Bảo Tồn Gà Liên Minh
Cách đây ít năm, thôn Liên Minh, xã Trân Châu (huyện đảo Cát Hải, TP Hải Phòng) được coi là “đảo của đảo” khi biệt lập với bên ngoài bởi các rặng núi đá cao vút.
Chính vị trí địa lý đặc biệt ấy đã tạo nên một vùng tiểu khí hậu, thổ nhưỡng riêng có và tạo nên một giống gà bản địa thuần chủng, mà tên của thôn đã được đặt cho giống gà này: Gà Liên Minh.
Đặc sản đáng tự hào
Thôn Liên Minh là nơi có địa hình cao nhất trên đảo Cát Bà mà có người dân ở. Địa hình nơi đây giống như đáy một chiếc cốc lớn mà thành cốc là các ngọn núi đá chót vót kề vai nhau vây quanh, tách biệt Liên Minh với bên ngoài. Chỉ cách đây ít năm, Liên Minh vẫn còn là “ốc đảo”.
Khi đó, người dân không có nước sạch mà chỉ dùng nước ao, nước mưa để sinh hoạt. Cho đến nay, đã có con đường bê tông vừa cho ô tô con chạy từ trung tâm xã vào Liên Minh. Tuy thế, sóng điện thoại di động vẫn chưa “len lỏi” vào được đến đây.
Người dân ở Liên Minh sống bằng nghề nuôi gà, nuôi ong và trồng hoa màu. Riêng về gà, theo ông Vũ Văn Liệu, Chủ tịch UBND xã Trân Châu, thôn Liên Minh có 18 hộ thì cả 18 hộ này đều chăn nuôi giống gà riêng có của thôn. Mỗi hộ nuôi từ vài chục con đến vài trăm con. Gà Liên Minh là một “thương hiệu” đáng tự hào của xã Trân Châu và huyện đảo.
Gà được nuôi theo hình thức thả vườn, thức ăn chủ yếu là ngô. Ban đêm, gà tự do ngủ trên cây, hầu như không cần chuồng trại. Chuồng chỉ cần khi gà ấp nở. Gà Liên Minh được ấp đẻ tự nhiên, nhưng không đẻ được nhiều, mỗi lứa chỉ 10 - 12 quả. Nuôi chừng 7 - 8 tháng thì xuất bán.
Giá gà khá cao so với các giống gà thường, khoảng 200.000 đ/kg. Giống gà này to cao, chân và cổ dài, lông mượt và da vàng óng. Gà đực có thể nặng tới 5 kg, gà mái tới 3 kg. Đàn gà thường khỏe mạnh, rất ít khi bị dịch bệnh.
Không chỉ có hình thức đẹp, gà Liên Minh nổi tiếng bởi chất lượng tuyệt hảo. Thịt thơm và mềm, ngọt, da giòn, vàng tươi rất bắt mắt. Những ưu điểm vượt trội của gà Liên Minh đã hấp dẫn nhiều người chăn nuôi ở các địa phương khác.
Bà Trần Thị Tính, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trân Châu cho hay, hiện nay có nhiều người ở nơi khác mua giống gà Liên Minh về nuôi nhưng dù ở bất cứ nơi nào, chất lượng gà vẫn kém hơn hẳn so với gà ở thôn Liên Minh và chỉ sau vài năm là giống bị thoái hóa dần.
Thời gian gần đây, khi Cát Hải phát triển hình thức du lịch cộng đồng, thôn Liên Minh như nàng tiên ngủ trong rừng được “đánh thức” các tiềm năng du lịch sinh thái và thể thao mạo hiểm như leo núi. Khách du lịch đến đây, đặc biệt là khách nước ngoài, vô cùng thích thú khi được thưởng thức các món ăn từ gà Liên Minh. Cùng với sự phát triển du lịch, nhu cầu về gà đặc sản ngày càng cao và chưa bao giờ Liên Minh đủ nguồn cung để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch và người dân địa phương.
Bảo vệ nguồn gen quý
Với giá trị quý báu về nguồn gen bản địa, gà Liên Minh đang được quan tâm bảo tồn. Điều rất đáng quý là cho đến nay, giống gà trong thôn vẫn không hề bị lai tạp và thoái hóa. Có được điều hiếm có này là do người dân trong thôn ý thức được việc bảo vệ giống gà quý.
Từ nhiều năm nay, bà con trong thôn cùng nhau đề ra một quy ước và thực hiện rất nghiêm túc là tuyệt đối không đưa giống gà từ nơi khác vào địa phương nuôi và lai tạo nhằm bảo tồn nguồn gen thuần chủng của gà Liên Minh.
Bên cạnh đó, hàng năm, Viện Chăn nuôi Việt Nam đều cấp kinh phí cho địa phương phun thuốc khử trùng, phòng bệnh cho đàn gà Liên Minh. Chung sức với Viện Chăn nuôi, ngành KH-CN Hải Phòng cũng đang có nhiều hoạt động nhằm góp phần bảo tồn giống gà Liên Minh, đảm bảo nguồn gà thương phẩm cung cấp cho thị trường du lịch tại huyện đảo.
Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Hải Phòng đang triển khai dự án bảo tồn giống gà Liên Minh (dự án cấp Bộ KH&CN) với tổng mức đầu tư hơn 2 tỷ đồng. Đồng thời, Sở KH&CN, cũng đang hỗ trợ xã Trân Châu tiến hành các thủ tục đăng ký nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm “gà Liên Minh” mà Hội Nông dân xã sẽ làm chủ sở hữu nhãn hiệu này.
Related news
Tiếp nối nghề truyền thống của cha ông, anh Ngô Văn Nhợi (xã Hải Tân, huyện Hải Hậu, Nam Định) đã phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Bất chấp sự vận động, khuyến cáo của ngành nông nghiệp, từ đầu năm đến nay nhiều người hộ dân ở huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh tiếp tục đổ xô lên liếp trên đất lúa để trồng cây cam sành.
“Cánh đồng tôm” là tên mà người dân Cà Mau thường gọi cho mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến. Tuy là mô hình mới nhưng năng suất khá cao, có rất nhiều nông dân thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Vụ lúa hè thu được xem là vụ lúa sản xuất chính trong năm, thời tiết tương đối thuận lợi, chi phí đầu tư sản xuất thấp, hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, bà con nên gieo sạ đúng theo hướng dẫn lịch thời vụ và cơ cấu nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thời tiết và các loại sâu bệnh gây ra. Đặc biệt, tránh thu hoạch lúa vào tháng 9 - thời điểm mưa nhiều, khó bảo quản và tiêu thụ lúa như các năm trước đây.
Vụ sản xuất Đông Xuân (ĐX) năm 2013-2014, huyện Tuy Phước triển khai thực hiện 24 cánh đồng mẫu lớn (CĐML) sản xuất lúa với tổng diện tích 1.120 ha, trong đó có gần 600 ha liên kết sản xuất lúa giống, năng suất đạt 80,3 tạ/ha, tăng 8,8 tạ/ha so với năng suất bình quân chung. 100% số hộ tham gia liên kết sản xuất lúa giống trên CĐML đều thu lợi nhuận khá.