Thu tiền tỷ từ mô hình VAC
Dẫn chúng tôi đi tham quan mô hình kinh tế của gia đình, chị Dân chia sẻ: Khi chưa làm trang trại, thu nhập của gia đình chủ yếu trông chờ vào mấy sào ruộng khoán; nhưng cấy lúa hay bị sâu bệnh, chuột phá hoại, thêm ảnh hưởng của thiên tai, hiệu quả không cao. Đó là lý do cái nghèo cứ bám mãi.
Từ kiến thức được học tại các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và tham quan thực tế một số mô hình chuyển đổi hiệu quả, tôi thấy mình có thể làm giàu, chỉ cần có vốn và sự quyết tâm.
Biết là vất vả, khó khăn mới có thể gây dựng trang trại nhưng chị Dân vẫn muốn thử sức bởi chị tin “có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Vì vậy, chị đã thuyết phục chồng vay vốn đầu tư phát triển kinh tế gia đình theo hướng trong chuồng nuôi gà, vịt con, dưới ao nuôi cá giống, trên vườn trồng cây cảnh như đào, quất phục vụ thị trường tết.
Ban đầu chị phát triển chăn nuôi quy mô nhỏ để tập trung chăm sóc cây, con cho tốt song kinh nghiệm thực tế còn ít nên các vật nuôi đều chậm phát triển, phát triển không đều, tỷ lệ sống không cao, cây cảnh chưa nở hoa, ra quả đúng độ, lãi không thấy chỉ thấy lỗ. Bại không nản, chị Dân vừa làm vừa tự rút kinh nghiệm, hoàn thiện kỹ thuật nuôi con giống, uốn, chăm sóc cây cảnh để đạt kết quả như ý.
Chị cho biết: Để vật nuôi sinh trưởng và phát triển tốt, chuồng nuôi, máng phục vụ ăn uống phải được vệ sinh sạch sẽ, tiêu độc khử trùng thường xuyên, tùy theo mùa vụ điều chỉnh nhiệt độ nuôi cho phù hợp. Định kỳ tiêm vắc-xin và cho gà, vịt uống kháng sinh phòng bệnh. Sau khi nhập gà, vịt con 3 - 5 ngày tuổi từ các lò ấp trứng uy tín về nuôi từ 1 - 1,5 tháng chị xuất bán.
Với cá giống cần giữ nước ao nuôi sạch, thông thoáng, chọn con giống có chất lượng tốt, cho lượng thức ăn phù hợp, chủ động bổ sung các loại men vi sinh, vitamin để phòng, chống các loại bệnh, tăng sức đề kháng cho cá con. Còn đào và quất, chị chú trọng tạo hình bắt mắt như quất chum, đào thế, canh thời tiết tuốt lá để cây nhiều hoa, nhiều quả.
Khi nắm vững kỹ thuật nuôi, chị Dân mạnh dạn tăng số lượng cây, con trong trang trại nhằm tăng doanh thu, giải quyết việc làm cho lao động của gia đình và địa phương. Đến nay, trang trại của gia đình chị có 5 ao nuôi cá giống, xuất 3 - 4 tấn cá giống/năm; 3 dãy chuồng nuôi gà, vịt con, xuất 25 vạn con/tháng; trồng khoảng 600 cây quất chum, 1.500 gốc đào thế.
Diện tích trang trại tuy nhỏ nhưng được bố trí khoa học, lựa chọn cây, con thích hợp để phát triển nên mang lại nguồn thu 6 - 7 tỷ đồng/năm cho gia đình chị, trừ chi phí còn lãi trên 1 tỷ đồng. Ngoài ra chị Dân còn giải quyết việc làm cho 3 lao động thường xuyên với thu nhập 7 triệu đồng/người/tháng, 4 - 5 lao động thời vụ thu nhập 200.000 đồng/ngày.
Chị Nguyễn Thị Thắm, xã Hoa Lư (Đông Hưng) cho biết: Tôi làm cho gia đình chị Dân nhiều năm nay, công việc nhẹ nhàng, kỹ thuật chăm sóc, tiêm vắc-xin phòng bệnh cho vật nuôi được chị Dân chỉ bảo một thời gian ngắn là tôi làm thành thạo. Gia đình chị Dân đã tạo cho tôi công việc ổn định, có thu nhập, nhờ đó cuộc sống của gia đình đỡ khó khăn.
Phát triển kinh tế VAC từ lâu đã trở thành mô hình hiệu quả để người nông dân nói chung, chị em phụ nữ nói riêng xóa nghèo bền vững và làm giàu ngay tại quê hương mà chị Vũ Thị Dân là một trong những điển hình. Từ những điển hình đó đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển.
Related news
Trong những năm gần đây, từ phong trào thi đua phát triển kinh tế, trên địa bàn, huyện Ứng Hòa thành phố Hà Nội đã xuất hiện nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi
Mặc dù nuôi lươn không bùn không phải là mô hình mới với người dân Hà Tĩnh, nhiều người đã thử nghiệm nhưng không duy trì được lâu dài và phải bỏ cuộc.
Theo lời hẹn vào một ngày tháng 3 nắng đẹp, chúng tôi ghé thăm vườn ổi của gia đình anh Nguyễn Hữu Trường – thành viên Hợp tác xã (HTX) trái cây Mỹ Đức.