình tôi là một trong những hộ nuôi tu hài đầu tiên tại Cam Nghĩa. Mấy vụ nuôi đầu, khi môi trường nước còn sạch, con giống đảm bảo, tỷ lệ tu hài sống rất cao. Việc đầu tư nuôi tu hài mang lại hiệu quả lớn, có khi 1 vốn lên đến 3 - 4 lời. Nhưng niềm vui kéo dài chẳng được bao lâu, trong 6 - 7 vụ nuôi gần đây, tu hài cứ chết dần, ban đầu tỷ lệ chết 40 - 50%, sau lên 60%; nặng nhất là vụ này, tỷ lệ chết lên đến 80%. Vụ nuôi này, gia đình tôi đầu tư 100 triệu đồng nuôi 1.600 rổ, nhưng khi thu hoạch chỉ được mấy chục ký, thua lỗ hơn 85 triệu đồng”.

Gia đình ông Nguyễn Văn Thắng (bên phải) bị thiệt hại nặng sau nhiều năm nuôi tu hài

Qua câu chuyện với ông Quyền, chúng tôi được biết, mô hình nuôi tu hài và hàu trên vịnh Cam Ranh được Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III triển khai trên khu vực đầm của phường Cam Nghĩa vào tháng 3-2012. Khi đó, tu hài được nuôi trong khay thả đáy, còn hàu được nuôi cột vào bè và treo giàn trên khung bè cắm cố định

. Ngày ấy, 5 hộ dân của phường Cam Nghĩa và 2 hộ ở phường Cam Phúc Bắc đã được đầu tư 10,5 vạn con giống tu hài để thả nuôi trong 3.500 rổ. Sau 5 tháng thả nuôi, tu hài cho thu hoạch với tỷ lệ sống đạt 80%, kích cỡ tu hài đạt khoảng 20 con/kg. Với giá bán ở thời điểm đó (220.000 đồng/kg), sau khi trừ chi phí đầu tư (khoảng 70.000 đồng/kg), người nuôi thu lãi lên đến 150.000 đồng/kg.

Vì lợi nhuận cao nên nhiều hộ nuôi trồng thủy sản ở Cam Nghĩa và Cam Phúc Bắc đã tập trung đầu tư nuôi tu hài. Hộ ít thì nuôi vài nghìn con giống, hộ nhiều lên đến vài chục vạn...

Người nuôi treo rổ

Chúng tôi được ông Nguyễn Văn Thắng - Chủ tịch Hội Nông dân phường Cam Nghĩa đưa đến bè nuôi tu hài của gia đình ông.

Chỉ về phía những chiếc rổ đã được xếp gọn bên mép biển, ông Thắng cho hay: “Năm nay, gia đình tôi đầu tư 120 triệu đồng để thả nuôi 60.000 con tu hài thương phẩm trong 2.000 rổ. Tuy nhiên, tu hài cứ chết dần, chết mòn. Mỗi rổ, tôi thả nuôi 30 con, nhưng khi thu hoạch chỉ còn 3 - 4 con còn sống. Do tỷ lệ chết nhiều nên thu hoạch toàn bộ chỉ được 60kg. Tuy giá bán tu hài cao (hiện nay 350.000 đồng/kg) nhưng gia đình tôi cũng thua lỗ 100 triệu đồng. Bây giờ, nghĩ đến tu hài tôi lại thấy ngán ngẫm...”.

Chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Ngọc Vũ - một trong những hộ từng nuôi tu hài quy mô lớn nhất Cam Nghĩa.

Ông Vũ kể: “Năm 2012, khi thấy mô hình nuôi tu hài mang lại hiệu quả kinh tế cao, tháng 4-2013, gia đình tôi đã đầu tư 1,2 tỷ đồng để ươm 5 triệu con tu hài giống và thả nuôi 25 vạn con tu hài thịt, thế nhưng bị thiệt hại 100%. Vụ kế tiếp, tôi quyết định tiếp tục nuôi tu hài để gỡ gạc vốn, nhưng rồi cũng thất bại. Từ đó, tôi quyết định treo rổ, không nuôi tu hài mà chuyển sang các đối tượng nuôi khác”. Ông Vũ chia sẻ, tuy tu hài là đối tượng nuôi siêu lợi nhuận nhưng lại khó nuôi, bởi đối tượng này rất nhạy cảm với môi trường.

Ông Võ Văn Tuấn, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông - Khuyến lâm - Khuyến ngư TP. Cam Ranh: Tu hài chủ yếu được nuôi ở Cam Phúc Bắc và Cam Nghĩa. Người dân thả nuôi tu hài 2 vụ/năm nhưng đều thất bại; do đó, diện tích nuôi đối tượng này bị thu hẹp, từ hơn 10ha (trước đây) giảm xuống còn khoảng 2ha. Nguyên nhân tu hài chết chủ yếu do môi trường nước bị ô nhiễm, mật độ thả nuôi quá dày, trong khi con giống nuôi thương phẩm không đảm bảo chất lượng...

Không riêng ngư dân phường Cam Nghĩa, nhiều ngư dân phường Cam Phúc Bắc cũng đã quyết định ngừng nuôi tu hài.

Ông Trần Văn Dũng - Tổ trưởng tổ dân phố Hòa Do 5B cho hay: “Những năm 2012 - 2013, ở tổ dân phố chúng tôi có hơn 20 hộ nuôi tu hài, có hộ nuôi hàng chục nghìn rổ, diện tích nuôi hơn 5ha; thế nhưng, tu hài chết liên tiếp nhiều vụ khiến ngư dân thua lỗ nặng, nhiều hộ đứt vốn nên không thể tiếp tục đầu tư. Hiện nay, số hộ nuôi tu hài còn chưa đến 10 hộ, số lượng nuôi cũng rất ít, nhỏ lẻ, nuôi kèm với các đối tượng khác”.

Theo thống kê của Hội Nông dân phường Cam Nghĩa, vào lúc cao điểm, số hộ nuôi tu hài tại địa phương này lên đến 30 hộ, quy mô nuôi rất lớn, nhưng bây giờ chỉ còn 10 hộ nuôi, trong đó 5 hộ nuôi lớn với khoảng 2.000 rổ/hộ (30 con giống/rổ), những hộ còn lại chỉ nuôi vài trăm rổ. “Tuy hiện nay giá tu hài rất cao, loại 20 con/kg giá đến 350.000 đồng/kg, nhưng hầu hết người nuôi tu hài ở Cam Nghĩa quyết định treo rổ vì tỷ lệ tu hài chết quá nhiều. Sở dĩ người dân không dám nuôi tu hài là do nước trong vịnh Cam Ranh bị ô nhiễm”, ông Nguyễn Văn Thắng lý giải.

Qua trao đổi với người nuôi tu hài, chúng tôi được biết, đây là đối tượng nuôi có suất đầu tư thấp, nhàn công, giá bán thương phẩm rất cao. Tuy nhiên, để việc nuôi tu hài đạt hiệu quả không phải là điều dễ dàng. Những người nuôi có kinh nghiệm cũng đã từ bỏ con tu hài vì thua lỗ. Chính vì vậy, người dân cần hết sức thận trọng khi nghĩ tới chuyện đầu tư nuôi đối tượng này.


Related news

Vị ngọt trái cây đầu mùa Vị ngọt trái cây đầu mùa

Nhiều loại trái cây đã bắt đầu vào mùa thu hoạch, điều khiến nhà vườn phấn khởi hơn là đến thời điểm này, giá cả vẫn còn khá cao.

Friday. May 29th, 2015
Thủy lợi hóa đất màu bằng hệ thống ống kín Thủy lợi hóa đất màu bằng hệ thống ống kín

Công trình thủy lợi hóa đất màu bằng hệ thống ống tưới kín có tổng kinh phí hơn 7,1 tỷ đồng, được triển khai tại xã Tam Ngọc (TP.Tam Kỳ). Sau gần 2 năm thi công, đến nay đã bắt đầu đi vào hoạt động đã giải quyết bài toán thiếu nước dai dẳng của hàng trăm hộ dân địa phương.

Friday. May 29th, 2015
Không có kênh, 17ha đất sản xuất có nguy cơ bỏ hoang Không có kênh, 17ha đất sản xuất có nguy cơ bỏ hoang

Không có nước tưới, 17ha mía xứ đồng Bờ An Cây Dừng, thôn Phước Đức, xã Đức Phú (Mộ Đức) năng suất chỉ đạt 2 tấn/sào. Với giá mía hiện nay, người trồng mía nơi đây không tránh khỏi thua lỗ. Chuyển đổi giống cây trồng là phương án đã được tính đến, nhưng trồng cây gì khi nơi đây chỉ có thể trông chờ vào nước trời. Đó là bài toán khó đối với 110 hộ dân chỉ biết sống nhờ vào đồng ruộng.

Friday. May 29th, 2015
Phát triển cây cao su ở huyện Cam Lộ Phát triển cây cao su ở huyện Cam Lộ

Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết 08 - NQ/HU ngày 17/7/2008 của Huyện ủy Cam Lộ (Quảng Trị) về đẩy mạnh phát triển cây cao su giai đoạn 2008 - 2010; Kết luận số 28 - KL/HU ngày 25/11/2011 của Ban Thường vụ Huyện ủy về nhiệm vụ, giải pháp phát triển cây cao su giai đoạn 2011 - 2015, diện tích cây cao su của địa phương đã phát triển mạnh mẽ, tạo bước chuyển biến cơ bản về cây trồng, khai thác tiềm năng đất đai hợp lý và giải quyết việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho người dân.

Friday. May 29th, 2015
Nâng cao hiệu quả kinh tế vùng lạc Nâng cao hiệu quả kinh tế vùng lạc

Huyện Cam Lộ (Quảng Trị) có diện tích đất có khả năng trồng lạc lớn và quy mô tập trung, thuận lợi để đẩy mạnh phát triển sản xuất luân canh, xen canh, thâm canh tăng năng suất, nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích. Với quy mô sản xuất ổn định hơn 700 ha, đứng thứ hai sau cây lúa, hiện lạc là cây trồng có tính hàng hóa cao, mang lại nguồn thu nhập chính góp phần xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện.

Friday. May 29th, 2015