Thu Nhập Cao Từ Vườn Cây Ăn Quả

Ông Nguyễn Xuân Định (khu Tân Mai, phường Đông Mai, TX Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) nổi tiếng ở thị xã với nguồn thu nhập cao từ vườn cây ăn trái. Nhiều năm trước, ông Định đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích hợp, áp dụng tốt kỹ thuật chăm sóc cây trên cơ sở đặc tính của từng loại cây trồng từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế trên diện tích đất vườn đồi. Mô hình phát triển kinh tế của ông đã được nhiều gia đình học tập kinh nghiệm và làm theo.
Gần 75 tuổi, dáng người gầy nhỏ nhưng cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi tiếp xúc với ông Định chính là sự nhanh nhẹn, hoạt bát. Có lẽ chính lao động đã giúp ông có sức khoẻ dẻo dai chống lại các bệnh tật của tuổi già và điều đặc biệt là tinh thần luôn thư thái yêu đời. Ông vừa cắt tỉa cành cây vừa vui vẻ nói với chúng tôi về quãng thời gian lập nghiệp của mình và nguyên nhân vì sao ông lại yêu và gắn bó với các loại cây ăn quả như vậy.
Năm 1963, khi đang là công nhân của xí nghiệp chế biến nông sản Đông Triều, ông xin đi học lớp Trung cấp kế hoạch của Trường Nghiệp vụ quản lý lâm trường Xuân Mai ở Hà Nội. Đến năm 1970, ông lại tiếp tục học chuyên tu Trường Đại học lâm nghiệp Hà Nội và tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi. Trở về đơn vị công tác, sau nhiều năm phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, đến đầu năm 1980 ông được bổ nhiệm làm Giám đốc xí nghiệp.
Vốn là con người của công việc, quen lao động nên khi về hưu ông đã tìm cách cải tạo trên 1,2ha đất vườn đồi của gia đình để trồng cây ăn trái. Lúc đầu toàn bộ diện tích vườn của gia đình ông đều trồng cây vải thiều và một số cây ăn quả khác như ổi, nhãn nhưng hiệu quả kinh tế không cao.
Ông đã thực hiện chuyển đổi diện tích vườn trồng theo từng bước, vừa duy trì 0,6ha đất trồng vải, đồng thời cải tạo diện tích còn lại để trồng các loại cây ăn quả như cam Đường Canh, bưởi Diễn, bưởi hồng đào. Đây là những loại cây ăn quả mà người tiêu dùng trên thị trường ưa chuộng.
Để có kiến thức về cây trồng mới này, ông đã cùng với một số hội viên hội làm vườn của phường Đông Mai đi học tập kinh nghiệm trồng cây ở nhiều địa phương như Vân Đồn, Phú Thọ, Hưng Yên. Hiện tại, trong vườn nhà ông đã trồng 160 cây vải chín sớm, 400 cây cam Đường Canh, 200 cây bưởi các loại và trên 500 cây ăn quả khác. Mỗi năm gia đình ông thu hoạch trên 4 tấn vải chín sớm, cho doanh thu trên 60 triệu đồng.
Tổng doanh thu từ vườn cây ăn quả của gia đình ông sau khi trừ chi phí đạt từ 130 - 150 triệu đồng/năm. Chia sẻ về kinh nghiệm trong trồng cây ăn quả, ông Định cho biết: Muốn tạo ra nông sản hàng hoá chất lượng cao thì quan trọng là phải lựa chọn được cây trồng thích hợp với chất đất và thực hiện đúng quy trình chăm sóc cây trồng...
Riêng đối với cây có múi như cây cam, cây bưởi yêu cầu phải chuẩn bị kỹ về điều kiện trồng như: Tầng đất trồng phải sâu, phải sử dụng phân bón khoai mục, tốt nhất là sử dụng phân chuồng để tăng cường dinh dưỡng cho đất, chủ động về nước tưới. Các loại cây có múi này cũng rất nhiều sâu bệnh, vì vậy chủ vườn phải chú ý đến việc phòng trừ sâu bệnh cho cây.
Để chủ động giống cây trồng, ông Định đang thực hiện chiết ghép gần 1.000 cây bưởi da xanh, toàn bộ số cây ghép này đều sinh trưởng, phát triển tốt. Dự định của ông là khi chiết ghép thành công sẽ mở rộng trồng cây bưởi da xanh trên diện tích vườn của gia đình, đồng thời cung ứng giống cây trồng tại chỗ cho bà con nông dân có nhu cầu cải tạo vườn tạp. Nhận xét về hội viên Nguyễn Xuân Định, ông
Phạm Văn Cát, Chủ tịch Hội Làm vườn phường Đông Mai nói: Là hội viên cao tuổi nhất của HND phường nhưng ông Định luôn hăng hái và tâm huyết với nghề làm vườn, rất nhiệt tình truyền đạt những kinh nghiệm hay của mình cho hội viên để cùng nhau phát triển kinh tế, động viên mọi người tích cực cải tạo vườn tạp, đưa những cây trồng cho hiệu quả vào canh tác.
Với những kinh nghiệm tích luỹ được, ông Nguyễn Xuân Định nhiều năm liên tục là hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở thị xã Quảng Yên.
Nguồn bài viết: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/201412/thu-nhap-cao-tu-vuon-cay-an-qua-2251664/
Related news
Báo cáo của Chi cục Thủy sản cho thấy, nuôi cá lồng bè phát triển ổn định cả sản lượng và giá cả, trong khi nuôi cá tra tiếp tục thua lỗ.

Từ thổ nhưỡng thuận lợi và kinh nghiệm sẵn có, nông dân xã Phú Thuận (An Giang) đang phục hồi, mở rộng vùng nuôi tôm càng xanh 502 héc-ta, trở thành vùng chuyên canh lúa-tôm lớn nhất tỉnh.

Ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) trong nông nghiệp được hiểu là đưa công nghệ và kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trong quá trình hội nhập quốc tế.

Sáng 21/7, tại TP Tuy Hòa, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám và Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên Lê Văn Trúc đồng chủ trì hội nghị sơ kết 6 tháng triển khai đề án Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi. Tham gia hội nghị có lãnh đạo Tổng cục Thủy sản, đại diện một số cục, vụ, viện thuộc Bộ NN-PTNT; lãnh đạo UBND các tỉnh Khánh Hòa, Bình Định; các doanh nghiệp và ngư dân tham gia chuỗi liên kết tại ba tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa.

Hiện nay, hơn 3,3 ha tôm nuôi trên địa bàn Diễn Châu (Nghệ An) đã xuất hiện bệnh. Một số đầm, tôm chết nhiều nên phải thu hoạch sớm.