Nuôi dê, dễ ăn
Nghệ An sẽ phát triển đàn dê từ nay đến năm 2025 với mục tiêu đưa tổng đàn dê được chăn nuôi trong toàn tỉnh lên hơn 285 nghìn con.
Nhu cầu tiêu thụ thịt dê tại nước ta nói chung đang ngày càng tăng mạnh. Ảnh: TL
Thịt dê là một loại thực phẩm ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng. Những năm gần, đây nhu cầu về thịt dê ngày càng lớn, giá cả thịt dê ổn định và tương đối cao so với các loại thịt khác. Mặt khác, nuôi dê không khó, dê ăn ít, bệnh so với các loại động vật khác.
Đã 8 năm nay, ông Tô Quang Khôi ở xã Xuân Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) đã quyết định bỏ hẳn nuôi lợn để chuyển sang nuôi dê. Ông Khôi phân tích: nuôi lợn đầu tư nhiều, nhất là thức ăn, lợn dễ bị các loại bệnh dịch xẩy ra. Nuôi một con lợn từ 12-13 kg trong thời gian khoảng trên dưới 100 ngày có trọng lượng từ 80-90 kg, bán đi, trừ hết mọi chi phí thu lãi ròng chỉ khoảng 1 triệu đồng/con.
Nếu nuôi dê như đàn dê của ông hiện có 20 con dê mẹ và gần 30 con dê thịt. Bình quân 1 con dê mẹ có thể sinh được 4 con dê/năm, thu về chắc chắn từ 7-7,5 triệu đồng, mà chi phí nuôi dê rất ít tốn kém so với nuôi lợn, do nuôi dê tận dụng lá cây rừng và cỏ dại trong và ngoài vườn nhà.
Yên Thành là huyện lúa nhiều nhất của tỉnh Nghệ An, nhưng có hơn 10 xã chiếm 2/3 diện tích là đất có rừng và đồi núi thấp nên rất thuận lợi cho việc phát triển đàn dê.
Ông Nguyễn Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết, toàn huyện đang có đàn dê lên đến 15.133, con tập trung ở các xã: Tăng Thành, Minh Thành, Thịnh Thành, Quang Thành, Tân Thành, Lăng Thành…
Nghề chăn nuôi dê ở Yên Thành có từ lâu với hình thức tự phát, chưa được quan tâm đúng mức để phát triển thành vật nuôi hàng hóa. Ngày nay, sản phẩm thịt dê đã thành "đặc sản", nhu cầu ngày càng lớn. Do đó, UBND huyện đã có đề án về phát triển đàn dê theo hướng vừa chăn nuôi dê thịt, vừa chăn nuôi dê sinh sản, khuyến khích mở rộng chăn nuôi theo hướng hàng hóa.
Theo đó phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện có tổng đàn dê lên 18.000 - 20.000 con. Xây dựng 5-6 trang trại chăn nuôi dê với quy mô vừa và lớn khoảng 800 - 1000 con/trang trại, bằng các giống dê hiện có ở địa phương. Đây là các giống dê có trọng lượng vừa phải, nhưng khả năng chống chịu bệnh tật khá, thịt thơm ngon, dễ tiêu thụ.
Tại huyện miền núi Tân Kỳ (Nghệ An), từ năm 2017 đã tập trung xây dựng thương hiệu dê của huyện. Đến nay, huyện đã hỗ trợ cấp 5.000 tem truy xuất nguồn gốc, người tiêu dùng chỉ cần quét mã vạch là có thể truy xuất nguồn gốc, nhãn hiệu…
Một trong những xã có đàn dê nhiều nhất của huyện Tân Kỳ là xã Nghĩa Phúc. Toàn xã Nghĩa Phúc hiện có 2.456 con dê. Các hộ chăn nuôi dê ở đây đều được cấp giấy chứng nhận sử dụng nhãn hiệu "Dê Tân Kỳ".
Ông Lê Văn Ánh, Phó chủ tịch UBND xã Nghĩa Phúc cho biết: Những năm gần đây, bà con nông dân đã chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ chăn thả tự nhiên sang chăn nuôi tập trung, có áp dụng tiến bộ KH-KT. Hiện toàn xã đã có 10 hộ chăn nuôi dê từ 30 - 70 con và xu hướng này đang được nhân lên thành phong trào nuôi dê với quy mô ngày càng lớn trong toàn xã.
Toàn huyện Tân Kỳ hiện có 33.000 con dê. Theo ông Lô Văn Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện: Tại Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 vừa qua, đã có nghị quyết về tập trung phát triển mạnh ngành chăn nuôi, trong đó tập trung xây dựng thương hiệu "Dê Tân Kỳ" đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu "Dê Tân Kỳ" từ năm 2018.
Nghị quyết này giao cụ thể mục tiêu phát triển đàn dê cho từng xã và chung toàn huyện phấn đáu đến năm 2025 đưa tổng đàn dê lên gấp 2 lần hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Đệ, Giám đốc Sở NN-PTNT Nghệ An cho biết: Hiện tại toàn tỉnh đã có tổng đàn dê 225.485 con, sản lượng thịt dê xuất chuồng 2057 tấn, tăng 1,2 lần so với năm 2015.
Đánh giá nhu cầu về thị trường tiêu thụ thịt dê ngày càng lớn, ngành nông nghiệp Nghệ An đã xây dựng và triển khai đề án phát triển đàn dê từ nay đến năm 2025 với mục tiêu đưa tổng đàn dê được chăn nuôi trong toàn tỉnh lên đến 285 nghìn con (tăng 26,5% so với hiện nay, mức tăng bình quân hàng năm 4,5 - 5%).
Ngành nông nghiệp đã tham mưu với UBND tỉnh về một số cơ chế chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi dê về ứng dụng tiến bộ KH-KT trong việc chăn thả, lai tạo giống dê mới, xây dựng chuồng trại, vệ sinh môi trường, thú y và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm bằng phương pháp liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, các siêu thị, nhà hàng…
Related news
Cây dứa đang là lựa chọn mới cho vùng đất Sơn La bởi khả năng chịu hạn tốt, dễ tính, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, đầu tư thấp, cho giá trị kinh tế khá.
Việc sản xuất lúa gạo kết hợp giảm thiểu phát thải khí nhà kính sẽ mang lại lợi ích kinh tế - xã hội - môi trường một cách bền vững.
Nông nghiệp được xác định là một trong 8 ngành ưu tiên chuyển đổi số, trong đó có chuyển đổi số trồng trọt, chăn nuôi, truy xuất nguồn gốc, kiểm tra thời gian