Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thủ Phủ Gà Ta

Thủ Phủ Gà Ta
Publish date: Wednesday. October 16th, 2013

Không ngoa chút nào khi gọi ấp 7, xã Bình Sơn (huyện Long Thành) là thủ phủ gà ta của Đồng Nai. Bởi trong một năm, ấp này cung cấp cho thị trường khoảng 1 triệu con gà ta.

 Ấp 7 (xã Bình Sơn) có khoảng 280 hộ dân thì có đến 200 hộ nuôi gà ta. Trong đó, gần 100 hộ nuôi với quy mô lớn, từ vài ngàn đến cả chục ngàn con/lứa. Đây là nơi cung cấp gà ta lớn nhất tỉnh và nghề này đã giúp nhiều người trong ấp trở nên khá giả.

* Nắm lấy cơ hội

Gần 10 năm trước, ấp 7 nổi tiếng với trái sầu riêng, nhưng sau đó sầu riêng bị sâu bệnh, giá cả bấp bênh nên nhiều hộ đành ngậm ngùi chia tay cây sầu riêng và thay bằng chôm chôm. Nhưng cây chôm chôm cũng không giúp cho đời sống của người dân trong ấp khá lên. 2 năm gần đây, con gà ta giúp nhiều hộ trong ấp “đổi đời” và ấp 7 trở nên nổi tiếng với nghề nuôi gà ta. Hàng ngày, người ra vào ấp 7 để mua bán gà ta khá nhộn nhịp. Gà được thương lái đưa về các lò giết mổ rồi phân phối cho các nhà hàng, các chợ trong và ngoài tỉnh. Nơi tiêu thụ gà ta Bình Sơn nhiều nhất vẫn là TP. Hồ Chí Minh.

Anh Trần Kiếm Thành, người nuôi gà ta với số lượng lớn nhất ấp 7, kể: “Tôi làm đủ nghề nhưng cuộc sống vẫn nghèo, chỉ khi chuyển qua nuôi gà ta, kinh tế gia đình mới khá lên. Từ năm 2012 đến nay, tôi tăng đàn lên 10 ngàn con/lứa. Có dịp, gà hút hàng trúng giá, tôi lời 400-500 triệu đồng/lứa”. Theo anh Thành, 1 năm có thể nuôi được 3 lứa gà ta, giá thời điểm thấp nhất cũng đạt 70 ngàn đồng/kg. Vào những dịp khan hàng, giá lên đến 100 ngàn đồng/kg. Do đó, nhiều năm nuôi gà ta nhưng chưa khi nào anh Thành bị thua lỗ.

Thấy anh Thành nuôi gà ta có đầu ra ổn định, giá bán cao nên nhiều hộ trong ấp cũng đầu tư nuôi gà ta. Rồi nhà nọ rủ nhà kia, trên 70% hộ dân ấp 7 đều nuôi gà. “Tôi có vườn rộng 1hécta trồng chôm chôm nhưng lợi nhuận rất thấp, thấy trong ấp nhiều hộ nuôi gà ta cho lợi nhuận cao, tôi đã mua lưới quây vườn để nuôi. Mỗi lứa tôi nuôi khoảng 3 ngàn con, trừ chi phí vẫn lời cả trăm triệu đồng” - anh Phan Văn Điệp, ấp 7, nói.

* Coi trọng chất lượng

Ông Trần Anh Tùng, Chi hội trưởng Hội Nông dân ấp 7, cho hay: “Gà ta ở đây luôn được thương lái đặt mua với số lượng lớn và giá cao là nhờ chất lượng luôn đảm bảo. Tuy nhiều hộ cùng nuôi, song hầu hết đều cẩn thận từ khâu chọn giống đến quá trình chăm sóc và phòng dịch để gà có chất lượng ngon nhất”.

Giống gà ta được các hộ dân trong ấp 7 nuôi có năm loại, gồm: giống địa phương; giống Công Khanh, Minh Dư đặt mua từ tỉnh Bình Định; giống An Đô ở tỉnh Bình Dương và giống gà mía của Đà Lạt. Theo ông Lê Đình Phán, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Sơn, mỗi năm ấp 7 cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh khoảng 1 triệu con gà ta. Hiện nuôi gà ta đã thành nghề chuyên của hơn 2/3 số hộ dân trong ấp 7 và là nguồn thu nhập chính của họ. Tới đây, xã sẽ tiến hành thành lập câu lạc bộ nuôi gà ta trong xã để các hộ cùng trao đổi kinh nghiệm, đảm bảo quy trình nuôi an toàn dịch bệnh để có đầu ra ổn định, lâu dài.

Dù không có quy định nào, nhưng các hộ nuôi gà ta trong ấp 7 đều có “luật bất thành văn” với nhau là chọn giống tại các cơ sở có uy tín, đảm bảo 100% là gà ta. Gà sau thời gian “úm” khoảng 20 ngày thì thả ra vườn rộng cho ăn cám trộn lẫn với lúa, bắp và khoảng hơn 100 ngày mới bắt đầu xuất bán. Đây là thời điểm gà ta ngon nhất, thịt vàng, thơm và dai.


Related news

4 Sản Phẩm Của Tuyên Quang Được Công Nhận Thương Hiệu 4 Sản Phẩm Của Tuyên Quang Được Công Nhận Thương Hiệu

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tuyên Quang, đến nay tỉnh đã có 11 sản phẩm nông sản được chọn để triển khai việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa.

Tuesday. April 29th, 2014
Xây Dựng Thương Hiệu Diếp Cá Kế Xuyên Xây Dựng Thương Hiệu Diếp Cá Kế Xuyên

Hơn 25 năm nay, 48 hộ dân ở tổ 4, thôn Kế Xuyên 1, xã Bình Trung, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, đã thoát nghèo, nuôi con ăn học nhờ trồng rau diếp cá. Địa phương đang xây dựng thương hiệu cho loại rau này.

Tuesday. April 29th, 2014
Dân Tích Cực Dời Gia Súc Khỏi Gầm Nhà Sàn Dân Tích Cực Dời Gia Súc Khỏi Gầm Nhà Sàn

Nhốt gia súc, gia cầm dưới gầm sàn nhà ở là thói quen lâu đời của bà con các dân tộc vùng cao nói chung và trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, bởi xuất phát từ việc muốn bảo vệ gia súc khỏi bị thú dữ ăn thịt, cũng như để tiện quản lý, chăm sóc vật nuôi.

Tuesday. April 29th, 2014
Khai Trương Hệ Thống Cửa Hàng Thực Phẩm An Toàn Khai Trương Hệ Thống Cửa Hàng Thực Phẩm An Toàn

Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội vừa tổ chức ra mắt chuỗi liên kết chăn nuôi và khai trương 5 cửa hàng tiêu thụ thực phẩm an toàn (sản phẩm của Cty CP Cộng đồng Green Food Hà Nội).

Tuesday. April 29th, 2014
Xoài Đài Loan Rớt Giá Thảm Xoài Đài Loan Rớt Giá Thảm

Ông Nguyễn Thanh Sơn, nhà vườn trồng xoài ở thị trấn Chợ Lách, huyện Chợ Lách, Bến Tre, cho biết: Chưa năm nào xoài giống Đài Loan rớt giá thê thảm như năm nay.

Tuesday. April 29th, 2014