Thu Nhập Khá Nhờ Trồng Rau VietGAP

Huỳnh Văn Tâm, ấp Tân Xã, xã Long Hòa (TX. Gò Công) được biết như 1 xã viên tiêu biểu sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP đạt hiệu quả kinh tế cao. Hàng năm sau khi trừ chi phí sản xuất, ông thu lãi gần 100 triệu đồng.
Ghé thăm 1.500 m2 đất đang phủ một màu xanh tươi mơn mởn của cải ngọt, rau dền, mồng tơi... của gia đình ông Tâm, mới thấy được hiệu quả thiết thực của việc sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP mang lại.
Trước đây, gia đình ông có 6.000 m2 đất chủ yếu trồng lúa và luân canh rau màu theo thời vụ, thấy loại nào giá cao trồng ngay loại đó. Năm 2006, HTX Rau an toàn Gò Công ra đời, ông mạnh dạn tham gia vào HTX và chuyển 1.500 m2 đất lúa sang chuyên canh rau an toàn.
Theo ông Tâm, trồng rau an toàn không khó, muốn sản xuất được cần phải siêng năng, tuân thủ theo quy trình sản xuất, có sổ ghi chép lịch thời vụ hẳn hoi. Mọi thứ từ nhà lưới, giống cây trồng, phân bón đến đường ống dẫn nước tưới... đều được HTX hướng dẫn hỗ trợ làm đúng quy trình.
Ông chỉ lo tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật trồng rau, bảo đảm rau thu hoạch phải sạch, phải an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP để đáp ứng được yêu cầu của HTX đưa ra thì bảo đảm sản phẩm do mình làm ra có nơi tiêu thụ, nhiều lúc sản lượng rau còn không đủ để cung cấp cho HTX.
Ông Tâm cho biết: “Lúc đầu tham gia HTX, tôi còn hơi phân vân và cứ nghĩ sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ gây khó khăn trong khâu sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu và cả năng suất thấp. Thế nhưng, khi sản xuất vụ đầu tiên thì năng suất tương đương như sản xuất rau tự do trước đây, những vụ sau có kinh nghiệm, năng suất cao hơn rất nhiều.
Không những thế, sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP còn giảm được 20 - 30% lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt, thời gian cách ly sau khi bón phân, phun thuốc từ 10 - 15 ngày mới thu hoạch nên chất lượng rau bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng.
Theo ông Tâm, sản xuất rau an toàn theo VietGAP thì nước tưới là một trong những tiêu chí quan trọng, bảo đảm cho rau phát triển tốt. Vì vậy, nước tưới phải được lấy từ những nguồn nước sạch.
Khi khoan giếng để lấy nước phải kiểm tra nghiêm ngặt về chất lượng nước, tránh mạch nước chứa kim loại nặng hoặc nước bị ô nhiễm như nước thải từ khu dân cư, bệnh viện, nước phân tươi... để tưới rau, vì dễ dẫn đến rau không phát triển được, năng suất sẽ bị giảm, thậm chí rau còn có thể bị chết héo.
Nếu tuân thủ đúng các quy trình sản xuất của GAP thì bảo đảm rau sản xuất ra sẽ cho năng suất cao, đáp ứng đủ điều kiện để HTX thu mua.
Từ khi vào HTX đến nay, ông luân phiên trồng bầu, bí, mướp, rau muống, rau thơm và các loại cải... Hiện tại, với 1.500 m2 đất mỗi ngày ông cung cấp cho HTX từ 50 - 100 kg rau, những ngày cao điểm lên đến 200 kg. Hàng năm sau khi trừ chi phí sản xuất, ông thu lãi gần 100 triệu đồng, cao gấp 5 lần so với cây lúa.
Ông Nguyễn Văn An, Giám đốc HTX Rau an toàn Gò Công, cho biết: “Trước hiệu quả thiết thực mang lại cho xã viên trong việc sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, HTX sẽ tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường, bảo đảm việc tiêu thụ rau của bà con một cách tốt nhất, giá cả có lời để bà con an tâm khi tham gia vào HTX..., góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn và nâng cao thu nhập cho bà con trong vùng”.
Related news

Trại Giống nông nghiệp huyện Điện Biên thuộc Công ty Cổ phần Giống Nông nghiệp tỉnh, từ lâu là địa chỉ tin cậy cung cấp giống lúa tốt cho bà con nông dân trong tỉnh. Vụ chiêm xuân năm nay, ngoài nhận 18ha sản xuất lúa giống, Trại Giống còn cùng với nông dân sản xuất lúa giống với diện tích 100ha.

Năm nay, giá thành nhiều loại thủy sản, đặc biệt là các loại cá truyền thống như mè, chim trắng, rô phi đơn tính, trắm cỏ… có chiều hướng sụt giảm khiến người nuôi thả không yên tâm đầu tư. Trong khi đó, một số loại cá đặc sản như trắm đen, nheo… vẫn có giá khá cao, bình quân từ 100.000 đồng/kg trở lên. Do đó, một số hộ có điều kiện ở Phú Thọ đã chuyển từ nuôi các loại cá truyền thống sang nuôi các loại cá có giá trị cao và tạo được nguồn thu đáng kể.

Những năm qua huyện Mường Ảng đã và đang phát huy nội lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, sản xuất hàng hóa tập trung. Trong đó. cây cà phê được huyện xác định là cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế, giúp người dân xóa đói giảm nghèo bền vững.

Hàng chục ha tôm tại Nghi Lộc và tại Quỳnh Lưu (Nghệ An) bị chết nhưng nhiều người dân không báo cho cơ quan chức năng và không lấy mẫu xét nghiệm để xác định nguyên nhân. Trước mắt, một nguyên nhân đang được đưa ra có thể là tôm đã thả thẳng xuống ao sau quá trình vận chuyển từ xa về.

Với diện tích trên 95.000ha, phần lớn là đồi núi nên tỉnh ta có tiềm năng rất lớn trong việc phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Nhiều loại cây trồng được đưa vào trồng thử nghiệm nhưng rồi vẫn không duy trì được lâu dài và chưa thể khẳng định là loại cây chủ lực cho người dân thoát nghèo.