Thời tiết âm u, chủ động phòng trừ bệnh đạo ôn từ sớm
Hà Tĩnh hiện có 107ha/59.000ha lúa xuân 2021 bị nhiễm bệnh đạo ôn, dù nhiễm nhẹ nhưng tỉnh không lơ là chủ quan.
Diện tích lúa nhiễm đạo ôn rất ít nhưng tinh thần chỉ đạo phòng trừ của Hà Tĩnh tuyệt đối không chủ quan. Ảnh: Thanh Nga.
Theo ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Tĩnh, năm nay dù tỷ lệ dịch hại xuất hiện trên cây trồng thấp nhưng quan điểm của ngành tuyệt đối không chủ quan, đặc biệt với bệnh đạo ôn trên lúa. Hiện toàn tỉnh Hà Tĩnh chỉ có 107ha nhiễm đạo ôn nhưng thời tiết giai đoạn đứng cái, làm đòng gặp phải thời tiết mưa, ẩm, âm u nên cũng rất đáng lo.
“Hà Tĩnh đang cần một tuần đến 10 ngày nắng nóng, thậm chí gió Lào càng tốt. Như vậy bệnh đạo ôn sẽ không có cơ hội phát sinh, gây hại. Sở NN-PTNT đang chỉ đạo các địa phương khuyến cáo, hướng dẫn người dân theo dõi sát đồng ruộng, tập trung phun phòng, đặc biệt là những diện tích trổ sớm, theo phương châm “giết nhầm hơn bỏ sót””, ông Thanh cho biết.
Trên cánh đồng gần 54ha ở thôn Đông Tiến, xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà, hai giống lúa VNR20 (22ha) và nếp 98 (28ha) khoe màu xanh mơn mởn, sạch sâu bệnh hại, hứa hẹn một mùa vụ bội thu.
Giám đốc HTX nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Bắc Sơn cho biết, cánh đồng này HTX liên kết với Công ty CP Giống cây trồng Hà Tĩnh và Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) sản xuất khép kín từ khâu làm đất, giống, quy trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và bao tiêu sản phẩm.
Theo lãnh đạo HTX nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Bắc Sơn, năm nay thời tiết đầu vụ thuận lợi nên cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt. Hiện toàn bộ diện tích đang sạch sâu bệnh, nhưng do tiết trời âm u, mưa rét nên HTX vẫn yêu cầu người dân phun phòng bệnh đạo ôn, đồng thời theo dõi sự xuất hiện của rầy râu, khô vằn để kịp thời phòng trừ hiệu quả, đảm bảo vụ xuân này thắng lợi.
Kiểm tra tình hình sản xuất, phòng trừ sâu bệnh trên lúa xuân ở huyện Thạch Hà, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Như Cường nhấn mạnh, Hà Tĩnh phải chủ động phòng trừ bệnh đạo ôn từ sớm, không chờ xuất hiện triệu chứng bệnh mới phun phòng. Đặc biệt, những giống lúa, vùng sản xuất có “truyền thống” nhiễm đạo ôn phải phun phòng để đảm bảo chắc ăn, tránh lặp lại mất mùa lịch sử.
Song song với quản lý chặt chẽ sâu bệnh gây hại trên lúa vụ xuân, Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường lưu ý thêm Hà Tĩnh trong việc phát triển bền vững cây ăn quả có múi như cam, bưởi. Cây ăn quả là nhóm cây trồng được Hà Tĩnh xác định làm chủ lực, đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất.
Việc rà soát, đánh giá tiềm năng, lợi thế, hiệu quả cây ăn quả có múi Hà Tĩnh phải thực hiện đồng bộ nhằm tiến tới xây dựng bản đồ số nông nghiệp, mã vùng trồng, góp phần thực hiện thành công tiêu chí tỉnh nông thôn mới.
Related news
Nghệ An sẽ phát triển đàn dê từ nay đến năm 2025 với mục tiêu đưa tổng đàn dê được chăn nuôi trong toàn tỉnh lên hơn 285 nghìn con.
Sâu đục cuống quả vải là đối tượng gây hại nguy hiểm, không phòng trừ kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới năng suất, chất lượng.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dự báo rằng xuất khẩu gạo năm 2021 sẽ duy trì tín hiệu lạc quan cả về sản lượng và giá bán do hiện nay