Thu Nhập Cao Nhờ Trồng Xen Hoa Màu Trong Vườn Cao Su Non
Với nhiều nông dân không có đất sản xuất, cuộc sống sẽ trở nên khó khăn. Tuy nhiên, vẫn có những nông dân như những chú ong miệt mài tìm mật bằng cách thuê vườn cao su non chưa khép tán để trồng hoa màu.
Thu 100 triệu đồng từ 2 sào đất mượn
2 năm qua, ông Nguyễn Văn Trung ở ấp 1, xã Tân Khai (Hớn Quản - Bình Phước) đã thu về gần 100 triệu đồng/năm nhờ trồng hoa màu từ 2 sào đất mượn. Đây là đất đã trồng cao su non chưa khép tán. Trên diện tích này, ông Trung trồng các loại hoa màu như: Khổ qua, dưa leo, ớt hiểm và cúc vạn thọ. Trong đó, ông Trung tâm huyết nhất là cây ớt hiểm (giống ớt lai F1) vào mùa mưa, cúc vạn thọ vào dịp tết Nguyên đán và rằm tháng Giêng âm lịch.
Ớt hiểm được trồng từ tháng 4, đến đầu tháng 10 bắt đầu cho thu hoạch. Lợi thế của cây ớt hiểm là ít vốn đầu tư (10 triệu đồng/sào), dễ chăm sóc, ít bị sâu bệnh. Ông Trung cho biết về quy trình chăm sóc cây ớt hiểm: Xới đất tơi xốp, trộn phân chuồng ủ mục rải đều, gieo hạt. Để giữ độ ẩm cho đất và tránh cỏ dại mọc chen cây, ông dùng bao nilon trải kín mặt luống. Ông Trung còn liên hệ với Trung tâm Khuyến nông Hớn Quản để được tư vấn cách phun xịt tránh bệnh thối lá, nhũn đọt của cây ớt.
Kết thúc vụ ớt năm 2012, gia đình ông Trung thu về 3 tấn trái. Với giá bán trung bình từ 25 đến 45 ngàn đồng/kg, ông thu lời gần 100 triệu đồng/vụ ớt. Dịp tết Nguyên đán, ông tiếp tục trồng cúc vạn thọ, thu nhập trên 15 triệu đồng. Vụ ớt năm 2013 đã bắt đầu, giá ớt hiểm chỉ còn 20 ngàn đồng/kg nhưng ông Trung không nản: “Vụ này không thắng như năm rồi, nhưng vẫn không thể lỗ vốn. Tôi hy vọng đợt bông vạn thọ tới sẽ đỡ hơn. Lấy công làm lời, đất sẽ không phụ người”.
Thuê đất trồng dưa hấu tăng thu nhập
Chúng tôi tới ruộng dưa hấu của anh Nguyễn Văn Thông ở ấp 7, xã Minh Lập (Chơn Thành) vào cuối vụ. Những trái lớn (3kg trở lên) được thương lái tới tận nơi mua đưa về thành phố Hồ Chí Minh và ra phía Bắc tiêu thụ. Vợ chồng anh Thông tiếp tục tận thu những trái nhỏ mang ra chợ bán.
Chị Huỳnh Thị Phượng (vợ anh Thông) kể: Cuối năm 2012, anh chị từ huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang lên Bình Phước lập nghiệp. Sẵn có nghề trồng cây ăn trái, vợ chồng anh thuê 8 ha rẫy cao su chưa khép tán để trồng dưa hấu với giá thuê 8 triệu đồng/ha/năm. Dưa hấu có thời gian sinh trưởng ngắn, ít sâu bệnh... được vợ chồng anh Thông lựa chọn.
Để có loại dưa hấu trái dài, cơm đỏ, vị ngọt đậm, anh Thông sang Lộc Ninh chọn giống. Sau 60 ngày gieo trồng, dưa hấu cho thu hoạch (khoảng trên 20 tấn trái lớn và 3 tấn trái dưa ngọn/ha). Với giá bán sỉ 4.000-6.000 đồng/kg dưa lớn, anh Thông thu về trên 80 triệu đồng/ha/vụ. Trừ chi phí, mỗi ha dưa hấu thu lời khoảng 20 triệu đồng. Như vậy, mỗi năm chỉ cần thắng một vụ dưa, người thuê đất như anh Thông cũng lời trên 100 triệu đồng.
Trồng hoa màu trên đất cao su chưa khép tán là bài toán lợi cả đôi đường: Thu nhập cho người nông dân thiếu đất sản xuất; vườn cao su non luôn có người trông coi, bảo vệ, lại được hưởng nguồn phân hữu cơ, độ ẩm đều trong khi chăm sóc hoa màu.
Related news
Ông Nguyễn Văn Minh - Phó Giám đốc Hợp tác xã rau an toàn xã Long Thuận (huyện Hồng Ngự) cho biết, thời điểm này việc thu hoạch hoa màu trên địa bàn xã trầm lắng, bởi giá cả nhiều loại hoa màu giảm mạnh (từ 40 - 50%) so với thời điểm cận Tết. Giá hoa màu giảm là do nguồn cung vượt cầu, trong khi đang vào thời điểm thu hoạch rộ. Người dân trồng hoa màu đang hy vọng giá cả sẽ tăng lên trong những ngày tới vì trúng vào dịp rằm tháng Giêng năm 2015.
Vụ Đông Xuân năm nay, bà con nông dân TX Bình Minh áp dụng hầu hết cơ giới hóa từ khâu cày xới làm đất, thu hoạch và vận chuyển nên giảm được chi phí sản xuất, giảm ngày công lao động, đặc biệt là giảm tỷ lệ hao hụt trong khâu thu hoạch, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế. Hiện nay, các trà lúa còn lại đang ở giai đoạn chắc xanh đến chín, bà con đang tập trung thu hoạch.
Để phục vụ cho việc sản xuất nấm hương vụ mùa năm 2015, hiện nay, các hộ trong tỉnh Thái Nguyên đang tiến hành làm bịch và trồng nấm. Năm 2015, dự kiến tăng diện tích trồng nấm trên địa bàn tỉnh là 60.000m2, sản lượng sẽ tăng thêm 150 tấn so với năm 2014.
Đồng Nai đang xây dựng dự án phát triển vùng chuyên canh cây ca cao theo mô hình cánh đồng mẫu lớn. Tham gia dự án, nông dân trồng ca cao sẽ được hỗ trợ để tiếp cận vốn giá rẻ, kỹ thuật sản xuất... Trong đó, nội dung quan trọng nhất là doanh nghiệp (DN) sẽ ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân với giá tốt.
Hiện tại, Hội Nông dân xã Bàu Năng phối hợp Ban Nông nghiệp xã hướng dẫn cho bà con xịt thuốc và bơm nước tưới mì thường xuyên nhằm ngăn chặn không cho dịch lây ra trên diện rộng, đồng thời tiếp tục theo dõi tình hình và báo cáo ngành chức năng để có hướng xử lý kịp thời.